Internet: Cam kết và lời kêu gọi của Thủ tướng

Hà Chính| 25/11/2015 09:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Tự do có nghĩa là phải tự quyết định cái gì là tốt, cái gì là xấu, phải chịu trách nhiệm về hành động của chính mình. Kêu gọi “trách nhiệm công dân” trên môi trường Internet cũng có nghĩa là tin vào sức mạnh của lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp.

Cách đây vài ngày, trong khi cả thế giới bàng hoàng trước vụ khủng bố tại Paris, thì ở Việt Nam có một số người dùng Internet lại “ăn theo”, lập các tài khoản Facebook giả mạo các đối tượng khủng bố, với mục đích mà theo xác định ban đầu của các cơ quan chức năng chỉ là để “câu like”. Chưa hết, một số người dùng Facebook còn khiêu khích tổ chức tiến hành vụ khủng bố tới Việt Nam.

Dường như các đối tượng không nghĩ rằng những trò có thể là “nghịch dại” này của họ có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Dẫn đến, Bộ trưởng Bộ Công an đã phải có điện yêu cầu triển khai nhiều biện pháp, trong đó có nhiệm vụ “tập trung xác minh làm rõ, xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố, bạo lực cực đoan”.

Những lo ngại và biện pháp “phòng xa” từ phía Bộ Công an là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, yêu cầu sử dụng Internet một cách trách nhiệm đã trở nên vô cùng cấp thiết, từ cả những vấn đề liên quan đến đại sự quốc gia cho tới những câu chuyện mang tính cá nhân nhất. Nếu như những lời bêu xấu tưởng chừng vô thưởng, vô phạt trên Facebook từng là lý do của một số vụ tự vẫn tại Việt Nam thời gian qua, thì những hành vi kích động, khiêu khích khủng bố, bạo lực còn có khả năng dẫn tới những hậu quả còn thảm khốc đến chừng nào?

Câu chuyện trên đây chỉ là một ví dụ nóng hổi về những nguy cơ và tác động tiêu cực hiện hữu và rất đa dạng từ Internet, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra trong bài viết nhân Ngày Việt Nam kết nối Internet (19/11/2015) và Ngày toàn cầu Vì Hòa bình và An ninh trên Internet (12/12/2015), bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận.

Trong số những nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet mà Thủ tướng chỉ ra, có loại chủ yếu là cố ý, như đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền, nguy cơ gián điệp mạng hay tấn công các trang mạng. Nhưng có một loại nguy cơ khác mà bất kỳ người sử dụng Internet nào, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tham gia tiếp tay, chỉ cần không để ý, thiếu cẩn trọng hay thiết suy xét. Đó là việc phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm hay thậm chí là gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Nhận thức rõ ràng được những nguy cơ và tác động ấy, song không vì thế mà Việt Nam hạn chế Internet. Ngược lại, cho đến cuối năm 2014, Việt Nam có gần 45 triệu người sử dụng Internet, đạt tỉ lệ trên 49% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới (40,4%) và cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (32,4%). Thực tế ấy không thể có được trong một đất nước hạn chế Internet.

Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường đưa thông tin lên Internet, sử dụng Internet, trong đó có các mạng xã hội như Facebook, như một công cụ đắc lực trong việc cung cấp thông tin tới công chúng và tiếp nhận ý kiến của người dân. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, theo mô hình GrabTaxi, trái với ý kiến ban đầu của nhiều người cho rằng mô hình này là “phi pháp” và có hại.

Những ví dụ như trên cho thấy, trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam đã kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Internet. Như Thủ tướng khẳng định, đây là một điều kiện quan trọng để tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm quyền dân chủ-tự do, quyền con người, quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền tiến bộ - tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng, như một khẳng định khác của Thủ tướng trong bản Thông điệp nổi tiếng đầu năm mới 2014, dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Các quyền dân chủ-tự do trên Internet phải gắn liền với trách nhiệm của công dân.

Trước những nguy cơ và tác động tiêu cực của Internet, bên cạnh cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ công dân, bảo vệ các tổ chức, các công ty, các thương hiệu của Việt Nam và của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên Internet, thì trong bài viết ngày 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng “kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung”.

Cụ thể hơn, Thủ tướng kêu gọi những hành vi cụ thể và thiết thực, như không truyền đưa, phát tán các thông tin độc hại, các thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy; không dùng ngôn ngữ dung tục làm tầm thường hóa con người trong các bài viết, tranh ảnh, hay bình luận, trao đổi trên mạng. Các chuyên gia công nghệ thông tin cần nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho tội phạm công nghệ, không phát tán virus, không tham gia vào các hoạt động tấn công, khủng bố thông tin trên mạng…

Có thể nói đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra một lời kêu gọi như vậy hướng tới cộng đồng những người sử dụng Internet. Rõ ràng, để có một môi trường Internet văn minh, trong sạch và lành mạnh, thì bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, vai trò, sự tự ý thức của mỗi công dân, mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Một lời bình luận, một lượt chia sẻ hay thậm chí một lượt “like” của mỗi công dân mạng có thể tạo nên những hiệu quả và cả hậu quả không lường hết được.

“Đối với con người, không có gì hấp dẫn hơn tự do nhưng cũng không có gì khổ ải hơn”, một văn hào từng viết như vậy. Bởi tự do hành động cũng có nghĩa là phải chịu trách nhiệm về hành động của chính mình, phải tự quyết định cái gì là thiện, là tốt, cái gì là ác, là xấu và từ đó, có hành vi phù hợp.

Tất nhiên, môi trường mạng cũng như môi trường xã hội, không thể có sự trong sạch và tinh khiết tuyệt đối. Nhưng, trách nhiệm công dân trong thế giới thực cũng như trong thế giới ảo không phải là bất khả với tất cả mọi người. Kêu gọi “trách nhiệm công dân” cũng có nghĩa là tin rằng các cư dân của Internet hoàn toàn có đủ khả năng để tự điều chỉnh, tin rằng cộng đồng mạng luôn có giải pháp cho những nguy cơ.

Nói cách khác, là tin vào sức mạnh của lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp, kể cả trong một môi trường khó lường như Internet.

- See more at: http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Internet-Cam-ket-...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Internet: Cam kết và lời kêu gọi của Thủ tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO