Truyền thông

Dạy trẻ cách thoát khỏi đám cháy an toàn thế nào?

Mai Hà 27/11/2023 08:31

Cháy nổ hiện nay đang rất phổ biến và là nỗi lo lắng của nhiều người ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… Khi đám cháy xảy ra, trẻ em là đối tượng khiến nhiều bậc cha mẹ không yên tâm nhất. Vì thế, hãy dạy trẻ cách trốn thoát khỏi đám cháy an toàn nhất.

Ngày nay, việc trang bị những kỹ năng sinh tồn cho trẻ là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp trẻ có thể tự cứu chính bản thân mình trong một số trường hợp. Một trong những kỹ năng mà cha mẹ cần dạy con đó chính là thoát thân khỏi hỏa hoạn vì hỏa hoạn có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.

Khi trẻ ở nhà một mình, tuyệt đối không được khoá trái cửa

Liên tiếp trong mấy ngày gần đây xảy ra nhiều vụ cháy dẫn đến cái chết thương tâm trong đó có trẻ em đã khiến dư luận đau xót và phụ huynh lo sợ. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị, rèn luyện kỹ năng thoát nạn trong hỏa hoạn cho người lớn, trẻ em cũng là đối tượng cần nhận biết sớm kỹ năng này, đặc biệt khi trẻ phải ở nhà một mình.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: "Khi trẻ nhỏ ở nhà, sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn xảy ra tai nạn cho chính các cháu hoặc cho cả người xung quanh".

Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, Thượng tá Đỗ Anh Quyến có một số lưu ý về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho trẻ nhỏ như sau:

Thứ nhất, hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy hiểm và nghiêm cấm trẻ tiếp cận tự ý sử dụng các thiết bị sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt phòng cháy, nổ.

Thứ hai, nhắc nhở trẻ nhỏ tắt các thiết bị điện không cần thiết vào buổi tối.

Thứ ba, không nên để trẻ ở nhà một mình và khóa trái cửa dù với bất kỳ lý do nào. Khi có chuyện gấp hay có chuyện cần phải đi vắng trong chốc lát, có thể nhờ người thân, hàng xóm trông chừng trẻ giúp mà không nhất thiết khóa trái cửa. Ngoài ra, cần thường xuyên huấn luyện, chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố nguy hiểm, cháy nổ…

Các bậc cha mẹ cần đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn.

Thứ tư, không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt.

Thứ năm, không giao cho trẻ nhỏ thực hiện việc đốt vàng mã. Hạn chế giao trẻ nhỏ thực hiện việc dùng bếp lửa để đun nấu đề phòng hỏa hoạn và bị bỏng.

Thứ sáu, không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, việc lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn.

Thứ bảy, bố mẹ hoặc người lớn trước khi đi làm phải chủ động kiểm tra và tắt bình đun nước nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng.

Thứ tám, chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.

Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm

Trẻ em là đối tượng dễ bị thương và tử vong trong các đám cháy do không hiểu biết về các kỹ năng thoát hiểm. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải quan tâm hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng để thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Trên trang web của Trường Đại học PCCC có đăng tải hướng dẫn 7 kỹ năng giúp trẻ thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy như sau:

Kỹ năng 1: Khi phát hiện, ngửi thấy mùi lửa, khói bốc lên thì hãy gọi ngay cho lực lượng chức năng để giúp đỡ với số điện thoại 114. Nếu như bị kẹt trong đám cháy, các em phải thật bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của người lớn.

Kỹ năng 2: Hướng dẫn cho trẻ nắm rõ các lối thoát hiểm trong nhà như: cửa trước, cửa sau, lối thông sang nhà bên cạnh. Hoặc nếu nhà cao tầng thì chỉ cho bé thoát hiểm bằng cầu thang bộ. Tuyệt đối không đi bằng cầu thang máy.

Kỹ năng 3: Cần dạy trẻ quan sát vị trí các biến báo thoát hiểm dạ quang, biển báo PCCC dạ quang để thoát ra ngoài nhanh nhất. Trong một số trường hợp, cần phải kêu lên thật lớn để mọi người biết đến trợ giúp.

Kỹ năng 4: Các trường hợp tử vong chủ yếu là do hít phải khí độc nên người lớn cần hướng dẫn cho trẻ dùng khăn ướt để bịt mũi và cúi sát người xuống sàn nhà khi thoát nạn. Khi di chuyển, trẻ cần lấy khăn ướt, bịt vào mũi để tránh khí độc nhiễm vào có thể gây ngạt thở. Trẻ phải cúi thấp người xuống càng tốt vì càng sát đất thì khói và khí độc càng ít hơn.

Kỹ năng 5: Người lớn cũng nên dạy cho trẻ cách sử dụng bình chữa cháy để dập tắt những đám cháy nhỏ, kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, không dạy trẻ hắt nước vào đám cháy vì có thể ảnh hưởng đến thiết bị điện ảnh hưởng đến quá trình cứu hộ, cứu nạn.

Kỹ năng 6: Trong trường hợp ở chung cư, khi khói đã che khủ hết không tìm được lối ra, hãy quay về chung cư của mình nếu mang được điện thoại trên người thì càng tốt để nhanh chóng gọi cho 114, thông báo đang ở phòng số mấy, ra ngoài ban công, cửa sổ dùng một vật gì đó dễ phát hiện và la lớn lên để mọi người biết vị trí của mình.

