Hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông trong nền kinh tế thị trường (P1)

03/11/2015 20:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Để kịp thời đưa ra giải pháp thích hợp nhằm duy trì và phát triển bền vững và lành mạnh hóa thị trường viễn thông Việt Nam cũng như tiếp tục hoàn thiện pháp luật về viễn thông ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường. Bài viết tập trung vào nội dung kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông.

Khi triển khai thực thi các quy định pháp luật về viễn thông, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và hiện đang đàm phán gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương thì một số nội dung của pháp luật viễn thông đã bộc lộ hạn chế. Do đó, cần có sự nghiên cứu cẩn trọng về môi trường pháp lý, thị trường viễn thông,, v.v.. để kịp thời đưa ra giải pháp thích hợp nhằm duy trì và phát triển bền vững và lành mạnh hóa thị trường viễn thông Việt Nam cũng như tiếp tục hoàn thiện pháp luật về viễn thông ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường. Bài viết tập trung vào nội dung kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông.

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành viễn thông Việt Nam là một trong những ngành có những bước phát triển nhanh, đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với những chính sách tích cực về viễn thông, Việt Nam đã tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thị trường. Đồng thời, mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, trong khi giá cước từng bước giảm xuống bằng và thấp hơn mức bình quân của khu vực và thế giới.

Để khắc phục hạn chế của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 cũng như để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế, Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Nghị định 25/2011/NĐ-CP có một chương riêng về kinh doanh viễn thông, quy định cụ thể những vấn đề về kinh doanh viễn thông, doanh nghiệp viễn thông; đầu tư trong viễn thông; cạnh tranh trong kinh doanh viễn thông; sở hữu trong doanh nghiệp viễn thông... thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông trong môi trường bình đẳng, công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Theo quy định tại Điều 13 Luật Viễn thông, hình thức kinh doanh viễn thông bao gồm kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hoá viễn thông. Trong đó, kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, cung cấp dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi và phải tuân theo quy định của pháp luật về viễn thông và các quy định khác có liên quan. Kinh doanh hàng hoá viễn thông là hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cho thuê phần mềm và vật tư, thiết bị viễn thông nhằm mục đích sinh lợi và tuân theo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng viễn thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, có thể thấy pháp luật viễn thông chủ yếu điều chỉnh về kinh doanh dịch vụ viễn thông còn hàng hoá viễn thông được điều chỉnh chủ yếu bởi pháp luật có liên quan khác như Luật Thương mại; Luật Doanh nghiệp; v.v...

Cụ thể về Quyền và Nghĩa vụ, Sở hữu, Đầu tư, Cạnh tranh trong viễn thông được qui định trong Luật Viễn thông như sau:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

Về Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, có một số khác biệt giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, ngoài các quyền và nghĩa vụ như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng như trên, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có các quyền, nghĩa vụ: Được sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo đúng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Cho phép doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng viễn thông; Tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (theo điều 14 Luật Viễn thông).

Về Quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông, ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Luật thương mại, đại lý dịch vụ viễn thông còn có các quyền, nghĩa vụ: Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo thoả thuận trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông; Thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông; Từ chối cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm quy định cấm tại Luật Viễn thông hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một số quyền và nghĩa vụ khác (theo Điều 15 Luật Viễn thông).

Về Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng, có sự khác biệt giữa người sử dụng dịch vụ viễn thông và thuê bao viễn thông. Đối với các thuê bao viễn thông, ngoài các quyền và nghĩa vụ như trên của người sử dụng dịch vụ viễn thông, thuê bao viễn thông có các quyền, nghĩa vụ: Thiết kế, lắp đặt hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ trong phạm vi địa điểm mà mình sử dụng cho đến điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng; Thực hiện quy định về quản lý tài nguyên viễn thông và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông; Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin của thuê bao cho doanh nghiệp viễn thông khi giao kết họp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông; Bảo vệ mật khẩu, khoá mật mã và thiết bị đầu cuối thuê bao của mình (theo Điều 16 Luật Viễn thông).

Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Cùng với việc mở cửa thị trường cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông, kể cả việc thiết lập hạ tầng mạng, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý viễn thông và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, pháp luật viễn thông quy định: “Nhà nước nắm cổ phần chi phối trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh“ và Thủ tướng Chính phủ, tuỳ theo từng thời kỳ, quyết định việc Nhà nước tiếp tục nắm quyền kiểm soát thông qua việc nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước (theo Điều 17 Luật Viễn thông).

Đây là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy đa sở hữu trong các doanh nghiệp viễn thông và hình thành một thị trường viễn thông được mở cửa cạnh tranh, bình đẳng và đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam trong WTO, nhưng vẫn giữ được vai trò kiểm soát, điều tiết của nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động viễn thông.

Pháp luật viễn thông cũng quy định về sở hữu chéo trong kinh doanh dịch vụ viễn thông tức là quy định tỷ lệ vốn hoặc cổ phần tối đa của một tổ chức, cá nhân được quyền nắm giữ trong hai hoặc nhiều doanh nghiệp viễn thông khác nhau cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Phù hợp với pháp luật chung về đầu tư, hoạt động đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (pháp luật viễn thông), pháp luật về đầu tư và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật quy định cụ thể về việc đầu tư và kinh doanh dịch vụ của nhà đầy tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh viễn thông tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về hình thức đầu tư (trong đó phân biệt giữa trường hợp đầu tư trực tiếp để cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng và đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng); về Tỷ lệ phần vốn góp; tính Phù hợp với quy hoạch; vốn pháp định; quy mô đầu tư.

Cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Do tính đặc thù của các hành vi cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông nói riêng cũng như của lĩnh vực viễn thông nói chung, WTO đã có một phụ lục riêng về viễn thông nhằm xử lý các vấn đề đặc thù, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Các quy định có liên quan đến cạnh tranh chung đã được quy định rất chi tiết trong Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với lĩnh vực viễn thông, nhiều quy định về cạnh tranh đã được cụ thể hóa trong Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP, cụ thể:

-Doanh nghiệp viễn thông không được thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật cạnh tranh.

-Doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu không được thực hiện các hành vi "Bù chéo dịch vụ viễn thông" để cạnh tranh không lành mạnh; Sử dụng ưu thế về mạng viễn thông, phương tiện thiết yếu để cản trở việc xẩm nhập thị trường, hạn chế, gẩy khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác; Sử dụng thông tin thu được từ doanh nghiệp viễn thông khác vào mục đích cạnh tranh không lành mạnh; Không cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp viễn thông khác thông tin kỹ thuật về phương tiện thiết yếu và thông tin thương mại liên quan cần thiết để cung cấp dịch vụ viễn thông. Đẩy là các hành vi đặc thù trong hoạt động viễn thông mà chỉ có trong hoạt động viễn thông và được quy định tại Bản tham chiếu WTO.

-Doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu phải thực hiện thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế để xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.

-Các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

-Thẩm quyền, thủ tục xử lý vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông: Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm xử lý các vụ việc cạnh tranh trong hoạt động thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại Luật Viễn thông.


ThS. Đỗ Xuân Minh

(còn nữa)

(TCTTTT Kỳ 2/2/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông trong nền kinh tế thị trường (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO