Toàn cảnh hội nghị
Báo cáo tổng kết lĩnh vực quản lý do lãnh đạo các Cục trình bày tại Hội nghị cho thấy bức tranh nhiều khó khăn, thách thức, với khối lượng công việc lớn, trong điều kiện các lĩnh vực quản lý có những thay đổi nhanh chóng của các đơn vị, nhưng đồng thời cũng cho thấy nỗ lực vượt bậc của các Cục chức năng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho thấy doanh thu dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền năm 2019 của cả nước ước đạt mức 8300 tỉ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, số thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16,5 triệu thuê bao, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, trong năm 2019, Cục đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình và hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh để Chính phủ xem xét ban hành. Về mảng thông tin điện tử, Cục đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác đấu tranh gỡ bỏ thông tin xấu độc, Fake News (tin giả) trên các mạng xuyên biên giới, đặc biệt chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook, Google buộc hai nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; có giải pháp hạn chế tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát biểu
Trong khi báo cáo của Cục Báo chí cho thấy một số kết quả nổi bật trong trong công tác quản lý nhà nước về báo chí như tham mưu Bộ ban hành kế hoạch triển khia sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia giai đoạn 2020-2021…
Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xây dựng được 2 Thông tư hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 nhằm đơn giản hóa một số thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính.
Về thông tin đối ngoại, trong năm 2019, Cục Thông tin đối ngoại có 2 Đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó nổi bật nhất là công tác tuyên truyền biển, đảo và công tác tuyên truyền về thành tựu, quyền con người, thúc đẩy tiến bộ, tạo sự đồng thuận xã hội và tín nhiệm quốc gia.
Trong khi đó, kết quả nội bật của Cục Thông tin cơ sở là việc đưa vào sử dụng 41 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-viễn thông cho số xã đặc biệt khó khăn ở vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với sự tài trợ của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận định: “Sau một thời gian bỡ ngỡ, các đơn vị gần đây đã thích ứng với phong cách làm việc mới và hiệu quả công việc đã tăng lên rõ rệt”. Thứ trưởng cũng yêu cầu các Cục cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Ngoại Giao, Ban Tuyên giáo Trung ương…cũng cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa và cần coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu
Về phương hướng, nhiệm vụ của năm 2020, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường hậu kiểm là những nhiệm vụ trọng tâm với khối thông tin – truyền thông trong năm 2020. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm đối với từng đơn vị: Đối với Cục Báo chí, cần tập trung thực hiện quy hoạch báo chí, vì khối lượng công việc còn nhiều, phức tạp; đối với Cục Thông tin cơ sở, điểm nhấn là công tác ứng dụng công nghệ thông tin; đối với Cục Thông tin đối ngoại, cần đẩy mạnh chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài; đối với Cục Xuất bản, In và Phát hành, cần chú trọng nâng cao chất lượng chương trình sách quốc gia và đấu tranh với vấn đề sách lậu.
Riêng đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ những khó khăn trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình, đồng thời nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2020 là xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP, sau khi Nghị định được ban hành và xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Thứ trưởng yêu cơ quan xây dựng Nghị định mới cần nghe ý kiến nhiều chiều, đồng thời phải giải được bài toán khó: Các quy định trong Nghị định mới nhằm cho phép các doanh nghiệp trong nước được làm như doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp nước ngoài phải làm như doanh nghiệp trong nước?