Dệt may Việt Nam triển khai nhiều biện pháp linh hoạt để đạt mục tiêu xuất khẩu

HA| 16/11/2022 09:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD cho cả năm 2022.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt khoảng 38 tỷ USD. Thời gian vừa qua thị trường có nhiều thuận lợi, số lượng đơn hàng dồi dào, mức tăng trưởng cao. 

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, tình hình được đánh giá có nhiều khó khăn cho ngành dệt may Việt Nam liên quan đến đơn giá và đơn hàng sụt giảm. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động. Tuy vậy, ngành dệt may đang nỗ lực phát triển bằng việc triển khai các giải pháp linh hoạt, thích ứng thị trường, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, để các doanh nghiệp từng bước vượt khó và quyết phấn đấu, hướng tới mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD.

Kết quả xuất khẩu của ngành dệt may trong 9 tháng đầu năm khá lạc quan, với kim ngạch đạt trên 35 tỷ USD. Như vậy, mỗi tháng trung bình kim ngạch đạt 3,7-3,8 tỷ USD. Tình hình thuận lợi của những tháng đầu năm đã có phần suy giảm, khi vừa qua hầu như lượng hàng dệt may xuất khẩu đã có sự sụt giảm so với những tháng trước do khó khăn về đơn hàng, lượng tồn kho tăng cao. Không những lượng hàng sụt giảm mà đơn giá cũng có phần đi xuống.

Bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới trong quý IV-2022 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Tại những thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam như Mỹ và EU, đơn giá đang bị giảm khoảng 30%, cộng thêm đó là tiến độ cung ứng nguyên phụ liệu bị chậm do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID, gây khủng hoảng chuỗi logistics, lao động biến động,...

Ảnh hưởng tiêu cực của thị trường tài chính, tiền tệ cũng đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có ngành dệt may nói riêng.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10. Đơn hàng cho hai tháng cuối năm là tháng 11 và tháng 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, mức chào giá rất thấp, có những đơn hàng chỉ bằng 40-50% so giá cũ. Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã khuyến nghị các doanh nghiệp cẩn trọng trong việc lựa chọn đơn hàng, so cho thực hiện mục tiêu đảm bảo việc làm và đơn hàng, nhưng tránh gây lỗ, cố gắng bảo đảm khấu hao, giữ vững thu nhập cho người lao động.

Theo nhận định của các chuyên gia, dự báo thị trường dệt may sẽ còn trầm lắng đến hết quý IV-2022 và có thể kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may vẫn quyết tâm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đã đề ra là 43-44 tỷ USD trong cả năm. Để thành công, các doanh nghiệp dệt may sẽ áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, giữ vững lực lượng lao động, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để triển khai sản xuất trong mọi tình huống./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dệt may Việt Nam triển khai nhiều biện pháp linh hoạt để đạt mục tiêu xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO