An toàn thông tin

Đến tháng 9/2024, 100% hệ thống thông tin phải được phê duyệt cấp độ an toàn

Nhật Minh 24/02/2024 22:15

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố (đơn vị) phải nhanh chóng đảm bảo an toàn hệ thống thông tin (HTTT) theo cấp độ 1 đến cấp độ 5 (nếu có) chậm nhất trong tháng 9/2024 và có phương án bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt chậm nhất trong tháng 12/2024.

Đó là một trong số những nội dung quan trọng thể hiện trong Chỉ thị số 9/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ ngày một tăng mức cao hơn.

Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp ATTT Make in Viet Nam

Chỉ thị khẳng định việc đảm an toàn HTTT theo cấp độ là biện pháp trọng tâm, cốt lõi để bảo vệ HTTT theo quy định tại Luật ATTT mạng.

Và đặc biệt hơn, muốn công tác này hiệu quả, chuyển biến thực chất cần phải có sự quyết tâm cao, mốc thời gian cụ thể để thực hiện, bởi thực tế hiện nay đối với công tác này, kết quả đạt được từ các đơn vị còn thấp (gần 40% HTTT) chưa hoàn thành việc phê duyệt cấp độ an toàn HTTT và chưa có phương án bảo đảm an toàn theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt. Hơn nữa, vẫn còn nhiều cơ quan, địa phương chưa tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ.

hinh-2.jpeg
Các đơn vị cần áp dụng mô hình bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp. (Ảnh minh hoạ)

Chỉ ra những nguyên nhân trong bức tranh vẫn còn những hạn chế này, văn bản chỉ rõ: Các cơ quan chủ quản HTTT chưa thấy hết trách nhiệm, vai trò, tầm quan trọng của việc phê duyệt cấp độ ATTT và triển khai đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATTT cho các HTTT thuộc phạm vi quản lý; nhiều đơn vị được giao quản lý, vận hành HTTT chưa chú trọng thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm ATTT theo cấp độ trong phạm vi quản lý tại các bộ, ngành, địa phương hầu như chưa được tổ chức để nắm bắt tình hình, hướng dẫn triển khai và xử lý vi phạm; nguồn lực dành cho công tác bảo đảm ATTT, công tác bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Từ những hạn chế nêu trên và để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả cho công tác này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cụ thể: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng, tài chính… tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

Trực tiếp chỉ đạo và phụ trách công tác bảo đảm ATTT trong hoạt động của cơ quan, địa phương mình; Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu các đơn vị thuộc phạm vi quản lý không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ hoặc để xảy ra mất ATTT, lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, bí mật nhà nước.

Cùng với đó, tổ chức phổ biến, quán triệt các đơn vị thuộc phạm vi quản lý rà soát, nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm ATTT mạng; Chỉ đạo các đơn vị vận hành HTTT thuộc phạm vi quản lý thay đổi căn bản về nhận thức, xác định hồ sơ đề xuất cấp độ là cơ sở để triển khai các biện pháp bảo đảm ATTT theo quy định, là căn cứ quan trọng để xác định và bố trí nguồn lực triển khai cũng như đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về ATTT mạng.

Cần bảo đảm 100% HTTT đang trong quá trình thiết kế, xây dựng, nâng cấp, mở rộng trước khi đưa vào vận hành, khai thác phải được phê duyệt cấp độ an toàn HTTT và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt.

Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê, cập nhật danh mục HTTT thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm 100% HTTT từ cấp độ 1 đến cấp độ 5 (nếu có) đang vận hành phải được phê duyệt cấp độ an toàn HTTT chậm nhất trong tháng 9/2024 và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt chậm nhất trong tháng 12/2024.

Đặc biệt, ưu tiên triển khai HTTT trên các hạ tầng số (như Trung tâm dữ liệu (TTDL), dịch vụ Điện toán đám mây) đã được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT để kế thừa các biện pháp bảo đảm ATTT đã có.

Và cần sử dụng thường xuyên, hiệu quả các nền tảng hỗ trợ bảo đảm ATTT do Bộ TT&TT cung cấp; áp dụng mô hình bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT mạng do doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất hoặc làm chủ công nghệ.

Cùng với đó, định kỳ tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá tuân thủ các quy định, giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm ATTT theo cấp độ trong phạm vi quản lý, tối thiểu 01 lần/01 năm; Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TT&TT trước ngày 25/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Ưu tiên bố trí nguồn lực theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực thi hiệu quả công tác bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ, công tác bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp, đặc biệt đối với TTDL và các HTTT quan trọng, dùng chung”, Chỉ thị yêu cầu.

Luật hoá việc bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ

Bên cạnh những yêu cần nêu trên, Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ TT&TT có trách nhiệm phát triển, phổ biến, tập huấn sử dụng và duy trì hoạt động các nền tảng hỗ trợ bảo đảm ATTT như: Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ; Nền tảng điều phối xử lý sự cố ATTT mạng quốc gia; Nền tảng hỗ trợ điều tra số…

Mục tiêu hướng đến nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, DN triển khai các hoạt động bảo đảm ATTT thuận lợi, hiệu quả, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; Tổ chức đánh giá, xếp hạng công tác bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ của các bộ, ngành, địa phương thông qua Nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn HTTT theo cấp độ.

“Bộ TT&TT thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá cho các hoạt động này; xây dựng, ban hành Sổ tay hướng dẫn tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ; hướng dẫn về mô hình bảo đảm ATTT để các đơn vị tham khảo (hoàn thành chậm nhất trong tháng 6/2024)”, Chỉ thị yêu cầu.

Đồng thời, Bộ TT&TT tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về ATTT tại các cơ quan, tổ chức nhà nước; các DN triển khai Nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; các DN cung cấp các dịch vụ nền tảng hạ tầng số, dịch vụ viễn thông, Internet và các DN khác có liên quan tại Việt Nam; Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, DN có hành vi vi phạm pháp luật về ATTT mạng.

Cũng để đảm bảo đạt hiệu quả các yêu cầu mục tiêu nêu trên, Chỉ thị yêu cầu các DN ATTT mạng nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng ưu Việt; Các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp bảo đảm ATTT mạng ở mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng; đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ TT&TT...

Như vậy, có thể nói với những nội dung yêu cầu nêu trên, năm 2024 sẽ được coi là năm "dựng mốc" quan trọng để các đơn vị quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đảm an toàn HTTT theo cấp độ ngày một tăng mức cao hơn.

Hơn nữa, văn bản thêm một lần nữa khẳng định những quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công tác đảm bảo An toàn, An ninh mạng quốc gia, vì đây là một nội dung cấp thiết, trọng tâm của quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đây cũng là trụ cột quan trọng giúp tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam ngày một bền vững, hiện đại, tiến xa.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến hết năm 2023, tổng số HTTT trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 3.192 hệ thống, trong đó, 2.074 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn HTTT, đạt 65%. Trong năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực ATTT là xây dựng Sổ tay Hướng dẫn bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ; văn bản Hướng dẫn bảo đảm ATTT cấp bộ, tỉnh; văn bản Hướng dẫn đánh giá mức độ trưởng thành đội ứng cứu sự cố./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến tháng 9/2024, 100% hệ thống thông tin phải được phê duyệt cấp độ an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO