1. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nhìn chung, thế hệ trẻ Việt Nam được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một tốt hơn; phần lớn đoàn viên, thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu là do các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, chưa là tấm gương để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Nội dung, hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, lối sống chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng thế hệ trẻ.
2. Trong những năm gần đây khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ; mức độ toàn cầu hóa ngày càng cao, cùng quá trình hội nhập quốc tế, phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là thông tin trên internet tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm lớp trẻ và công tác giáo dục thế hệ trẻ.
Với sự ra đời ồ ạt các sản phẩm truyền thông mới, truyền thông xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội (Social Network) đã tạo ra một làn sóng mới kích thích sự phát triển của kênh truyền thông cộng đồng. Điểm nổi bật của mạng xã hội mà ai cũng nhận thấy đó là tính kết nối và chia sẻ rất mạnh mẽ. Nó phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, giới tính lẫn quốc gia. Những gì bạn làm, bạn nghĩ, cả thế giới có thể chia sẻ với bạn chỉ trong tích tắc.
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đã mang đến cho con người hiện nay, như giúp ích cho công việc, cho việc tìm kiếm thông tin, thiết lập các mối quan hệ cá nhân hay giải trí… Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng xấu tới công việc, mối quan hệ cá nhân và cuộc sống của người sử dụng.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi cách thức vận hành, khai thác hiệu quả ưu thế mạng xã hội để định hướng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên.
Có người cho rằng, internet chẳng qua chỉ là thế giới ảo. Nhưng điều không thể phủ nhận là những gì có trong thế giới thực đều được phản ánh vào internet và những gì không có trong thế giới thực cũng có thể tìm thấy trên internet. Do đó, internet là thế giới ảo mà thực, thực mà ảo.
Đoàn viên, thanh niên phần lớn là những người của thế hệ 8X, 9X, thế hệ của thế kỷ công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Vì thế mà đoàn viên, thanh niên sử internet rất nhiều, rất đa dạng, sử dụng đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên, công chức trẻ….
Theo số liệu thống kê cơ bản về người sử dụng internet tại Việt Nam đầu năm 2015 cho thấy, Việt Nam với dân số hơn 92 triệu người, trong đó có hơn 36 triệu người sử dụng internet; hơn 32 triệu người Việt Nam đang thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm tới gần 36% tổng dân số. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 với gần 30 triệu người dùng ứng dụng Facebook. Thời lượng người dùng trung bình vào các mạng xã hội ở Việt Nam là 2h23 phút.
Về điện thoại, Việt Nam đã có hơn 134 triệu thuê bao điện thoại đăng ký. Tỉ lệ người người dùng sử dụng mạng xã hội trên mobile là 34%. Thời gian trung bình người dùng sử dụng internet trung bình hàng ngày trên thiết bị mobile là 1 giờ 43 phút.
Có thể nói trực tiếp hay gián tiếp, phần lớn người Việt Nam sử dụng mạng lưới của internet. Có điều, chúng ta thu được gì từ mạng lưới ấy hay tự biến mình thành kẻ mắc lưới? Điều đó còn tùy thuộc vào nội lực và bản lĩnh của mỗi người khi gia nhập vào thế giới mạng.
Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên internet, qua báo chí… và đặc biệt là thông qua mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh chóng. Lướt qua mạng xã hội chúng ta có thể dễ dàng đọc được các thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống với các hình thức hấp dẫn sinh động. Những thông tin đó dù phản ánh đúng hay sai về sự việc trong cuộc sống thì nó cũng đều được chia sẻ và lan truyền rất nhanh.
Không thể phủ nhận rằng, truyền thông xã hội có hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực. Tuy nhiên, với mức độ phủ sóng rộng lớn, tốc độ nhanh chóng thì độ xác tín của thông tin lại không cao, thậm chí mang màu sắc chủ quan và cảm tính. Các cá nhân trên mạng Facebook có xu hướng đưa tin hoặc bình luận chủ quan, theo cách nhìn cá nhân của mình, vì vậy hiếm khi có thể coi là một bài báo hoàn chỉnh. Thậm chí, có nhiều người lợi dụng đặc tính này để cố tình đưa tin sai lệch, thiên kiến, vụ lợi hoặc bôi nhọ các cá nhân, tổ chức.
Một sự thật phải nhìn nhận là, ngày càng xuất hiện nhiều các kênh truyền thông xã hội, có thể là vô tình hoặc cố ý, làm nhiễu loạn thông tin. Thực tế này cho thấy, các cơ quan, tổ chức buộc phải có những kênh truyền thông chính thống, cung cấp thêm một nguồn tin để người đọc có thể tự mình kiểm chứng thông tin và có cái nhìn toàn diện hơn về mọi vấn đề xã hội.
3. Đối với vấn đề này, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên trong thời kỳ hiện nay, ngoài việc sử dụng phương tiện thông tin có tính chất truyền thống như công tác tuyên truyền miệng, công tác tuyên truyền giáo dục trên báo chí và qua các hình thức khác. Đoàn Thanh niên phải phát huy thế mạnh của mình, sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông hiện đại, sử dụng mạng xã hội để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức tuân thủ pháp cho đoàn viên, thanh niên.
Truyền thông hiện đại coi trọng tính tương tác hai chiều giữa chủ thể truyền thông và đối tượng công chúng của họ. Đó là đặc trưng nổi bật nhất trong kỷ nguyên công nghệ số và mạng xã hội, nơi mà phương thức tuyên truyền một chiều dần trở nên kém tác dụng. Đây cũng chính là xu thế buộc các cơ quan nói chung đặc biệt là Đoàn Thanh niên thay đổi cách nhìn về truyền thông xã hội, bắt đầu sử dụng các mạng xã hội như một kênh thông tin quan trọng.
Điều đó có nghĩa là, nếu không kịp thời lắng nghe, đón nhận phản hồi, thì các tác động tiêu cực là không tránh khỏi. Đối với Đoàn Thanh niên, qua các kênh đối thoại trực tiếp này, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên và cả những vấn đề đang được nhận thức sai lệch, để có thể đáp ứng hoặc chấn chỉnh thông tin kịp thời.
Ở Việt Nam, Facebook hiện đang là mạng xã hội được ưa chuộng nhất, với hơn 30 triệu tài khoản được kích hoạt, chiếm hơn 75% số người sử dụng internet và bằng khoảng 33% dân số. Điểm đặc biệt đáng lưu ý đối với Facebook là hệ thống này cho phép người dùng bình luận, chia sẻ rộng rãi, không khống chế dung lượng nội dung. Điều này đặc biệt phù hợp với tâm lý của thế hệ trẻ, nhất là đoàn viên, thanh niên.
Hiện nay, sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ. Ngay cả đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (nguyên Bí thư Thứ nhất TW Đoàn) và các đồng chí Ban Bí thư, Ban Thường vụ TW Đoàn đều sử dụng Facebook.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh có chia sẻ: “Trước đây tôi muốn tìm hiểu về một phong trào Đoàn phải đến tận nơi, hoặc phải gọi điện hỏi rất kỹ. Nhưng hiện nay, nếu các đơn vị Đoàn cơ sở đưa lên những hình ảnh, những đoạn video ngắn về tổ chức Đoàn mình, thì tôi hoặc những cán bộ Đoàn khác chưa từng đến thì có thể ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam mà vẫn xem, hình dung được về hoạt động của nơi đó”.
Hiện nay, Trung ương Đoàn rất quan tâm đến việc sử dụng mạng xã hội, để khai thác những tiện ích mạng xã hội. Trong đó, các tỉnh, thành đoàn trên cả nước xây dựng trên Facebook những page gọi là Fanpage, để tuyên truyền, giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong.
Trong đó, các cấp bộ Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông như bộ ảnh, video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình.
Qua sử dụng cho thấy, tiện ích trên Facebook rất lớn, đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ và qua một hình thức rất gần gũi chứ không phải nặng nề… các bạn cảm nhận và đến với tổ chức đoàn một cách tự nhiên.
Cho nên nếu chúng ta sử dụng nó với mục đích tốt, nếu chúng ta biết vận dụng những điều tốt đẹp của mạng xã hội mang lại thì chúng ta hoàn toàn có thể làm những điều rất tốt.
Đơn cử, Fanpage “Chương trình Cơm có thịt” của anh Trần Đăng Tuấn đã có 20 nghìn thành viên trên Facebook. Với cách làm thiện nguyện rộng rãi, sát thực với cuộc sống, đặc biệt là trẻ em vùng cao. Nhưng thông tin, hình ảnh được cập nhật thường xuyên, cụ thể… Đến thời điểm, số tiền quyên góp cho “Chương trình Cơm có thịt” đã đạt con số hàng tỷ đồng. Điều đặc biệt, số tiền quyên góp không chỉ từ Việt Nam mà lan rộng đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới, từ Ô-xtrây-li-a đến Mỹ, Nhật Bản, Nga… Điều đó, có thể cho thấy chúng ta sử dụng nó với mục đích tốt, có thể làm những điều rất tốt, một cách tự nhiên.
Đối với các tổ chức Đoàn Thanh niên, việc sử dụng mạng xã hội cũng với suy nghĩ là làm sao mình kết nối được rộng rãi thanh niên, làm sao để có nhiều thông tin về thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mình hiểu được càng nhiều và tường tận cuộc sống thì mình càng có những suy nghĩ đúng đắn hơn, chín chắn hơn để khi tham gia bàn bạc thảo luận về những đường lối phát triển của Đoàn, sẽ sát thực tiễn hơn.
Tuy nhiên, các kênh thông tin này, muốn trở thành nguồn thông tin tin cậy, được đoàn viên, thanh niên đọc và chia sẻ, thì phải tuân thủ một nguyên tắc của truyền thông hiện đại, đó là tính “minh bạch”. Sự minh bạch ở đây được hiểu là sự sẵn sàng chia sẻ các thông tin cần thiết để người đọc có thể tiếp cận đầy đủ nhất về vấn đề được nêu ra.
Facebook là một tiện ích rất dễ theo dõi. Bây giờ chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính là chúng ta thấy ngay được thông tin trên Facebook. Chúng ta có thể theo dõi được thường xuyên và thấy rằng các hoạt động Đoàn đã được phổ cập được xuống cơ sở rất nhiều.
Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Line… như phương tiện truyền tin, không có lắng nghe hoặc phản hồi, thì sẽ phản tác dụng. Bản chất của các công cụ này là truyền thông tương tác hai chiều. Đối với Facebook, nếu những phản hồi, nhận xét, bình luận của đoàn viên, thanh niên không được các tổ chức Đoàn lắng nghe và đọc, các khuyến nghị của đoàn viên, thanh niên không được giải quyết, thì các kênh truyền thông xã hội sẽ hạn chế tác dụng.
Theo lý thuyết, truyền thông xã hội, nhất thiết phải được hiểu là sự giao tiếp giữa con người với con người, chứ hoàn toàn không phải là công cụ công bố. Về thực tế, đoàn viên, thanh niên cần được cảm nhận thấy người đối thoại với mình thực sự là những thủ lĩnh, những người nắm rất rõ các chính sách, các chương trình. Còn đối với, các thông tin tuyên truyền thì những thông tin đó phải là những thông tin chuẩn xác, do các tổ chức Đoàn thông tin.
Và đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các tổ chức Đoàn Thanh niên và đặc biệt khó khăn đối với các Bí thư Đoàn, bởi thời gian bỏ ra để nuôi dưỡng, phát triển các kênh truyền thông xã hội là rất lớn, lại phải thường xuyên, liên tục tương tác.
Vì vậy, ngoài việc cần phải thực hiện bài bản, hiệu quả, thì cần có một bộ máy nhân sự quản lý các trang thông tin này, với với cách trả lời phù hợp… Nói một cách khác, truyền thông xã hội là một công việc nghiêm túc, chính thống và phức tạp hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều./.