Đổi mã vùng điện thoại cố định: Tất cả đã sẵn sàng trước giờ G

Trung Hiền| 10/02/2017 08:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp viễn thông cho biết đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định diễn ra bắt đầu từ 11/2 tới.

Việc chuyển đổi mã vùng số điện thoại cố định sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển của thị trường viễn thông, xu hướng IoT ngày một mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: T.H/Vietnam )

Sau khi việc này hoàn tất, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người và khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị, phục vụ phát triển Internet vạn vật.

Hoàn tất chuẩn bị

Trao đổi với phóng viên ngày 9/2, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, cơ quan quản lý đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho vấn đề này.

Sau khi Kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định được ban hành, Bộ đã gửi thông tin cho cơ quan quản lý viễn thông các quốc gia và liên minh viễn thông quốc tế cũng như tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Việt Nam.

Về kỹ thuật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp thử nghiệm các hệ thống kỹ thuật từ nội bộ tới liên mạng. Tới thời điểm này, các thử nghiệm kỹ thuật hoàn tất, sẵn sàng cho chuyển đổi mã vùng vào 0 giờ ngày 11/2 với 13 tỉnh, thành đầu tiên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã truyền thông bằng cách in tờ rơi phát cho đối tượng liên quan, in thông báo các giai đoạn chuyển đổi mã vùng trên bao bì, hóa đơn tính cước, nhắn tin tới người dân…

Cho tới chiều 9/2, cả VNPT và Viettel đều xác nhận với phóng viên VietnamPlus đã sẵn sàng cho công tác chuyển đổi này.

Đại diện VNPT cho hay, đơn vị này sẵn sàng các phương án kỹ thuật như: Đổi mã tỉnh đối với thuê bao cố định và thuê bao Gphone; Định tuyến trên các tổng đài liên tỉnh, Gate quốc tế, Gate di động ; Đồng bộ phương án tính cước; Hệ thống âm thông báo để thông báo cho khách hàng khi thực hiện không đúng phương thức (dùng song song 2 phương thức quay số theo 2 cách cũ và mới, sau 30 ngày sẽ chỉ còn cách mới và có thông báo âm cho khách hàng biết).

Bên cạnh đó, VNPT đã chủ động làm việc với 13 doanh nghiệp khác (như Viettel, VMS...) để phối hợp và đến ngày 4/2 đã thử nghiệm thành công phương án kỹ thuật với tất cả các nhà mạng.

“Lời” 1,5 tỷ thuê bao

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, việc chuyển đổi, quy hoạch lại mã vùng điện thoại là phù hợp trong bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là xu hướng IoT đang phát triển mạnh mẽ.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Trần Mạnh Tuấn cho biết, sau khi hoàn thành chuyển đổi mã vùng, kết thúc giai đoạn 3 vào 31/8 sẽ giải phóng được các đầu mã vùng 3, 4, 5, 6, 7, 8 để sử dụng cho quy hoạch kho số dùng cho các mục đích khác.

Cụ thể, sau khi quy hoạch, chuyển đổi mã vùng sẽ có 500 triệu thuê bao để dành cho liên hệ giữa người và người và 1 tỷ thuê bao liên hệ giữa máy và máy và điều này sẽ phục vụ cho việc phát triển thị trường viễn thông lâu dài.

Bên cạnh đó, sau khi chuyển đổi mã vùng, với số lượng đầu mã dành ra được sẽ có thể chuyển thuê bao di động 11 chữ số (ví dụ như đầu 016, 012…) thành 10 chữ số.

Ông Tuấn cũng cho biết, việc này sẽ góp phần giảm thiểu SIM rác, tin nhắn rác bởi theo thống kê từ các doanh nghiệp viễn thông, vấn nạn này thường xảy ra ở thuê bao 11 số.

Về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông từng cho biết, khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 chữ số xuống còn 10 chữ số sẽ giữ nguyên 7 chữ số thuê bao và thay mã mạng bằng các mã mạng từ đầu 3 đến đầu 8.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng và công bố Kế hoạch chuyển đổi mã mạng đối với thuê bao di động 11 số và các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến người dân và doanh nghiệp./.

Lộ trình của kế hoạch chuyển đổi mã vùng chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ngày 11/2/2017, áp dụng cho 13 tỉnh/thành phố, gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2 từ 15/4 áp dụng cho 23 địa phương là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.

Giai đoạn ba bắt đầu từ ngày 17/6, gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp.

Mã vùng của bốn tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang được giữ nguyên. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kết thúc vào 31/8/2017.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mã vùng điện thoại cố định: Tất cả đã sẵn sàng trước giờ G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO