Buổi Tọa đàm “Nhà báo Hồ Chí Minh với Báo Nhân Dân” và giới thiệu sách Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân 1951- 1954”. Ảnh: Trần Hải
Nhà báo Hải Đường thẳng thắn chỉ rõ: “Trong những năm qua, khuyết điểm kéo dài nhất là tình trạng thương mại hóa báo chí. Không ít tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc của mình, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, cốt để bán báo chạy, để câu view. Đáng lo ngại là tình trạng tha hóa về nhân cách người làm báo với nhiều biểu hiện tinh vi: viết bịa đặt, viết vội vàng, không kiểm chứng nguồn tin nhằm mưu lợi cá nhân, nhân danh chống tiêu cực để hù doạ xin quảng cáo, tài trợ, kiếm tiền. Một số người khác viết bài bằng việc xào xáo bài qua mạng, xào xáo báo cáo; cao giọng phán xét, dạy dỗ, mà không đặt mình vào tư thế người trong cuộc”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ: “Trong đời sống báo chí hiện nay có những điều làm cho chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ, lo ngại. Đó là hiện tượng thương mại hóa, có những trường hợp bị cám dỗ, vụ lợi, tha hóa…”. Ông cũng khẳng định: “Người làm báo không chính trực thì không đảm bảo được tính chân thực của báo chí”. Những điều bức xúc đó cũng là chủ đề được quan tâm trao đổi nhiều tại cuộc Tọa đàm “Nhà báo Hồ Chí Minh với Báo Nhân Dân” và giới thiệu sách Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân 1951- 1954” tại trụ sở Báo Nhân Dân, sáng 17-6.
1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng chữ Cán bộ viết báo, Người làm báo thay cho chữ Phóng viên. Nền báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí sắc bén của cách mạng, trước hết cần có những cán bộ cách mạng làm báo với những phẩm chất của một “người cách mệnh” trung thành với lý tưởng, tận tụy với công việc. Sau này Người còn viết nhiều, nói nhiều về đạo đức cách mạng, đạo đức của người cán bộ cách mạng, về Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... v.v. Những nét phẩm chất đạo đức, nhân cách của người làm báo cũng nằm trong những điều chung đó và hơn thế nữa, đạo đức, nhân cách của những cán bộ viết báo còn mang thêm những yêu cầu của đạo đức công vụ - nghề nghiệp đặc thù.
Tại Đại hội Hội nhà báo lần thứ ba (8-9-1962), Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cuả những người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những tiêu chí đạo đức, là mục tiêu phấn đấu tu dưỡng của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải là những người gương mẫu thực hiện trước. Người luôn nhấn mạnh những tiêu chí đó bởi vì: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư'. Với những người làm báo lại càng cần như vậy do họ còn (phải) đảm nhiệm thêm việc thực hiện những chức năng xã hội của báo chí khi truyền đạt thông tin tới công chúng (phản ánh, định hướng, dự báo...). Cách để tiến bộ hiệu quả được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là giúp nhau tự phê bình và phê bình. Người nói: “Phê bình và tự phê bình (chữ in nghiêng trong nguyên bản) là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy.
Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm".
2. Những tiêu chí nghề nghiệp thể hiện rõ nét bản lĩnh và nhân cách người làm báo. Để có được những bài viết bám sát hiện thực xã hội, vì nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo (và Người cũng nêu một tấm gương mẫu mực): Trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Người nêu lên bốn vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì ? Nói, viết cho ai ? Nói, viết để làm gì ? Nói, viết như thế nào ? Trả lời đúng và đủ những câu hỏi đó, người làm báo đã thể hiện rõ nhân cách, đạo đức báo chí của mình. Theo Người, để phục vụ tốt nhân dân, có ích cho xã hội, mỗi bài báo phải đạt những tiêu chí:
- Chân thực. Mỗi bài nói, bài viết phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Một bài báo tốt của một nhà báo chân chính phải đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác Chính tính chân thực làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết với người nghe, người đọc, cũng là một yếu tố quan trọng tạo sức hấp dẫn, làm nên “thương hiệu” của nhà báo, của tờ báo.
Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra khi nói, khi viết không chỉ đối với người làm báo mà với cả số đông cán bộ, đảng viên nói chung: Người thường nhắc nhở:“Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”...
- Ngắn gọn là một yêu cầu khá cao và khắt khe trong khi cách nói, cách viết. Theo Hồ Chí Minh: “Ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn". Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết được thể hiện rõ trong văn phong của Nhà báo Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển phong cách phương Đông và của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là kết quả công phu rèn luyện của Người từ những ngày đầu tham gia hoạt động chính trị, tham gia làm báo cách mạng.
- Trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Tư tưởng, thông điệp của bài viết cần được chuyển đến người nghe, người xem, người đọc bằng những ngôn từ, hình ảnh quen thuộc - dù đó là những vấn đề cụ thể của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.
Muốn nói, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết phải học cách nói của quần chúng. Phải thực sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Sự giản dị, trong sáng trong văn phong của Người bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ...
Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Nhà báo Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Những tiếng nước ngoài nào đã quen thuộc, đã “hoá thành chữ ta” mà không dùng thì không đúng. Người nêu những thí dụ rất gần gũi: Ta nói độc lập chứ không nói đứng một; nói du kích chứ không nói đánh chơi;... Còn đối với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã có hại, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại càng to...
Bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, Bác Hồ đã dạy nhiều thế hệ những người làm báo cách mạng ở Việt Nam nhiều điều khi viết, khi nói.
3. Nhà báo lớn Hồ Chí Minh tự nhận trong cả cuộc đời làm báo của mình chỉ viết một đề tài. Tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ hai (16-4-1959), Người nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghiã xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí như vậy đó”[iv]. Đề tài của Người thật rộng lớn, có ý nghĩa thời đại, bao trùm cả nhừng vấn đề lớn của nhân loại. Những vấn đề trong đề tài đó lại rất cụ thể. sâu sắc, đa dạng, phong phú và thật ấm áp tình người.
Nền báo chí cách mạng của chúng ta không rời xa mục tiêu phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. “Đề tài” của chúng ta hôm nay - theo cách nói của Nhà báo lớn Hồ Chí Minh - là sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước đang đòi hỏi những người làm báo phải luôn luôn rèn luyện để có đủ tài, đủ tâm, đủ đức, hoàn thiện nhân cách của mình để có thể tham gia góp sức hoàn thành nhiệm vụ đó, để báo chí của ta hấp dẫn hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người làm báo - dù sinh thời Người chưa trực tiếp nêu vấn đề này - vẫn có giá trị soi sáng cho những người làm báo hôm nay...