Dịch vụ truyền hình OTT trong nước: Cần thay đổi để “sống” được bằng quảng cáo

Bình An| 15/12/2019 08:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Dịch vụ truyền hình trên Internet hay còn gọi là truyền hình OTT là xu hướng phát triển của truyền hình trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, các "nhà đài" trong nước có thể gia tăng được nguồn thu, cạnh tranh được với nhà cung cấp xuyên biên giới là một việc còn khá khó khăn.

Khác với truyền hình truyền thống, lịch phát sóng với nội dung chương trình là cố định; nhưng với truyền hình OTT, người dùng có thể tùy chọn nội dung, thời gian xem theo nhu cầu. Do vậy, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, truyền hình OTT được coi là phát triển tất yếu, nhất là lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) ngày càng tăng.

Tại Việt Nam, truyền hình OTT được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước thử nghiệm từ năm 2013, tiên phong là Truyền hình Kỹ thuật số VTC với ứng dụng VTC Now trên mạng kể từ năm 2013. Đến năm 2016, truyền hình OTT phát triển “nở rộ” với hàng loạt ứng dụng như MyK Now (Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - VSTV), SCTV Vod (Truyền hình cáp Saigon Tourist - SCTV), VTVcab On (Truyền hình Cáp Việt Nam - VTVcab), FPT Play (Truyền hình FPT)…; trong đó có thu phí người dùng, dao động ở mức 20.000 - 125.000 đồng/tháng tùy theo gói cước. Cùng với đó, truyền hình OTT còn có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), NetFlix... vào thị trường Việt Nam.

Để thu hút người dùng và phát triển thuê bao, sau một thời gian ngắn, hầu hết “nhà đài” áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng dùng ứng dụng truyền hình OTT, riêng K vẫn áp dụng thu phí OTT ở mức 125.000 đồng/tháng. Vì vậy, việc miễn phí người dùng cùng với sự gia tăng tỷ lệ dùng thiết bị thông minh đã khiến truyền hình OTT nhanh chóng đạt trên 1 triệu thuê bao.

Ảnh minh họa.

Hiện có tới 85 - 90% người dùng dịch vụ nội dung OTT của Việt Nam là miễn phí, số lượng người xem trả phí rất ít, do đó các nội dung miễn phí trên OTT sẽ phải tính tới chuyện phân phối quảng cáo. Nhưng, cũng như các loại hình truyền thông khác, “miếng bánh” quảng cáo phần lớn rơi vào Facebook, Google, nên nguồn thu từ truyền hình OTT là rất thấp.

Hiện nay giá quảng cáo trên OTT thấp là do bị chèn ép giá vì hiện cũng chưa có ứng dụng OTT nào có lượng người dùng đủ lớn. Tuy nhiên, các nhãn hàng thì cũng rất mong muốn được quảng cáo trên tập khách hàng OTT vì họ có thể phân loại được khách hàng. Với một ứng dụng OTT có đông người dùng thì các nhãn hàng sẽ sẵn sàng trả tiền quảng cáo ở mức giá cao.

Hiện nay giá quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo của nước ngoài bị ép rất "bèo bọt" chỉ khoảng 1,3 USD/CPM (CPM = 1.000 lượt view), tiền này không đủ cho các OTT thuê CDN (hệ thống phân phối nội dung) chứ chưa nói đến chi phí đầu tư vào nội dung, trên thực tế giá quảng cáo phải tối thiểu là 3 USD/CPM thì mới các OTT mới đủ chi phí.

Do đó, việc của các ứng dụng OTT bây giờ là phải chủ động xây dựng giải pháp phân phối quảng cáo thay vì dùng nền tảng quảng cáo của nước ngoài, trong đó chủ yếu là quảng cáo trên nền tảng Google.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ truyền hình OTT trong nước: Cần thay đổi để “sống” được bằng quảng cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO