Diễn đàn

Hình thành các trung tâm chuyển đổi số tại địa phương và tháo gỡ nổi cộm để phát triển

Hoàng Linh 11/09/2023 15:44

Bộ TT&TT sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số (CĐS), thành lập trung tâm CĐS tại các địa phương để thúc đẩy nhanh CĐS đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các công việc trọng tâm trong quản lý nhà nước (QLNN) của ngành TT&TT trong thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến giao ban QLNN với 63 Sở TT&TT.

20230911-giao-ban-2.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị

QLNN cần nhận diện đúng vấn đề còn nổi cộm, tồn tại kéo dài để tháo gỡ

Tại Hội nghị lần này, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT nhận diện một số vấn đề còn tồn tại cần giải quyết, trong đó có một số vấn đề còn tồn tại của lĩnh vực bưu chính. Tại Lạng Sơn, Sở TT&TT cho biết là vấn đề buôn lậu qua đường bưu chính. Một số Sở TT&TT như Nam Định, Quảng Ngãi nêu số DN bưu chính được cấp phép nhiều mà địa phương chưa nắm rõ hết…

Qua các báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định hoạt động của DN bưu chính ở địa phương là có vấn đề. Nhiều DN quá mà địa phương không quản lý được, không có báo cáo. Bên cạnh đó là có các tình trạng như buôn lậu, cạnh tranh không lành mạnh về giá, đẩy giá xuống thấp, mô hình kinh doanh mới đang bị lạm quyền như nhượng quyền,…

QLNN cần phải nhận dạng những vấn đề nóng, nổi cộm, kéo dài cần phải tháo gỡ và tháo gỡ mãi chưa được là việc quan trọng. Cần tìm ra 1-2 vấn đề nổi cộm, tồn tại lâu để tháo gỡ và tháo gỡ được công việc sẽ chạy rất thênh thang”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với vấn đề tồn tại, nổi cộm của lĩnh vực Bưu chính, Bộ trưởng chỉ đạo trong tháng 10/2023 cần thanh tra sớm một số địa bàn trọng điểm để có hướng xử lý cho hoạt động lĩnh vực bưu chính. Đồng thời, xem xét công cụ số để địa phương nắm bắt được các DN bưu chính hoạt động tại địa phương.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các lĩnh vực khác của ngành TT&TT cũng cần nhận diện đúng vấn đề còn nổi cộm, tồn tại kéo dài để tháo gỡ dứt điểm.

Sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số (CĐS)

Phụ trách lĩnh vực bưu chính, CĐS, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (KTS-XHS), công nghiệp ICT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nêu vấn đề chung cho tất cả các lĩnh vực ở các 63 Sở TT&TT hiện nay là việc thiếu người làm, chỉ có khoảng 1-2 người làm cho tất cả các lĩnh vực trên. Song song với đó là nhiều lĩnh vực mới, các cán bộ ở các Sở TT&TT chưa rõ nội hàm và vì vậy chưa biết làm thế nào, do đó chưa phát huy được vai trò tham mưu của QLNN.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đưa ra hai lời giải. Thứ nhất, đối với lĩnh vực KTS-XHS là việc liên quan đến người dân và DN là nhiều. Bộ TT&TT đã cùng các Sở TT&TT lựa chọn 30 nền tảng số cung cấp các chức năng miễn phí cho người dân, DN. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ xuất bản cuốn cẩm nang để hướng dẫn từng người dân, hộ dân, làng xã có thể sử dụng 30 nền tảng số này như là khối cơ bản để giúp người dân xây dựng hộ kinh doanh số, làng số, xã số ngay lập tức mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nguồn lực nào.

Dự kiến, cẩm nang sẽ được xuất bản trong tháng 9/2023. Theo đó, cán bộ các Sở TT&TT sẽ tuyên truyền, phổ biến cẩm nang hướng dẫn sử dụng 30 nền tảng số với chức năng cơ bản, miễn phí này đến người dân, hộ gia đình, làng, xã cùng với Tổ công nghệ số cộng dồng, nguồn nhân lực xã hội hóa.

Lời giải thứ hai, Thứ trưởng chia sẻ về giải bài toán thiếu cán bộ QLNN tại các Sở là triển khai các nền tảng số QLNN dùng chung trong toàn ngành để các Sở dùng chung công cụ để thực hiện tốt chức năng QLNN của mình. Các đơn vị của Bộ đã xác định 16 nền tảng số sẽ dùng chung để phục vụ công tác QLNN các lĩnh vực của Bộ.

Theo Thứ trưởng, khi có các nền tảng số hỗ trợ dùng chung trong toàn ngành thì có thể chia sẻ tri thức chung và các cán bộ có thể thực thi nhiệm vụ QLNN của mình trên các nền tảng. Dự kiến, 16 nền tảng số sẽ được công bố, tập huấn cho các Sở dùng trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2023.

Thứ trưởng cũng thông tin, trong trung hạn, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng đề án kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực thực thi QLNN từ Trung ương đến địa phương của Ngành, dự kiến sớm trình Thủ tướng phê duyệt trong năm nay để có thể triển khai đề án này từ năm 2024.

Hướng dẫn để chính sách đi vào cuộc sống

20230911-giao-ban-1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: phải tháo gỡ dứt điểm các khó khăn của từng lĩnh vực QLNN, đặc biệt là phải tháo gỡ khó khăn của Sở TT&TT.

Giải đáp các vấn đề và chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh 5 nội dung cần tập trung trong QLNN thời gian tới.

Thứ nhất, Bộ sẽ hướng dẫn các Sở TT&TT những công việc, cách làm, thời hạn hoàn thành những vấn đề chung cho toàn quốc, các tỉnh. Chỉ có như vậy, công việc mới chạy được. Bộ chỉ tuyên bố chủ trương, đường lối và hướng dẫn cơ sở triển khai để công việc đi vào cuộc sống được.

Trong tháng 9/2023, Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn triển khai lĩnh vực CĐS. Bản cẩm nang CĐS được Bộ TT&TT phê duyệt, các lĩnh vực khác như viễn thông, báo chí, an toàn thông tin mạng cũng sẽ thực hiện các cẩm nang hướng dẫn... Lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ thuộc các lĩnh vực của ngành chủ động triển khai.

Chẳng hạn về phổ cập smartphone, Bộ TT&TT ra quyết định tháng 9/2024 tắt sóng 2G. Bộ ra chủ trương và hướng dẫn chiếm 70% công việc, các địa phương thực hiện 30% công việc còn lại. Có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền, thuộc về tri thức của Bộ TT&TT thì Bộ phải làm.

Tháo gỡ khó khăn của từng lĩnh vực

Điểm thứ hai, Bộ trưởng nhấn mạnh lại là phải tháo gỡ dứt điểm các khó khăn của từng lĩnh vực QLNN, đặc biệt là phải tháo gỡ khó khăn của Sở TT&TT, những khó khăn mang tính nút thắt kéo dài và cần làm đến cùng để giải quyết dứt điểm những khó khăn mang tính căn bản này. Không nên đưa ra rồi không giải quyết đến nơi, để kéo dài.

Yêu cầu là các Sở, các Giám đốc, Phó Giám đốc nhìn ra vấn đề của từng lĩnh vực tại địa phương. Các Cục, Vụ tuộc Bộ cũng phải nhìn thấy vấn đề nổi cộm của lĩnh vực mình quản lý.

Đề nghị lãnh đạo cấp Sở TT&TT và các đơn vị thuộc Bộ coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong QLNN ngành TT&TT. Đó là hiểu vấn đề của ngành, lĩnh vực mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói một câu rất hay là nếu mình hiểu vấn đề của mình, biết vấn đề của mình thì mình không sợ gì cả, kiểu gì cũng làm được. Chúng ta xác định được vấn đề của mình rõ, mình không giải được, mang đi hỏi thì kiểu gì cũng có người giúp được mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận biết, đặt câu hỏi đúng vấn đề

Thứ ba, Bộ trưởng nhấn mạnh cần nhận biết đúng vấn đề của mình, đặt đúng câu hỏi và không ngại hỏi. Hiện là lúc nói “Tôi không biết” là người giỏi, còn người nói “tôi biết” lại không phải người giỏi, nhất là trong thời buổi thay đổi hiện nay.

Việc đầu tiên là biết vấn đề của mình và đặt ra câu hỏi đúng. Và không ai có thể thay mình làm việc này, vì mình là người trong nghề, trong ngành. Có câu hỏi đúng rồi thì mang đi hỏi, hỏi từ dưới lên trên. Giám đốc Sở TT&TT thì hỏi Cục, Vụ trưởng; Thứ trưởng, Bộ trưởng. Không nhất thiết phải hỏi tuần tự. Những vấn đề mới cần phải hỏi đến người cao nhất”, Bộ trưởng cho hay.

Theo phân tích của Bộ trưởng, cố gắng tập tìm ra những vấn đề căn bản, khó khăn nổi cộm kéo dài và tháo gỡ đến tận cùng. Giả sử là có 10%, nhiều là 30% các câu hỏi của Sở chưa có câu trả lời thì Bộ sẽ nghiên cứu, giao các đơn vị nghiên cứu, lãnh đạo Bộ sẽ thảo luận, tìm hiểu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để tìm ra lời giải.

Theo Bộ trưởng, có những vấn đề các cơ quan của Bộ, lãnh đạo Bộ chưa biết mà được đẩy lên cấp Bộ thì cũng là cách để các cơ quan của Bộ xuất sắc hơn. Cho nên việc nêu vấn đề mới từ địa phương, là cách giúp cho ngành, Bộ phát triển, cán bộ của Bộ phát triển.

Tăng cường đi địa phương khảo sát để giải quyết vấn đề

Thứ tư, Bộ trưởng nhấn mạnh các đơn vị cần tăng cường đi địa phương. Các đơn vị của Bộ thì phải đi cơ sở khi đã có vấn đề muốn tìm hiểu, muốn giải quyết và đi để tìm cách giải quyết vấn đề đó.

“Xác định vấn đề rồi thì đi cơ sở để tập trung trung tìm ra lời giải, kể cả một số DN lớn như Bưu điện Việt Nam đến cấp huyện, xã cũng tăng cường đi cơ sở. Có vấn đề hãy đi. Đi khảo sát để giải quyết vấn đề”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thành lập trung tâm CĐS ở các tỉnh

Nội dung thứ năm, Bộ trưởng chỉ đạo cần thành lập 1 trung tâm CĐS ở các tỉnh, nơi tập hợp những giải pháp, ứng dụng CĐS của các DN. Các tỉnh nên dành ra một không gian và Sở TT&TT quản lý.

Trung tâm CĐS là nơi thể hiện các lời giải, các việc phải làm, cách làm giống như cẩm nang hướng dẫn sắp tới Bộ TT&TT sẽ ban hành. Trung tâm CĐS chỉ cần không gian khoảng 30 - 40m2 để các DN trung ương, địa phương giới thiệu các giải pháp ở đây. Bộ TT&TT sẽ giúp cho các tỉnh hình thành một trung tâm CĐS mẫu.

“Trung tâm CĐS là nơi các sở, ngành, các DN muốn CĐS có thể đến tham quan trực quan, tìm hiểu. Người Việt Nam có thói quen trực quan. Trung tâm CĐS của tỉnh/thành sẽ là một sức mạnh của các Sở TT&TT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho biết các Sở TT&TT hiện nay có trung tâm dữ liệu là sức mạnh hạ tầng và có thêm trung tâm CĐS với các sản phẩm, ứng dụng CĐS, chủ yếu là của các DN (các sản phẩm đã sẵn sàng đến 90%). Cục CĐS Quốc gia làm mẫu ở một tỉnh, xong hướng dẫn cho các tỉnh còn lại; chú trọng thông tin thêm cả về giá cả của giải pháp và DN có các giải pháp xuất sắc nào để Địa phương biết giải pháp của DN tốt nhất qua đó yên tâm sử dụng”.

“CĐS đã đến lúc cần phải làm, triển khai, ứng dụng cụ thể, mạnh mẽ, phải nhìn, sờ thấy được. Giai đoạn nghị quyết, chiến lược, kế hoạch đã hoàn thành. Trung tâm CĐS sẽ giải quyết các vấn đề thực tiễn đang còn khó khăn, băn khoăn của địa phương”.

Bộ trưởng giao trong tháng 10 cần xây dựng xong Trung tâm CĐS mẫu. Những Sở TT&TT có vị trí rộng có thể phối hợp với DN làm ngay./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hình thành các trung tâm chuyển đổi số tại địa phương và tháo gỡ nổi cộm để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO