Jan Hatzius - kinh tế gia trưởng tại Goldman Sachs, nhận định: "Sự sụt giảm của hoạt động kinh tế đã chạm mức đáy. Các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng khi nhiều quốc gia đang thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế."
Goldman Sachs dự đoán các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức giảm trung bình 32% trong quý I, trước khi hồi phục với mức tăng 16% vào 3 tháng tới và 13% ở quý cuối cùng của năm nay.
Trong khi đó, tại Morgan Stanley, kinh tế gia trưởng Chetan Ahya cho biết trong một báo cáo phát hành hôm 3/5 rằng "một số lượng lớn các chỉ báo chúng tôi theo dõi đều cho thấy mức sụt giảm kinh tế toàn cầu đang trong quá trình ghi nhận mức đáy".
Ông nhận định, xu hướng tích cực này diễn ra sau khi tăng trưởng kinh tế chạm mức thấp và chi tiêu hộ gia đình đang sụt giảm với tốc độ chậm hơn so với những tuần đầu tiên đại dịch bùng phát. Ông nói: "Chúng tôi cho rằng kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy vào tháng 2 và eurzone có thể là tháng 4, Mỹ cũng là cuối tháng 4."
Trong 1 bản lưu ý khác được phát hành hôm 4/5, James Pomeray - nhà kinh tế của HSBC, cảnh báo rằng không nên quá kỳ vọng vào bước ngoặt rõ ràng của nền kinh tế toàn cầu. Ông nhắc đến những số liệu từ Trung Quốc, cho thấy chi tiêu tiêu dùng có thể hồi phục chậm chạp khi người dân vẫn giữ tâm lý lo lắng về việc mua sắm và quay trở lại làm việc.
Khi chính phủ các nước đang đẩy nhanh việc nới lỏng các lệnh hạn chế, thì họ đều phải đối mặt với một mối đe doạ khác là khả năng bùng phát lần thứ 2 của của dịch bệnh, sẽ khiến hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn.
Hatzius cho hay: "Nguy cơ sụt giảm lớn nhất đối với triển vọng của nền kinh tế toàn cầu là số ca nhiễm tăng mạnh trở lại, khi các hoạt động đã được tái khởi động. Phân tích gần đây của chúng tôi xác nhận rằng những tiến bộ trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ có được là nhờ áp dụng lệnh phong toả và giãn cách xã hội."
Tham khảo Bloomberg