Trên mạng xã hội Lotus.vn, TS.BS Nguyễn Kiên Cường tiếp tục cung cấp cho cộng đồng tại đây một bài viết sâu về chủ đề: Giãn cách xã hội đã cứu sống hàng triệu người trong các đại dịch lịch sử.
Chúng tôi xin đăng lại bài viết này để độc giả tham khảo, hiểu rõ hơn ý nghĩa quan trọng của việc giãn cách xã hội mà chúng ta đang áp dụng hiện nay.
Các biện pháp giãn cách xã hội đã xuất hiện ít nhất là vào Thế kỷ thứ 5 (TCN), trong đó đề cập đến việc cách ly những người mắc bệnh phong trong Kinh Thánh.
Trong lịch sử phát triển của loài người, các biện pháp giãn cách xã hội đã được thực hiện thành công trong một số dịch bệnh trước đây và cứu sống hàng triệu người.
Dịch bệnh bại liệt 1916
Dịch bệnh bại liệt bùng phát ở thành phố New York vào năm 1916. Khi đó, có hơn 27.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 6000 người chết vì bệnh bại liệt ở Mỹ và hơn 2000 người chết chỉ riêng ở thành phố New York.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, đây chính quyền New York đã ra lệnh đóng cửa các rạp chiếu phim, hủy bỏ các cuộc họp, không tụ họp nơi công cộng và trẻ em được khuyên nên tránh các công viên giải trí, bể bơi và bãi biển. Các công viên và sân chơi ở thành phố New York cũng bị đóng cửa trong đại dịch bại liệt năm 1916.
Nhờ các biện pháp kịp thời, New York đã cứu sống cả ngàn người khỏi khỏi bại liệt.
Đại dịch cúm từ 1918 đến nay
Trong đại dịch cúm năm 1918, Philadelphia (Mỹ) đã thấy những ca cúm đầu tiên vào ngày 17/9. Tuy nhiên, thành phố tiếp tục với cuộc diễu hành theo kế hoạch và tập hợp hơn 200.000 người trong suốt 3 ngày sau đó.
Kết quả, dịch cúm lây lan nhanh chóng khiến 31 bệnh viện của thành phố đã quá tải. Chỉ trong 1 tuần, có 4.500 người đã chết.
Các biện pháp cách ly xã hội mới được thực hiện vào ngày 3/10/1918 sau hơn hai tuần xuất hiện ca bệnh đầu tiên.Không giống như Philadelphia, thành phố St. Louis thuộc bang Missouri của Mỹ đã ghi nhận các ca mắc cúm đầu tiên vào ngày 5/10/1918.
St. Louis đã triển khai trong 2 ngày để thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm đóng cửa trường học, đóng cửa nhà hát và cấm tụ họp nơi công cộng, cấm tập trung đông người kể cả việc tham dự đám tang.
Các biện pháp giãn cách xã hội đã làm chậm sự lây lan của dịch bệnh cúm ở St. Louis, hạn chế số người mắc, làm giảm các trường hợp tử vong, và dịch bệnh không bùng phát như đã xảy ra ở Philadelphia.
Nhà khoa học Bootsma và Ferguson đã phân tích các can thiệp giãn cách xã hội ở 16 thành phố của Hoa Kỳ trong trận dịch năm 1918 và thấy rằng giãn cách xã hội làm giảm tỷ lệ tử vong trung bình từ 10-30%.
Tuy nhiên, hiệu quả của các can thiệp còn hạn chế do các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra quá muộn và nới lỏng quá sớm, hậu quả là một số thành phố đã trải qua đỉnh dịch bệnh thứ hai sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Việc đóng cửa trường học đã được chứng minh là làm giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh do cúm của châu Á trong đợt bùng phát năm 1957- 1958, và lên tới 50% trong việc kiểm soát dịch cúm ở Hoa Kỳ vào giai đoạn 2004-2008.
Tương tự như vậy, việc đóng cửa trường học bắt buộc và các biện pháp cách xa xã hội khác có liên quan đến việc giảm 29% đến 37% tỷ lệ lây truyền cúm trong dịch cúm năm 2009 ở Mexico.
Dịch SARS 2003
Trong dịch SARS năm 2003, tại Singapore, chính phủ nước này đã yêu cầu tất cả các trường mẫu giáo, các trường tiểu học và trung học, và các trường cao đẳng đóng cửa trong 2 tuần kể từ 26/3 - 6/4/2003.
Trong thời gian này, các biện pháp giãn cách xã hội như cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học, nhà hát, và các địa điểm công cộng khác.
Ngoài ra, các biện pháp y tế công cộng như tìm kiếm và cách ly những người tiếp xúc gần và thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng cũng được thực hiện ở nhiều quốc gia. Nhờ đó mà số người nhiễm và chết vì SARS được giảm đáng kể.
Đại dịch COVID-19 (2019-2020)
Trong đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội và các biện pháp liên quan đã được nhiều chính phủ nhấn mạnh như là giải pháp thay thế cho việc kiểm dịch bắt buộc đối với các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo giám sát của UNESCO, hơn 100 quốc gia đã thực hiện việc đóng cửa trường học trên toàn quốc để đối phó với COVID-19, ảnh hưởng đến hơn một nửa số học sinh trên toàn thế giới.
Giãn cách xã hội chìa khóa kiểm soát, hạn chế lây nhiễm COVID-19
Kết quả Nghiên cứu của Kiesha Prem và cộng sự đăng trên Tạp chí "The Lancet Public Health" ngày 25/3/2020 chỉ ra tác động của việc mở rộng hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát giãn cách xã hội đối với dịch bệnh COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Kết quả này rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, để tiếp tục có các chính sách can thiệp phù hợp cho từng quốc gia.
Prem và đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu quan sát về COVID-19 lây lan từ Vũ Hán và dữ liệu chi tiết từ Trung Quốc về sự tiếp xúc của mỗi cá nhân (bao gồm: người nhạy cảm, người tiếp xúc, người nhiễm, người khỏi bệnh) theo cấu trúc các nhóm tuổi khác nhau, với các địa điểm khác nhau (tại nhà, trường học, nơi làm việc và các địa điểm khác).
Kết quả nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, các biện pháp giãn cách xã hội tại Vũ Hán bắt đầu vào cuối tháng 1/2020, và nếu được nới lỏng vào tháng 3/2020, thì virus có thể tiếp tục lan tràn vào tháng 6 (sau 3 tháng) và tạo ra đỉnh dịch thứ hai vào cuối tháng 8/2020. (sau 5 tháng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội).
Tuy nhiên, nếu các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 4/2020, thì dịch bệnh có thể lan tràn vào tháng 8/2020 và đạt cao điểm vào tháng 10/2020, tức là nếu giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 4/2020 (muộn hơn 1 tháng) thì đỉnh dịch có thể xuất hiện muộn hơn 2 tháng so với giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 3/2020.
Từ đó các nhà nghiên cứu cho rằng, việc giãn cách xã hội thêm một tháng nữa ở Vũ Hán là cần thiết để làm chậm lại 2 tháng của đỉnh dịch nhằm chuẩn bị các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng quá tải của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Các biện pháp xét nghiệm trên diện rộng, điều tra giám sát ca bệnh, cách ly và khoanh vùng dịch là rất cần thiết trong trường hợp nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm làm giảm thiểu lây lan dịch bệnh và tránh quá tải lên hệ thống y tế.
Nếu các biện pháp xét nghiệm hàng loạt nhằm phát hiện ca bệnh và điều tra dịch tễ học được thực hiện sớm ngay từ khi dịch mới xuất hiện, nhằm phát hiện các ca bệnh sớm, cách ly điều trị kịp thời thì có thể đảm bảo được việc kiểm soát bệnh dịch ngay cả khi xóa bỏ các biện pháp cách ly xã hội và không làm quá tải lên hệ thống y tế.
Mặc dù tác dụng chính xác của các can thiệp có thể thay đổi theo quốc gia và các ước tính khác nhau của các tham số chính, kết quả nghiên cứu nêu bật tính hữu ích của biện pháp giãn cách xã hội và cần phải cẩn thận hiệu chỉnh việc nới lỏng giãn cách xã hội để tránh đợt bùng phát tiếp theo của dịch COVID-19.
Hay như tại Hàn Quốc, nước này đã sớm áp dụng chiến lược xét nghiệm rộng rãi, cho đến nay đã tỏ ra hiệu quả và tránh được tình trạng cô lập, cách ly trên diện rộng.
Bên cạnh việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp kiểm soát khác, khả năng xét nghiệm của một quốc gia là một yếu tố căn bản quan trọng góp phần quyết định sự thành công của chiến lược ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Giãn cách xã hội mang lại hiệu quả lớn trong chống dịch COVID-19 tại Việt Nam