Kỹ năng 7: Để tăng khả năng sống sót trong trường hợp cháy nổ, đông người, hỗn loạn; các bậc phụ huynh nên dạy trẻ không chạy ngược dòng đám đông hoặc chèn ngang vì khả năng bị kẹt, dẫm đạp lên nhau dẫn đến trường hợp bị ngạt thở và tử vong. Trong trường hợp này, thay vì hùa theo đám đông, thì các con cần bình tĩnh tinh mắt, quan sát vị trí các biển báo exit dạ quang, bình PCCC để tìm ra lối thoát hiểm nhanh chóng nhất. Các con không được chần chừ, cố ở lại để giữ đồ dùng của mình vì đám cháy lớn rất nhanh, đe dọa tính mạng.

Dựa vào các kỹ năng đã được khuyến cáo trên, dưới đây diễn giải cụ thể hơn một số lưu ý mà các bậc phụ huynh có thể dạy con:

Giữ bình tĩnh

Cha mẹ cần dạy các con là bình tĩnh khi gặp hỏa hoạn bởi khi cuống lên, con sẽ không thể điều khiển được hành vi và cảm xúc của mình để nhạy bén tìm cách thoát thân.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chỉ rõ cho trẻ về sự nguy hiểm của lửa, đặc biệt hay dạy trẻ cách nhận biết lửa đã được dập tắt hoàn toàn chưa nhằm tránh đề phòng những vấn đề mang tính rủi ro. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ không quá hoảng sợ và có thể áp dụng nếu gặp trường hợp tương tự xảy ra.

Thoát thân ngay lập tức

Trẻ em thường có những suy nghĩ rất ngây thơ, đôi khi thấy đám cháy xảy ra, trẻ vẫn cố nán lại để lấy món đồ chơi con yêu thích hoặc chờ đợi con vật nuôi trong nhà chạy ra cùng.

Vậy nên, trước đó phụ huynh cần giải thích cho con hiểu, khi hỏa hoạn xảy ra, tính mạng của con là trên hết, các món đồ chơi hoặc thú cưng có thể tìm hoặc mua lại được. Nếu con không biết cách thoát thân, con có thể bị mắc kẹt trong đám cháy và gặp những nguy hiểm khôn lường.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Sau khi bình tĩnh, các con phải lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa (số đường dây nóng 114). Nếu trường hợp bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của họ (tất nhiên người lớn cần có kỹ năng thoát hiểm).

Biết đường ra ngoài

Khói từ đám cháy sẽ khiến bạn khó nhìn thấy mọi thứ xung quanh, do đó điều quan trọng là phải học và nhớ những lối thoát khác nhau trong căn hộ đang sống hoặc trong trường để có thể chạy thoát khi cần thiết.

Những điều trẻ cần biết: Cầu thang thoát hiểm nằm ở đâu? Có bao nhiêu lối thoát? Làm thế nào để đi tới chỗ đó từ phòng của mình?

Cúi thấp người sát mặt đất

Khói và khí độc thường bay lơ lửng trên không và thường gây nguy hiểm hơn cả lửa cháy. Vì thế, hãy dạy trẻ biết cúi thấp người nhất có thể để trốn thoát ra ngoài. Tốt nhất, hãy bò bằng đầu gối và tay sẽ giúp đi ra ngoài nhanh hơn.

Không nên chủ quan vì trẻ thường thấp người, sẽ không hít phải khói và khí độc. Hãy đảm bảo sự an toàn của con bạn 100%.

Nếu không thể thoát ra ngoài kịp

Trong trường hợp khói và lửa bịt kín các lối thoát, hãy dạy trẻ cách gọi điện khẩn cấp đến số 114. Sau đó, hãy hét thật to, để người ngoài có thể nghe thấy.

Hãy tìm một chỗ thật an toàn để chờ người đến cứu. Tốt nhất, trẻ cần được biết không nên trốn trong gầm giường hoặc tủ quần áo, vì sẽ rất khó để người cứu hộ tìm thấy trẻ.

Trong thời gian chờ đợi, trẻ phải biết cách dùng chăn, mền hoặc quần áo để che chắn các lỗ hổng, những chỗ mà khói có thể đi vào trong.

Nếu thấy trong phòng nhiều khói, hãy dạy trẻ cách dùng khẩm ướt bịt mũi và miệng.

Ảnh minh hoạ.

Nếu lửa bén vào quần áo

Khi đám cháy to, lửa rất dễ bị bén vào quần áo của trẻ. Hãy giúp trẻ nắm nguyên tắc “dừng, nằm và lăn”, tức là, khi thấy lửa bén vào quần áo, lập tức dừng lại, nằm xuống đất và lăn cho đến khi quần áo không còn lửa nữa. Hãy nhớ, dạy trẻ dùng tay che mặt lại.

Gặp nhau ở nơi đã chỉ định

Thông thường, khi trốn thoát ra ngoài, các thành viên trong gia đình rất dễ bị lạc nhau.

Vì thế, ba mẹ cần phải cho trẻ biết nơi mà cả nhà sẽ gặp nhau, có thể là nhà hàng xóm, người thân… Nơi chỉ định này cần phải an toàn và cách càng xa đám cháy càng tốt.

Tốt nhất, không được quay trở lại đám cháy với bất kỳ lý do nào. Mọi việc, hãy chờ đội cứu hỏa đến xử lý./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dạy trẻ cách thoát khỏi đám cháy an toàn thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO