Đề án quy hoạch báo chí đến 2025: "Chúng tôi sẽ làm thận trọng"

27/09/2015 20:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Về đề án quy hoạch báo chí đến 2025, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm thận trọng, tránh gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ những người làm báo".

Thứ trưởngTrương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị phổ biến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: Xuân Lộc

Trước một số băn khoăn về nội dung đề án quy hoạch báo chí, tại hội nghị diễn ra sáng 25/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

PV: Thưa Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của các cơ quan báo chí trước đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Dù quy hoạch trước đó chưa được thông qua nhưng Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng quy hoạch để sắp xếp lại các cơ quan báo chí của mình. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chủ động chuyển Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam, chuyển báo VTC News, báo Thể thao 24h về Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao và nêu cao vai trò của cơ quan chủ quản báo chí, phải có bước đi, lộ trình kế hoạch để sắp xếp quy hoạch báo chí của địa phương và ngành mình. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ cùng cơ quan chủ quản tháo gỡ ở những nơi có nhiều cơ quan báo chí, gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Chúng tôi đã có kế hoạch ngày 1/10 tới đây sẽ làm việc với thành phố Hồ chí Minh và một số tổ chức xã hội nghề nghiệp khác để cùng trao đổi, bàn luận về quy hoạch báo chí.

Thứ nhất, việc sắp xếp, quy hoạch báo chí phải thực hiện theo đề án nhưng phải tính đến những cơ quan báo chí không lớn nhưng có vai trò tác động mạnh mẽ, có số lượng bạn đọc rộng rãi và có ảnh hưởng xã hội lớn thì cũng phải xem xét chứ không làm một cách máy móc, cứng nhắc.

Chúng tôi sẽ làm thận trọng, tránh gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ những người làm báo, nhất là trong bối cảnh hiện nay kinh tế xã hội cũng đang rất khó khăn và đội ngũ những người làm báo cũng có nhiều cố gắng.

Làm thế nào để vừa đảm bảo sự ổn định, vừa đảm bảo báo chí phát triển đúng định hướng tránh chồng chéo, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích.

PV: Hiện nay có rất nhiều cơ quan chủ quản có rất nhiều tờ báo, ví dụ như Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có 25 báo, tạp chí và trang tin điện tử hay hệ thống báo chí của Trung ương Đoàn cũng vậy. Theo ông, với những đơn vị này cần sắp xếp như thế nào?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Chỉ có 1-2 cơ quan báo chí trực thuộc Liên hiệp, còn các tạp chí chuyên ngành là của các hội thành viên của Liên hiệp. Chúng tôi cũng ưu tiên các tạp chí chuyên ngành ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và các hội chuyên ngành có tạp chí để thể hiện tác phẩm, các nghiên cứu của các nhà khoa học. Những tạp chí như thế cơ bản vẫn giữ nguyên. Trong lúc thực hiện quy hoạch, chúng tôi vẫn cấp giấy phép để các trường đại học ra tạp chí.

PV: Các đài truyền hình địa phương hiện đang có thực trạng đài nào cũng muốn sóng của mình có sức ảnh hưởng rộng lớn trong khu vực. Bên cạnh đó, việc khai thác thông tin tại những đơn vị này vẫn còn trùng lặp rất nhiều?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Đối với đài địa phương, về cơ bản sẽ phải sắp xếp lại. Mỗi đài địa phương có một kênh phát thanh và một kênh truyền hình. Riêng Hà Nội và TP.HCM có tính đến tính đặc thù của từng địa phương. Ở đây có điểm mới là trong thời lượng phát sóng của truyền hình, nội dung tự sản xuất chương trình trong nước phải chiếm 70% trở lên, còn các chương trình khai thác nước ngoài không được vượt quá 30%, chủ yếu khai thác các chương trình về khoa học kỹ thuật, chính trị thời sự. TP.HCM có 16 cơ quan báo chí, cùng với hai đài với nhiều kênh, chúng tôi sẽ làm việc với từng cơ quan, bàn bạc và sắp xếp, tránh gây sáo trộn lớn trong đội ngũ phóng viên.

PV: Theo đề án quy hoạch báo chí, sẽ có 6 cơ quan báo chí là Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Thông tấn Xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân chuyển đổi theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Theo ông lộ trình này sẽ được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Xu hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Một số cơ quan báo chí hiện nay cũng bắt đầu trở thành đa phương tiện, đòi hỏi năng lực của những người đứng đầu cơ quan báo chí phải phát triển theo kịp xu thế đó. Bây giờ không có một tờ báo nào là báo in đơn thuần, ít nhất phải có thêm báo điện tử. Chúng tôi đã rà soát lại từ dự thảo luật cho đến đề án này đều phải thống nhất với nhau. Điều gì chưa thống nhất phải xin các cấp có thẩm quyền xem xét lại.

Vì vậy trong xu hướng phát triển truyền thông đa phương tiện, các cơ quan báo chí phải tự nâng cấp trang thiết bị, hệ thống hạ tầng. Thứ hai là đào tạo và bồi dưỡng phóng viên để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình đáp ứng yêu cầu của một cơ quan truyền thông đa phương tiện.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Phương Thúy/VOV

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đề án quy hoạch báo chí đến 2025: "Chúng tôi sẽ làm thận trọng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO