Hội nghị triển khai công tác thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018

THH| 17/01/2018 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 16/1/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

20181601-ta1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tới dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia kết quả thực hiện kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 và  dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban Công tác:

Trong năm 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 12/2017,Việt Nam đạt tỉ lệ ứng dụng IPv6  khoảng 10%, đứng thứ 3 trong các nước khu vực ASEAN, thứ 5 các nước trong khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan - nguồn APNIC) với khoảng 4.000.000 người dùng IPv6 (nguồn Cisco Lab).

Hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định. Tất cả các doanh nghiệp lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng các đường kết nối IPv6 quốc tế. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc triển khai dịch vụ IPv6 của ba doanh nghiệp  là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và FPT Online và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng Mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).

Tổng lưu lượng truy vấn IPv6 đo kiểm trên hệ thống DNS quốc gia từ ngày 01/01 – 20/12/2017 là 46.306.684.928, chiếm 25% tổng truy vấn tên miền, tăng trưởng 5,5% so với số liệu cùng kỳ năm ngoái là 19,5%.

20181601-ta2.jpg

Toàn cảnh Hội nghị.

Về tình hình triển khai IPv6 của các doanh nghiệp (DN) cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ sự cố gắng của các DN trong cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.  Điển hinh là FPT Telecom đã mở rộng dịch vụ IPv6 cho người sử dụng. Hiện tại, FPT Telecom cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 900.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 13 Website được chứng nhận IPv6 ready logo; Tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 34%, theo APNIC.

Tập đoàn VNPT cũng đã nỗ lực triển khai IPv6, năm 2017 VNPT đã hoàn thành đúng kế hoạch cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Đến tháng 12/2017, VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 700.000 thuê bao khách hàng băng rộng cố định trên 43 tỉnh/thành phố; cung cấp dịch vụ IDC hosting IPv6 cho 10 khách hàng doanh nghiệp; thử nghiệm triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6; kích hoạt 26 Website chạy IPv6. Tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của Tập đoàn VNPT tăng trưởng bứt phá từ 0,03% vào tháng 01/2017 lên khoảng 6% vào cuối năm.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên ở Việt Nam như FPT Online/Báo VnExpress đã chuyển đổi thành công IPv6 cho một trong những báo điện tử lớn nhất Việt Nam là vnexpress.net. FPT Online đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sử dụng IPv6 sớm 2 năm so với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cũng như kế hoạch ban đầu của FPT Online gửi Ban Công tác.

Tổng công ty MobiFone đã triển khai gán nhãn IPv6 ready logo cho trang web MobiFone Portal; đồng thời  thử nghiệm thành công giai đoạn 1 cho việc cung cấp IPv6 cho các thuê bao 4G LTE. Trong năm 2018, MobiFone sẽ tiếp tục triển khai IPv6 cho mạng CNTT của MobiFone và triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 cho dịch vụ di động 4G LTE.

Tập đoàn Viettel cũng đã triển khai IPv6 cho hạ tầng trọng yếu như DNS Hosting, hệ thống IDC, triển khai IPv6 cho một số website của các đơn vị. Tuy nhiên, Viettel vẫn chưa đẩy mạnh cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Trong kế hoạch năm 2018, Tập đoàn Viettel sẽ triển khai dịch vụ băng rộng cố định và dịch vụ di động và có kế hoạch cụ thể trong việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Năm 2017, một số nhà đăng ký đã triển khai hỗ trợ IPv6 trên hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho khách hàng, bao gồm: PA Việt Nam, Mắt Bão, VNPT.

Tính đến đầu tháng 12/2017, qua công tác theo dõi tổng hợp và thống kê tình hình triển khai hỗ trợ IPv6 trên các Website sử dụng tên miền “.vn” của VNNIC, Việt Nam đã có 4.000 Website dưới tên miền “.vn” hoạt động với IPv6, đây là bước tăng trưởng rất tốt so với số liệu cùng kỳ năm ngoái (khoảng 100 Website).

Đối với mạng Truyền số liệu chuyên dùng, theo báo cáo của Cục Bưu điện Trung ương (BĐTW), Cục BĐTW đã triển khai IPv6 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng; Triển khai kết nối IPv6 với Tập đoàn VNPT tại các cổng kết nối Internet tại Tp. Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh; Thử nghiệm IPv6 giai đoạn I tại Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội. Năm 2018, Cục BĐTW tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho khối Bộ, Ngành; Phối hợp các đơn vị chuyên trách CNTT của một số Văn phòng, Bộ, Ngành kích hoạt IPv6 trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Tính đến đầu tháng 12/2017, Việt Nam hiện có 27 Website của các cơ quan nhà nước, trong đó có 19 Website dưới tên miền “gov.vn” đã hoạt động với IPv6, tiêu biểu là cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông (mic.gov.vn), Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (daln.gov.vn), 08 Văn phòng và Chi cục thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương.

Mặc dù kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam đứng thứ 5 khu vực Châu Á, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với trung bình chung toàn cầu. Tính đến tháng 12/2017, mức độ ứng dụng IPv6 chung trên Internet toàn cầu đạt khoảng 23% lưu lượng IPv6. Tốc độ triển khai tăng gấp đôi sau mỗi năm. Theo đánh giá của các chuyên gia về Internet, số người dùng IPv6 sẽ vượt quá 50% trên toàn thế giới vào năm 2019 và đây cũng là thời điểm mà mức độ sử dụng IPv4 bắt đầu suy giảm. Cũng với tốc độ này, tới năm 2020, tỉ lệ truy cập IPv6 toàn cầu qua Google đạt gần như 100%.

Nhận định về kết quả hoạt động trong năm 2017, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá: “Năm 2017 là năm đặc biệt, khởi sắc của IPv6, ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục. Việc này phản ánh thực tế việc chúng ta cố gắng tận dụng, sử dụng IPv4 và đã đến lúc nhận thấy có nhiều vấn đề. Hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chuyển sang IPv6. Đó cũng là thực tế không thể đảo ngược được và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới”.

Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban Công tác tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ sau để đảm bảo thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, khắc phục các tồn tại nêu trên, thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018:

Thứ nhất là tăng tốc công tác chuyển đổi IPv6 bám sát Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018;

Thứ hai là tăng cường triển khai IPv6 trong ứng dụng CNTT của khối cơ quan Đảng, Nhà nước bao gồm chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài của cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo hỗ trợ IPv6;

Thứ ba là tăng cường ứng dụng, phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6;

Thứ tư là triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE;

Thứ 5 là tiếp tục xây dựng, triển khai các chính sách thúc đẩy triển khai IPv6 trong các VBQPPL. Ban Công tác cũng tăng cường làm việc với doanh nghiệp để doanh nghiệp có các cam kết tự nguyện trong việc triển khai IPv6;

Thứ sáu là tăng cường mức độ ứng dụng IPv6 trên tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”;

Thứ bảy là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về thúc đẩy triển khai IPv6 và cuối cùng là tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ quốc tế về IPv6 để nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trong công tác chuyển đổi IPv6.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải hy vọng rằng: “Phát huy sức mạnh tổng thể, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, hướng tới mục tiêu quốc gia về IPv6 “Internet Việt Nam hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (hoàn toàn tương thích với IPv6)” từ năm 2019.” Thứ trưởng cũng yêu cầu: Thường trực Ban Công tác tiếp thu, hoàn thiện lại Kế hoạch hoạt động của Ban Công tác năm 2018, gửi các đơn vị lấy ý kiến và trình báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Văn phòng Bộ phối hợp với VNNIC chuẩn bị thông báo kết luận sau cuộc họp gửi toàn bộ đơn vị tham gia chương trình Họp Ban Công tác, để các cá nhân, đơn vị đều nắm bắt tốt thông tin và triển khai hiệu quả công tác IPv6. Các cá nhân, đơn vị được phân công nhiệm vụ chủ động triển khai tại đơn vị của mình, phối hợp với Thường trực Ban Công tác để triển khai đồng bộ, báo cáo Lãnh đạo Bộ kịp thời.

20181601-ta3.jpg

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải trao tặng bằng khen của Bộ trưởng cho 3 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2017

Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra Lễ trao bằng khen của Bộ trưởng cho các 3 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2017 bao gồm: Ban công nghệ - Mạng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng Công ty Hạ tầng Mạng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Trung tâm Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT và ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng phòng quản lý hạ tầng, Trung tâm Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị triển khai công tác thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO