Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả đào tạo tại bệnh viện
Ngày 31/5/2017 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao tặng cho bệnh viện sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo”. Đây là sản phẩm do Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT (thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) xây dựng và phát triển nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao tặng Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến Nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền công nghệ thực tế ảo cho Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương
Hiện nay, đào tạo tiền lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong y khoa nói chung và nhi khoa nói riêng, trong đó điều kiện tiên quyết để đào tạo tiền lâm sàng tốt là phải có các thiết bị và mô hình thực hành hiện đại. Tại Bệnh viện nhi Trung ương, nhìn chung các thiết bị này được trang bị khá đầy đủ cả phần cứng lẫn phần mềm và thường xuyên được cập nhật nâng cấp. Tuy nhiên, tại nhiều bệnh viện nhi ở tuyến dưới trong đó có nhiều điểm vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các trang thiết bị đào tạo tiền lâm sàng để học tập có hiệu quả gặp nhiều khó khăn.
Bằng việc tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual Reality) và nền tảng Internet đào tạo trực tuyến, hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ VR đã giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến đào tạo tiền lâm sàng, trao đổi tư vấn, hội chẩn giữa tuyến Trung ương xuống các tuyến dưới (thậm chí ở cả vùng sâu vùng xa trên cả nước) một cách đồng bộ, trực quan sinh động, tương tác đa chiều, kịp thời trực tuyến, phù hợp với ngành Y tế, hướng tới xu hướng bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử, xu hướng ứng dụng IoT (Internet vạn vật) và nền công nghiệp 4.0.
Mô hình 3D bệnh nhi trong không gian thực tại ảo
Với hệ thống này, giảng viên có thể tạo ra các lớp học nhi khoa tiền lâm sàng ảo, cho phép các học viên có thể tham gia ở bất kỳ đâu, kể cả vùng sâu, vùng xa thông qua bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet (máy tính để bàn, xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh), với kinh phí hiệu quả hơn so với các giải pháp khác. Đặc biệt, các thiết bị thực hành tiền lâm sàng trong bài giảng trên thực tế được số hoá thành mô hình 3D trong lớp học ảo với mức độ trực quan rất cao, dễ tương tác, và có nhiều tính năng gần giống với các thiết bị thật. Người học không chỉ xem, nghe một cách thụ động mà còn có thể tương tác thời gian thực với nội dung bài giảng như khi học trực tiếp dưới sự chỉ dẫn của giảng viên đồng thời có thể ôn tập bất kỳ lúc nào.
Mô hình triển khai hệ thống
Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ VR được triển khai theo mô hình dưới đây:
Mô hình triển khai hệ thống
Mô hình triển khai hệ thống khá đơn giản. Để tham gia lớp học, người học chỉ cần sử dụng thiết bị có kết nối Internet như máy tính Windows hay thiết bị cầm tay thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh có màn hình cảm ứng chạy hệ điều hành Android hoăc iOS. Sau khi truy cập vào tài khoản được cấp, màn hình thiết bị của học viên sẽ được đồng bộ bài giảng với màn hình máy tính của giảng viên, do đó học viên sẽ nhìn thấy các hướng dẫn do giảng viên thao tác hoàn toàn trong thời gian thực. Ngoài ra, nếu có thêm kính thực tại ảo và các thiết bị hỗ trợ khác, học viên còn có cảm giác như đang có mặt trong chính lớp học này.
Hệ thống này cho phép tạo đồng thời 100 lớp học ảo ở các địa phương khác nhau, mỗi lớp học hỗ trợ tối đa 30 học viên; quản lý quá trình và thành tích học tập của từng học viên; tạo đề thi ngẫu nhiên dựa trên ngân hàng câu hỏi; cho phép học viên chủ động ôn tập và kiểm tra thử tại bất kỳ thời điểm nào.
Hiện nay, nội dung các bài học tiền lâm sàng tích hợp sẵn trong hệ thống được xây dựng dựa trên các tình huống và phác đồ trong tài liệu “Advanced Paediatric Life Support: The Practical Approach”, 5th edition (Australia and New Zealand).
Cấu hình thiết bị
Các đầu cuối học viên có thể là máy tính để bàn, xách tay với cấu hình tương tự có kết nối Internet (Học viên có thể tham khảo thiết bị máy tính bảng như Samsung Tab4).
Ngoài ra có thể trang bị màn chiếu, loa cho các lớp đông người. Các học viên có thể dùng các thiết bị khác như kính thực tế ảo cardboard để xem.
Các tiêu chuẩn VR&3D
a) Các định dạng dữ liệu 3D
b) Các tiêu chuẩn liên quan đến VR
Tuân theo các tiêu chuẩn về tạo lập dữ liệu thực tại ảo 3D của Quốc tế: ISO/IEC bao gồm hai nhóm X3D và ngôn ngữ lập trình.
Quá trình thử nghiệm
Hệ thống đã được thử nghiệm tại Bệnh viện nhi Trung ương trong tháng 5/2017. Trước khi sản phẩm được chính thức trao tặng cho bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã đến thăm quan giờ học mẫu và cho ý kiến chỉ đạo.
Quang cảnh lớp học ảo tại Bệnh viện Nhi Trung ương và điểm cầu Quảng Ninh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu tham dự giờ học mẫu
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn và Ban giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương trải nghiệm hệ thống trong vai trò các học viên.
Được triển khai lần đầu tại Việt Nam, hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo đã được Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao trong việc hỗ trợ công tác đào tạo, phổ cập những kỹ thuật tiên tiến trong ngành Y tế giữa các tuyến trung ương và địa phương. Trong thời gian tới, Viện công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT sẽ tiếp tục phối hợp với các bệnh viện nói riêng và các cơ sở đào tạo nói chung ở Việt Nam để hoàn thiện và mở rộng hơn nữa mô hình này.