Đọc “Rừng gió” để khám phá những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa

N.N| 26/09/2021 10:30
Theo dõi ICTVietnam trên

"Rừng gió" là tập truyện ngắn thứ hai và là cuốn sách thứ tư của tác giả Lê Vi Thủy. Cuốn sách mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc đối với những mảnh đời và thông điệp nhân văn.

Với dung lượng gần 200 trang, "Rừng gió" có 11 truyện ngắn, nội dung của các truyện xoay quanh các vấn đề về cuộc sống, gia đình, xã hội. Đặc trưng vùng đất cao nguyên bảng lảng trong cuốn sách này, với nhiều bối cảnh sống khác nhau, với nội tâm trăn trở của các tuyến nhân vật qua từng câu chuyện.

Truyện của Lê Vi Thủy thường viết về tình yêu, về người phụ nữ khi yêu trong cuộc sống hiện đại. Đó là những trang viết đau đáu về những số phận, về sự lựa chọn của những con người qua những cốt truyện không có không gian và thời gian. Lê Vi Thủy viết truyện theo cảm xúc, với lối viết nhẹ nhàng, cùng đồng cảm, ngậm ngùi và cùng giằng xé với số phận của nhân vật. Nhà văn khiến cho độc giả cảm thấy xót xa hơn cho từng cuộc đời, những tấn bi kịch trong cuộc sống hiện đại.

Nhà văn Vi Thủy viết tự nhiên, không định hình trước cho mình kết cấu cũng như cái kết của các câu chuyện. Tác giả cứ để mọi tình tiết diễn biến tự nhiên theo cảm xúc của nhân vật. Cho đến cuối cùng sẽ bật lên những nỗi đau hay hạnh ngộ, những số phận, những ám ảnh mà cuộc sống quyết định.

Mở đầu tập truyện là truyện ngắn "Bên kia rực rỡ" với nhân vật Băng, một cô gái trẻ tài hoa. Băng không ham vật chất nhưng vật chất và danh vọng đã khiến Băng đánh đổi bản chất của mình. Khi có sự hiện diện của đứa bé, Băng đã như tỉnh giấc cho lối sống không có ngày mai bấy lâu. Cô phải tự đưa ra một sự lựa chọn cho cuộc sống mới, nơi đó còn có đôi mắt ngây thơ của một đứa trẻ dõi theo.

Không giống như nhân vật Băng là tự chọn lối sống cho mình, nhân vật Cô trong truyện ngắn "Sau cái nhếch mép" mang lại ám ảnh nhiều hơn cho độc giả. Khi cô không được chọn lựa cuộc sống của mình, cô sống với nhân vật Gã như một loài cây tầm gửi, một vật ký sinh, dù bị đánh đập, bị hành hạ từ thể xác đến linh hồn nhưng cô không thể bỏ gã mà đi.

Hai linh hồn như được thượng đế sắp đặt gắn chặt vào nhau, cho những đắng cay hờn tủi của cuộc đời, của số phận mà nhân vật phải trải qua, những ám ảnh trong quá khứ cứ trở về mỗi giấc mơ. 

Truyện của Vi Thủy thường không xây dựng cốt truyện cầu kỳ, mà tuyến nhân vật tự xây lên cốt truyện của chính mình. Tác giả thường viết về những người trẻ tuổi, những nông nổi của tuổi trẻ, những khát vọng yêu thương đến điên loạn.

Như nhân vật Bà trong "Người đàn bà hát". Vì tình yêu đối với Ông mà Bà hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Bà bỏ qua tất cả những sự phản bội, hắt hủi của Ông, của gia đình chồng. Bà đã tự xây cho mình một niềm tin một hy vọng đối với tình yêu của ông dành cho mình. Để rồi nhận lấy sự hụt hẫng, chua xót mà cả cuộc đời Bà không thể nào chạm được đến trái tim của ông.

Hiên trong truyện ngắn "Biển" lại khác. Đó là một cô bé mới 16 tuổi, chưa hiểu tình yêu là gì, nếm trải cuộc sống ra sao, chỉ vì gia đình quá nghèo mà Hiên đã đánh đổi thanh xuân của mình lấy sinh mệnh cho em gái. Để rồi cô phải nhận lấy những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. 

Mỗi câu chuyện của nhà văn Vi Thủy viết là một trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Với những lát cắt của tuổi thanh xuân, có sai lầm, có đớn đau, có yêu thương, có thù hận. Tất cả như trút vào trang sách những nỗi niềm mà mỗi người đọc đều chạm thấy mình trong sâu thẳm tâm hồn.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã nhận xét: "Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa, mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm một không gian riêng mình".

Thật vậy, xuyên suốt 11 truyện ngắn trong tập truyện "Rừng gió" là không gian nhiều chiều, đa sắc, nhiều phân đoạn tâm lý được đẩy lên cao trào và vỡ òa, khiến người đọc phải ngậm ngùi xót xa. Nhưng cũng có những câu chuyện lại mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng. Kết chuyện mở hoặc một cái kết có hậu, sau những cao trào của cảm xúc là sự thở phào nhẹ nhõm của độc giả. Gấp cuốn sách lại, độc giả sẽ tìm thấy hy vọng trong cuộc sống, về tình cảm con người dành cho nhau dù ở hoàn cảnh nào./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đọc “Rừng gió” để khám phá những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO