Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 - Hướng tới người dùng

Minh Thiện| 28/07/2017 08:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Muốn phát triển nhanh mạng 4G LTE tại Việt Nam, các nhà mạng cần nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thỏa mãn trải nghiệm người dung đồng thời định ra các mức cước linh hoạt và phù hợp.

“Năm 2017 được đánh giá là thời điểm triển khai mạnh mẽ mạng 4G tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển bùng nổ các loại hình dịch vụ trên nền tảng 4G. Với việc tốc độ kết nối, truy cập dữ liệu tăng, các dịch vụ Internet truyền thống sẽ nhanh chóng dịch chuyển, đáp ứng nhu cầu người sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng khác sẽ phát triển như dịch vụ trên nền tảng IoT, các ứng dụng cho SmartCity,… Việc đa dạng hoá các dịch vụ trên nền tảng 4G LTE không chỉ đem lại doanh thu, lợi nhuận cho riêng các doanh nghiệp viễn thông mà sẽ kéo theo cả hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng phát triển trên đó”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức ngày 27/07/2017 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo

Cuộc đua 4G chính thức bùng nổ trong năm nay, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà mạng nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm 4G LTE với tốc độ cao và chất lượng nhất. Sau khi khởi động,VNPT đã triển khai lắp đặt trạm 4G tại nhiều địa phương để chuẩn bị cho việc phổ biến mạng này trên toàn quốc trong năm 2017. Theo kế hoạch, trong năm nay, VNPT sẽ đưa khoảng 15.000 trạm thu phát sóng 4G chính thức đi vào hoạt động, phủ sóng tất cả các khu vực trọng điểm tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, Viettel đã khai trương dịch vụ 4G LTE trên toàn quốc sử dụng công nghệ 4T4R trong tháng 4 vừa qua, đồng thời tiển khai 36.000 trạm thu phát sóng, phủ sóng 95% dân số. Còn MobiFone hiện đã xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G LTE và dự kiến con số này sẽ là 30.000 trạm phát sóng 4G giai đoạn 2017 – 2018.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự triển khai mạnh mẽ mạng 4G LTE sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng 4G nhằm thoả mãn kỳ vọng và nâng cao trải nghiệm khách hàng trong quá trình sử dụng như: các dịch vụ nội dung số, các dịch vụ IoT, dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh,… Tuy nhiên, để thực hiện các quy định quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông về các dịch vụ giá trị gia tăng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng, đồng thời đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: nâng cấp hệ thống mạng kỹ thuật, các đường truyền tốc độ cao, quản trị lưu lượng hiệu quả, cải tiến các phần mềm quản lý thuê bao, phát triển các thiết bị đầu cuối tương thích công nghệlưới 4G và bảo mật thông tin trên nền tảng mạng 4G LTE.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo Quốc tế Công nghệ 4G LTE 2017 đã đưa chủ đề: “Phát triển đa dạng hóa dịch vụ 4G LTE nhằm mang lại chất lượng và hiệu quả cho tổ chức và người tiêu dùng” vào thảo luận. Trọng tâm Hội thảo hướng tới dịch vụ và người dùng, vì vậy, tại phiên khai mạc, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Vietnam & ASEAN, đã chia sẻ một báo cáo rất đáng chú ý: “Khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam”. IDG đã tổ chức điều tra hành vi người sử dụng đối với 4G LTE ở Việt Nam. Điều tra được thực hiện từ trong 3 tháng từ ngày 01/4/2017 đến 01/7/2017, với 8 câu hỏi liên quan. Đã có 13.828 trả lời thành công từ 40.000 mẫu.

Ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Vietnam & ASEAN, trình bày nội dung Báo cáo

Một số kết quả khá thú vị đã được báo cáo nêu ra. Người được hỏi trả lời 4 nội dung: Độ mạnh của sóng, độ bao phủ của sóng, sự ổn định của sóng và  kết nối ổn định trong những giở cao điểm (ngày lễ, cuối tuần) được đánh giá theo 5 mức (Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng). Kết quả đáng chú ý ở nhóm này 56% người lao động tự do (lái xe Uber, Grab…) thỏa mãn với sự ổn định của 4G. Nhiệm vụ của những nhà mạng là sẽ chuyển đổi 37% số người “băn khoăn” về “sự tin cậy hoàn toàn” vào sự ổn định. 7% số người thuộc nhóm này không hài lòng về sự ổn định của 4G. Ông Lê Thanh Tâm cho rằng, trong thời gian tới các nhà mạng cần chú trọng nhiều hơn nữa vào chất lượng và độ ổn định của đường truyền.

Tại phiên báo cáo chính trong buổi sáng, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Chính sách và Hợp tác Quốc tế, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chia sẻ thông tin mới nhất về tình hình triển khai 4G LTE – A tại Việt Nam. Ông cũng nhận định về những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển mạng 4G LTE tại Việt Nam. Sau thời gian 6 tháng triển khai, hiện nay có 60 triệu thuê bao băng rộng, 6,3 triệu thuê bao đổi SIM 4G nhưng mới chỉ có 3,5 triệu thuê bao đang chính thức sử dụng dịch vụ 4G.

Thời gian tới, nhu cầu dịch vụ, xã hội không chỉ có dịch vụ thoại truyền thống mà chủ yếu là các dịch vụ giá trị gia tăng, tương tác giữa người – máy, các dịch vụ thông minh, các thiết bị, các thông tin được truyền đi là thông tin có giá trị cao nên các doanh nghiệp sẽ chuyển đổi, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Theo ông Trần Tuấn Anh, có 3 thách thức chính mà nhà mạng phải đối mặt: Để phát triển mạng kết nối rộng khắp, ổn định và đa dạng thì cần phải thay đổi cấu trúc, tổ chức mạng truyền dẫn, để có kết nối linh hoạt đặc biệt mạng vô tuyến; Chuyển đổi từ cung cấp dịch truyền thống sang các dịch vụ đa dạng, phức tạp có giá trị cao hơn; Vấn đề bảo mật đặc biệt quan trọng vì mọi thứ đều kết nối với nhau, nếu mất an toàn thông tin sẽ có những rủi ro khó lường.

Các diễn giả đến từ những tập đoàn lớn nước ngoài như  Qualcomm, Huawei, SIGOS GmbH, Finisar cũng mang đến những bài học kinh nghiệm quốc tế cũng như giới thiệu các cơ chế quản lý khoa học, các giải pháp công nghệ đột phá nhằm phát triển tối đa tiềm năng của mạng 4G LTE tại Việt Nam như: Tầm nhìn phát triển 4G LTE hướng tới 5G; Thiết lập tiền đề 5G; LTE: Nhu cầu về đường truyền tốc độ cao (góc nhìn từ chuyên gia kiểm thử chất lượng dịch vụ; Giải pháp cáp quang cho mạng 4G LTE và các mạng thế hệ mới…

Ông Mantosh Malhotra, Phó chủ tịch phụ trách Qualcomm Đông Nam Á, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ triển khai 4G cả về hạ tầng mạng và thiết bị đầu cuối

Hội thảo lần này giúp cộng đồng ICT trong nước và nước ngoài cập nhật, chia sẻ kiến thức, công nghệ, giải pháp quản lý phù hợp với xu thế phát triển ICT thế giới. Đồng thời, Hội thảo là cầu nối cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi về xu hướng phát triển, cập nhật công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, tham khảo các mô hình kinh nghiệm thực tế để hoàn thiện thêm định hướng chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong thế kỷ 21.

Thông qua hội thảo, Bộ TT&TT có những đánh giá, nhận định nhằm đưa ra các chính sách triển khai công nghệ 4G LTE phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, từ đó làm nền tảng thúc đẩy phát triển các ứng dụng, dịch vụ trên nền Internet một cách bền vững và dần tiến ra khu vực cũng như trên thế giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 - Hướng tới người dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO