Giảm nghèo nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Hải Anh| 10/11/2022 15:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Chương trình giảm nghèo đã cho thấy vai trò quan trọng của mô hình hợp tác xã trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển, giúp cải thiện cuộc sống...

Nhiều mô hình hợp tác xã hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao những năm qua. Tại tỉnh Thanh Hóa, công tác giảm nghèo luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Đặc biệt, các chương trình hành động giảm nghèo được thực hiện cùng với sự phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã. Nhờ đó, công cuộc giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, Thanh Hóa xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong năm chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Vì thế, lãnh đạo tỉnh cũng như cả hệ thống chính trị địa phương luôn có sự quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo đã được các địa phương ban hành, như chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Chương trình giảm nghèo cũng đã cho thấy vai trò quan trọng của mô hình hợp tác xã trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển, từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống. Các hợp tác xã đã triển khai rất hiệu quả chương trình hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên hợp tác xã, trong đó xem xét hỗ trợ thành viên khó khăn được vay mượn trước.

Phó Chủ tịch Lê Đức Giang cho biết câu chuyện thiếu vốn luôn khiến các thành viên hợp tác xã gặp khó khăn khi muốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, hoạt động hỗ trợ tín dụng trong nội bộ các hợp tác xã đã mang lại nhiều cơ hội cho các thành viên.

Nhờ có hợp tác xã, các thành viên cũng được học hỏi và tiếp cận các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Thậm chí, tại Thanh Hóa, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Những nỗ lực này đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa, thu nhập ổn định cho thành viên.

Tại tỉnh Sơn La, cũng nhờ chủ trương phát triển các hợp tác xã trồng cây ăn quả và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, diện mạo đời sống nông thôn ở nơi đây đã có nhiều thay đổi. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, được hướng dẫn các kỹ thuật trồng trọt và mua cây giống, phân bón chất lượng cao đã giúp các thành viên hợp tác xã ở Sơn La nâng cao năng suất sản xuất.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước có trên 28.000 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 so với năm 2021. Đã có 12 liên hiệp hợp tác xã mới được thành lập trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 11,11% và đưa tổng số liên hiệp hợp tác xã trên cả nước hiện nay lên con số 120. Mô hình hợp tác xã cũng giúp nhiều người dân có công việc ổn định, hiện nay các hợp tác xã đã có trên 6,9 triệu thành viên với hơn 2 triệu lao động. Số lượng lao động trong khu vực hợp tác xã tăng khoảng hơn 45.000 người lao động.

Trong xây dựng nông thôn mới, các ngành chức năng tỉnh Long An cũng đã định hướng và tổ chức cho nông dân sản xuất theo mô hình hợp tác xã, chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. 

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, các hoạt động liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đã giúp tăng thu nhập cho các hộ thành viên. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Long An sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ các thành viên hợp tác xã khuyến khích chuyển dịch, tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất. Trong đó, xu hướng sản xuất, kinh doanh sẽ được ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với liên kết vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm. 

Đặc biệt, những doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm và quản lý sẽ được thu hút để tham gia đầu tư, liên kết với các hợp tác xã, hỗ trợ nông dân trong chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cũng sẽ được chú trọng nhằm tạo cơ hội giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Phát triển kinh tế tập thể trong bối cảnh hội nhập mới

Có thể thấy, hàng triệu hộ gia đình đã trở thành các hộ thành viên của hợp tác xã, nhờ đó đời sống cũng được cải thiện hơn. Vai trò nổi bật và quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là hỗ trợ và thúc đẩy các thành viên phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Giảm nghèo nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Các chương trình hành động giảm nghèo được thực hiện cùng với sự phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Hiện nay, các hợp tác xã trên cả nước đang từng bước trở thành nhân tố tích cực tham gia đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội. Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tại Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới vừa được tổ chức ngày 8/11/2022, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã khẳng định kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã là một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay. Chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng.

Công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được các cơ quan báo chí thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, các mô hình, lợi ích của kinh tế tập thể được nhân dân nhận thức rõ đồng thời tạo sự thống nhất trong các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương về quan điểm và hành động cũng như bản chất, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong xây dựng và phát triển đất nước.

Báo chí với vai trò thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời cũng là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đã được tiên hành hiệu quả thông qua các sự kiện giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, hiện nay mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đang phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều diễn đàn kinh tế đa phương, ký kết các hiệp định thương mại toàn cầu. Thông qua vai trò của báo chí, với những thông tin thị trường thế giới, những bài viết phân tích về luật pháp quốc tế, về các hiệp định thương mại cũng như hỗ trợ kết nối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu, các hợp tác xã sẽ có thể tiếp cận các thị trường lớn, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến nhiều thị trường quan trọng trên thế giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO