DN Hàn Quốc lo ngại Amazon, Microsoft tham gia thị trường đám mây công cộng
Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì quyết định mới nhất cho phép các “đại gia” công nghệ nước ngoài thâm nhập vào thị trường dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) khu vực công của Hàn Quốc.
Ngày 29/12, Bộ Khoa học và CNTT công bố sẽ sửa đổi các hướng dẫn về chứng nhận bảo mật của các dịch vụ ĐTĐM để giới thiệu một hệ thống phân loại cho chương trình đảm bảo an ninh đám mây (CSAP).
Theo hướng dẫn mới, hệ thống của các cơ quan nhà nước sẽ được phân thành ba cấp, tùy thuộc vào dữ liệu và thông tin mà họ xử lý. Do đó, các công ty không tách riêng máy chủ đám mây cho khu vực công và khu vực tư nhân sẽ có thể cung cấp dịch vụ ĐTĐM cho khu vực công, nếu thông tin cá nhân và dữ liệu bí mật khác không liên quan.
Amazon Web Services (AWS), Microsoft và các công ty công nghệ khác của Mỹ chưa thiết lập máy chủ đám mây cho khu vực công, theo chính sách của trụ sở chính toàn cầu của họ. Do đó, KT, Naver, NHN và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác trong nước có thể thống trị thị trường ĐTĐM công cộng ở khu vực này, bất chấp sự thống trị của các công ty nước ngoài trong khu vực tư nhân.
Dữ liệu do Ủy ban Thương mại Công bằng tổng hợp cho thấy AWS đã phát triển chiếm gần 70% thị phần dịch vụ ĐTĐM của Hàn Quốc trong vài năm qua, trong khi Microsoft chiếm khoảng 10%. Google và Naver đứng vị trí thứ ba.
Trong bối cảnh đó, các công ty trong nước đã bày tỏ lo ngại về khả năng các công ty nước ngoài chiếm ưu thế ngay cả trên thị trường đám mây công cộng, kể từ khi Bộ Khoa học và CNTT bắt đầu thực hiện các bước vào tháng 8/2022 để nới lỏng các quy định về chứng nhận bảo mật cho các hệ thống đám mây.
Một quan chức của công ty ĐTĐM trong nước cho biết: “Các công ty Mỹ có thể đưa ra mức giá thấp hơn để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các công ty Hàn Quốc”.
Hầu hết các nước phát triển đã hạn chế các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ ĐTĐM cho khu vực công. Nhật Bản quyết định sử dụng dịch vụ của các công ty Nhật Bản cho các hệ thống chính phủ xử lý thông tin bí mật, mặc dù quốc gia này đã từng sử dụng dịch vụ đám mây của các công ty Mỹ cho khu vực công của mình. Liên minh châu Âu đã thực hiện các biện pháp tương tự để bảo vệ chủ quyền dữ liệu./.