Ngày 13/1/2017, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã tổ chức Lễ tổng kết trao bằng Tiến sĩ cho 3 nghiên cứu sinh và bằng Thạc sĩ 82 học viên cao học. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đến dự, trao bằng Tiến sĩ và phát biểu chúc mừng.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, các học viên đã miệt mài học tập để có kết quả xứng đáng ngày hôm nay. Các thầy cô giáo của Học viện đã phấn đấu, nỗ lực hết mình đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Các thầy cô giáo là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục và tiếp tục phấn đấu, nỗ lực đào tạo ra nguồn nhân lực CNTT - Truyền thông vừa hồng vừa chuyên cho Ngành, cho đất nước.
Trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 có sự đi đầu của Ngành CNTT - Truyền thông và cần có sự đóng góp của các nghiên cứu sinh, thạc sĩ để đưa lĩnh vực này lên tầm cao mới, đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT. Các tân Tiến sĩ và Thạc sĩ cần tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp TT&TT, nghiên cứu khoa học (NCKH) để phát triển của đất nước.
Học viện Công nghệ BCVT trong thời gian qua đã vượt qua những khó khăn để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo theo yêu cầu xã hội và tự chủ trong hoạt động, đã minh chứng về tính tiên phong đi đầu, vai trò chủ lực trong công tác nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành, cho đất nước.
Trong những năm tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Lãnh đạo Bộ TT&TT tiếp tục và luôn đặt niềm tin, ủng hộ, tạo điều kiện cho Học viện phát huy hơn nữa vị thế, sức mạnh nội lực của mình để Học viện sẽ sớm trở thành một tổ chức nghiên cứu, đào tạo có trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao bằng tiến sĩ cho 3 nghiên cứu sinh
3 NCS được nhận bằng Tiến sĩ đợt này gồm NCS Vương Đức Hạnh, chuyên ngành kỹ thuật điện tử với luận án “Các mã khối Turbo xây dựng trên các mã cyclic cục bộ”; NCS Nguyễn Hoàng Linh, chuyên ngành kỹ thuật viễn thông với luận án “Giảm nhiễu trong thông tin băng rộng thế hệ sau”; NCS Dương Thị Thùy Vân, chuyên ngành hệ thống thông tin với luận án “Khai phá dữ liệu cho dự báo di chuyển trong mạng không dây”.
Học viện Công nghệ BCVT đang triển khai 5 chương trình đào tạo Tiến sĩ, gồm có: Kỹ thuật viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin và Quản trị kinh doanh. Đến nay đã có 76 NCS đã bảo vệ thành công luận án trước Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước, cấp Học viện và số NCS đang học tập và nghiên cứu tại Học viện là 95 người. Năm 2016, Học viện đã tổ chức bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho 12 NCS và cấp Học viện cho 5 NCS, 3 NCS trong số đó được vinh dự nhận bằng Tiến sĩ ngày hôm nay.
Đối với đào tạo thạc sĩ, đến nay, Học viện đã tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành gồm có: Kỹ thuật Điện tử, Kỹ thuật viễn thông, Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính và Quản trị Kinh doanh với đối tượng đã được xã hội hóa, hình thức đào tạo đa dạng. Mỗi năm, Học viện tuyển khoảng 300 học viên cao học. Hiện có 522 học viên cao học đang được đào tạo tại 2 cơ sở đào tạo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 2.447 học viên cao học đã tốt nghiệp, trong đó 985 thạc sĩ Kỹ thuật Viễn thông, 656 thạc sĩ Hệ thống thông tin, 226 thạc sĩ Khoa học máy tính, 580 thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.
Đánh giá công tác đào tạo NCS, cao học, ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện khẳng định các luận án Tiến sĩ nghiên cứu tại Học viện được đánh giá là các công trình nghiên cứu chuyên sâu, có tính thời sự, mang tính cấp thiết; sử dụng phương pháp, công cụ nghiên cứu hiện đại, phù hợp với điều kiện nghiên cứu của Việt Nam. Nội dung nghiên cứu trong đa số luận án được đánh giá có tính học thuật cao, thể hiện được tính kế thừa, áp dụng và phát triển có sáng tạo những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đóng góp, đề xuất mới có giá trị khoa học và thực tiễn của các đề tài luận án đều được công bố, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong tuyển tập các báo cáo ở các Hội nghị khoa học trong và ngoài nước.
Chất lượng đào tạo Thạc sĩ của Học viện ngày càng được nâng cao, đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung và chương trình đào tạo, về trình độ ngoại ngữ. Luận văn tốt nghiệp đảm bảo tính hàn lâm có học thuật khoa học, tính ứng dụng và hiệu quả trên cơ sở gắn kết Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các tân Tiến sĩ, Thạc sĩ
82 học viên cao học khóa 2014 là khóa học đầu tiên thực hiện đào tạo theo Quy chế mới về đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT (ban hành kèm theo thông tư số 15/2014 ngày 15/5/2014) và Quy định mới về đào tạo trình độ Thạc sĩ của Học viện (Ban hành kèm theo quyết định số 338/QĐ-HV ngày 15/6/2015). Theo đó, chương trình đào tạo Thạc sĩ đã được hiệu chỉnh, bổ sung và chia làm 2 loại chương trình theo định hướng ứng dụng và chương trình theo định hướng nghiên cứu; Chương trình được xây dựng chú trọng tính trọng tâm, khoa học, hợp lý, gắn với thực tiễn và cập nhật công nghệ, kỹ thuật, quản lý mới; Thời gian học viên được làm luận văn ít nhất 6 tháng để học viên có thời gian tiếp cận và thực sự làm chủ được nội dung khoa học của luận văn; Việc đánh giá luận văn gắn với thành tích nghiên cứu khoa học, điểm luận văn chỉ đạt tối đa khi đề tài nghiên cứu của học viên có bài báo khoa học hoặc ứng dụng đề tài vào thực tiễn...; Quy định đầu ra tiếng Anh của học viên cao học tại Học viện phải đạt trình độ ở mức tương đương cấp độ B1 theo khung tham khảo Châu Âu.
Kết thúc khóa học, các học viên cao học đạt loại Khá giỏi là 81/120 học viên - chiếm 68%, 86/120 (72%) đề tài luận văn tốt nghiệp đạt loại khá giỏi (điểm bảo vệ luận văn từ 8,0 trở lên), đặc biệt có 5 đề tài luận văn gắn với bài báo khoa học, đề tài ứng dụng thực tiễn của đơn vị học viên công tác. Các luận văn được các thành viên Hội đồng công tác ở trong và ngoài Ngành cũng như ở các trường Đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu,... đánh giá cao.
Nhiều luận văn tốt nghiệp được đánh giá có hàm lượng NCKH, ý nghĩa thực tiễn cao, có thể áp dụng triển khai vào hoạt động thực tế tại đơn vị nghiên cứu, sản xuất kinh doanh như: Đánh giá hiệu năng hệ thống FSO sử dụng kỹ thuật điều chế cường độ sóng mang phụ; Dự đoán chuyển động của bàn tay sử dụng bộ lọc KALMAN; Nghiên cứu giải pháp tư vấn lai sử dụng đồng huấn luyện; Nghiên cứu các phương pháp học máy và ứng dụng trong phát hiện xâm nhập trái phép; Ứng dụng khai phá dữ liệu để tư vấn học tập tại trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội; Rủi ro hoạt động tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam; Tạo động lực cho người lao động tại Công ty Cổ phần Phần mềm BSC.