Hội thảo tập huấn về điều tra tham nhũng và Hợp tác khu vực

Xuân Tuấn| 15/03/2018 08:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng ngày 14/3, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp với Bộ Công An Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thảo tập huấn về điều tra tham nhũng và Hợp tác khu vực.

Tham dự buổi khai mạc có 50 đại biểu đến từ cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan điều tra, cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp, cơ quan công tố và đơn vị tình báo tài chính thuộc 5 nước Tiểu vùng sông Mê-kông là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - ngài Giles Lever, các chuyên gia phòng chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC và đại diện của Bộ Công an Việt Nam. 

Hội thảoị tập huấn nhằm mục đích nâng cao năng lực của các cơ quan phòng chống tham nhũng và cơ quan thực thi pháp luật trong việc sử dụng các kỹ thuật, chiến thuật điều tra án tham nhũng, trong việc sử dụng công cụ cơ bản trong điều tra tài chính cũng như tăng cường hợp tác khu vực giữa các cơ quan này. Nội dung tập huấn đề cập đến một loạt kỹ năng điều tra đối với các vụ án tham nhũng từ khâu thu thập chứng cứ, tài liệu cho đến thẩm vấn người làm chứng, giám sát điện tử, sử dụng trinh sát… Hội thảo cũng giới thiệu phương pháp gián tiếp nhằm chứng minh tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng và những thông lệ tốt điều tra án tham nhũng.

Phát biểu tại Hội thảo ông Lê Đức Tuyến, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam đánh giá “Trong những năm qua, tội phạm tham nhũng và rửa tiền ngày càng có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại, làm mất ổn định, đe dọa sự phát triển lành mạnh trong khu vực trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc gia…”

Ông Lê Đức Tuyến, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại Hội thảo tập huấn.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm trên toàn thế giới đã mất khoảng 1.000 tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được “rửa” qua nhiều kênh. Chống tội phạm tài chính nói chung, rửa tiền nói riêng đòi hỏi sự tham gia, nỗ lực của mọi quốc gia nhằm đấu tranh triệt để với loại tội phạm này trên phạm vi toàn cầu.

“Vì vậy, hợp tác quốc tế về điều tra tài chính, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi rửa tiền, tham nhũng là đòi hỏi tất yếu và cấp thiết. Hội thảo tập huấn này là cơ hội tốt để 5 quốc gia trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng điều tra và đưa ra những sáng kiến ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa từ loại tội phạm này, tăng cường hợp tác tư pháp về hình sự giữa các nước góp phần điều tra hiệu quả các vụ án, đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực nói chung cũng như sự ổn định của mỗi quốc gia nói riêng”, ông Lê Đức Tuyến nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ngài Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: “Tham nhũng đã được công nhận là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trên toàn cầu; nó ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như đối với công lý. Tham nhũng làm suy yếu lòng tin của người dân về hành chính công, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Ở khu vực sông Mê-kông, tham nhũng cũng tạo điều kiện cho các tội ác khác ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân và về cơ hội để đạt được sự phát triển bền vững, tôi đề cập đến các vấn đề như buôn bán người, buôn bán ma túy và buôn người, khai thác và tiêu hủy trái phép tài nguyên thiên nhiên bao gồm rừng và động vật hoang dã”.

Do đó “Để đối phó với những thách thức tham nhũng, các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã đàm phán và thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC), công cụ chống tham nhũng duy nhất có tính ràng buộc pháp luật. Cách tiếp cận sâu rộng của Công ước và tính bắt buộc của nhiều điều khoản của Công ước đã làm cho nó trở thành một công cụ độc đáo để phát triển một phản ứng toàn diện cho một vấn đề toàn cầu”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Hơn thế nữa “Sự phối hợp và hợp tác khu vực là cần thiết cho việc phát hiện và truy tố thành công tham nhũng và rửa tiền cũng như phục hồi các tài sản bị đánh cắp. Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam có chung đường biên giới; tội phạm và thu nhập từ tội phạm thường xuyên đi xuyên biên giới khắp khu vực. Nhân chứng hoặc bằng chứng tham nhũng thường được đặt ở nước ngoài, do đó cần thiết cho việc điều tra thành công các vụ tham nhũng mà tất cả các cơ quan thực thi pháp luật khu vực hiểu và áp dụng các công cụ điều phối điều tra trong và ngoài các ranh giới quốc gia”, ngài Đại sứ lưu ý thêm.

Ngài Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh.

Điều phối hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong nước cũng như ngoài nước giữ vai trò rất quan trọng đảm bảo điều tra và xử lý hiệu quả các vụ án tham nhũng. Các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mê-Kông như Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam có chung đường biên giới và các đối tượng là mục tiêu của công tác đấu tranh chống tham nhũng thường di chuyển qua đường biên giới này. Bên cạnh đó, tài sản có được từ hành vi tham nhũng cũng thường xuyên được vận chuyển qua các đường biên giới trong khu vực. Người làm chứng hay bằng chứng của vụ án tham nhũng thường đặt ở các quốc gia khác. Do đó, các cơ quan thực thi pháp luật cần nắm được các cách thức nhằm tăng cường hợp tác khu vực. Tại Hội thảo tập huấn các đại biểu đến từ cơ quan công an, Viện công tố, Đơn vị tình báo tài chính sẽ chia sẻ những thách thức trong hợp tác khu vực và quốc tế trong điều tra và xử lý các vụ tham nhũng và cùng thảo luận biện pháp nhằm vượt qua những thách thức này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Hội thảo tập trung vào những nội dung cụ thể như: Các nguyên tắc đối với điều tra chung và tương trợ tư pháp theo quy định của Công ước Phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc; Chuẩn mực quốc tế và các nguyên tắc trong điều tra án tham nhũng; Hợp tác khu vực;Các công cụ cơ bản trong điều tra tài chính và án tham nhũng; Các kỹ thuật điều tra đặc biệt; Cách thức điều tra các giao dịch đáng ngờ; Mối liên hệ giữa tham nhũng và rửa tiền.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình phòng chống tham nhũng của UNODC do Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Úc đồng tài trợ.

Hội thảo tập huấn sẽ diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/3/2018 tại Hà Nội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo tập huấn về điều tra tham nhũng và Hợp tác khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO