Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình dự thảo luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội |
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ sự cần thiết phải ban hành Luật Báo chí (sửa đổi) là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp đặt ra, như các vấn đề: Đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội...
Qua 16 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp 1992 và luật định.
Báo chí Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ một số vấn đề như có trường hợp cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút. Quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay; quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nhưng cơ chế đảm bảo các quyền này chưa cụ thể.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí.
Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là đã cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí…
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí, cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tiễn cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, Ủy ban cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước. Điều này nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.
Về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định người chịu trách nhiệm chính, người liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động cũng như về nội dung thông tin báo chí.
Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí hay bảo vệ nguồn tin cho báo chí. Theo đó, Báo cáo thẩm tra cho rằng, theo Khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng, nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.