Nằm trong khuôn khổ sự kiện chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc, sáng nay (16/4) NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Quận 5 và Công ty Ngôi sao biển tổ chức chương trình giới thiệu tác phẩm "Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo".
Tác phẩm "Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo" do tác giả Võ Văn Thành và Trần Thành Trung sưu tầm, chú giải và giới thiệu, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành vào tháng 4/2022.
Du lịch, du khảo luôn là thể tài hấp dẫn cho đội ngũ sáng tác mọi thời đại. Với việc cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch cơ bản đã được hình thành rải rác khắp nơi, các văn nhân, thi sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các chuyến du lịch tự phát, khám phá vẻ đẹp của các vùng địa lý, văn hóa trên cả nước.
Và từ các cuộc hành hương, các chuyến du lịch khám phá vẻ đẹp này, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm du lịch, du khảo với nhiều phong cách khác nhau, đăng trên nhiều tờ báo khác nhau như: Đông Dương, Nam Kỳ địa phận, Công luận, Nam Phong, Ngày Nay, Phong Hóa, Tri Tân, Nam Kỳ tuần báo...
Trong đó, "Nam Kỳ tuần báo" là tờ báo ra đời khá muộn ở Nam Kỳ do Hồ Văn Trung, tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, tự Thứ Thiên làm Giám đốc, dưới sự bảo trợ của người Pháp. Dù tờ báo này in được 85 số rồi đình bản (số báo đầu tiên xuất bản ngày 03/9/1942, số cuối cùng in ngày 15/6/1944), nhưng cũng đã giới thiệu tới công chúng không ít các bài du lịch, du khảo của các tác giả đương thời, có nhiều đóng góp cho thể tài này.
Những cây viết đương thời có thể nhắc đến như: Vương Quý Lê, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thị Tố Lan, Trúc Hà, Khuông Việt, Thiếu Sơn, Huỳnh Văn Chính…
Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo tập hợp 25 bài viết ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hóa một thời, khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học.
Có thể kể đến những tác phẩm như: Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền - nơi thi hào Nguyễn Du ký gởi nắm xương tàn ngàn kiếp của Vương Quý Lê; Chuyện lạ xứ Lào của Khuông Việt (với các phần Giới thiệu xứ Lào, Vệ sanh và óc mê tín của người Lào, Một đám hỏa táng, Người Lào với ái tình); Chuyện xứ Chàm vì nước quên mình của Nguyễn Thị Tố Lan; Viếng Tây Đô của Thiếu Sơn. Đặc biệt là chuyến đi trải dài khắp các tỉnh Nam kỳ của Khuông Việt như "Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa" (đăng 19 số).
Bên cạnh những tác phẩm ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hóa một thời, khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học là những hồi ức, kỷ niệm đẹp về tháng ngày ở những địa danh ở trong nước và nước ngoài.
Có thể kể đến các tác phẩm như: Đi coi vở tuồng "Chơn ái tình" của Trúc Hà; Ba lần đi xem hội chợ ở Sài Gòn của Thiếu Sơn; Chuyện lạ xứ Lào của Hoàng Tích Hoàn; Cao Miên du ký: Oudong của Trần Ngọc Lâu; Năm ấy ở Pháp tôi được ăn Tết một cách bất ngờ của Lê Văn Ngôn; Lệ Tết thầy hồi xưa của Nguyễn Hương Trà; Tết Paris năm ấy của Tây Đô Cát Sĩ…
Nhưng bài viết gây tiếc nuối nhất là "Phóng sự về Thổ, Mèo, Mường, Mán và Mọi ở miền thượng du Bắc Kỳ" mà theo lời tòa soạn là do tác giả bệnh nên không thực hiện tiếp được.
Cũng tại buổi ra mắt cuốn sách "Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo", độc giả đã có cơ hội giao lưu với tác giả Võ Văn Thành cùng với Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến. Qua những chia sẻ của hai diễn giả đã giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về lịch sử - văn hóa một thời, khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học, những địa danh ở trong nước và nước ngoài./.