Theo công ty nghiên cứ Cirium, hơn 16.000 máy bay chở khách đang "đắp chiếu", khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu di chuyển sụt giảm và gây tình trạng căng thẳng tài chính chưa từng có đối với ngành hàng không. Việc tìm không gian và điều kiện đỗ phù hợp cho 62% máy bay trên thế giới và bảo trì thường xuyên bất ngờ trở thành những mối ưu tiên cho năm 2020.
Có thể thấy, máy bay không chỉ đơn giản là bị bám bụi và sau đó vẫn có thể được khai thác trở lại. Ngay cả khi đã đậu trên đường băng, các máy bay vẫn thường xuyên được nạp nhiên liệu để giúp chúng không bị rung chuyển khi có gió và đảm bảo các thùng chứa nhiên liệu bôi trơn. CEO của công ty sửa chữa và bảo trì máy bay Air Works - Anand Bhaskar, cho biết: "Không ai nghĩ rằng quá trình bảo trì này cần được thực hiện. Không gian đỗ máy bay là một vấn đề, còn đây là những cơn ác mộng về logistics mà chúng tôi đang nỗ lực để giải quyết."
Mỏi mắt tìm chỗ đỗ
Số lượng máy bay chở khách được khai thác hiện đang ở mức thấp nhất trong 26 năm qua, theo Cirium. Việc quản lý, giám sát với quy mô lưu trữ lớn như vậy là một thách thức đối với một ngành vốn đã rơi vào khủng hoảng, khi các hãng hàng không trên thế giới giảm xuống 0 hoặc gần 0 giờ bay. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã cảnh báo rằng doanh thu từ dịch vụ vận chuyển hành khách có thể giảm hơn 300 tỷ USD trong năm nay và 25 triệu việc làm gặp rủi ro.
Hiện tại, các hãng hàng không đang tìm kiếm địa điểm tại sân bay hoặc cơ sở lưu trữ dài hạn ở những vùng đất khô cằn như khu hẻo lánh ở Australia và sa mạc Mojave ở Mỹ. Tại Sân bay Schiphol – Amsterdam, KLM có hơn 200 máy bay đang đỗ ở các cửa và đường băng, được sắp xếp theo kích cỡ và loại máy bay, đảm bảo có đủ không gian di chuyển nếu cần được bảo trì.
Annemiek Cornielje– quản lý truyền thông của KLM, cho biết: "Sân bay Schiphol đã không còn chỗ, khi có rất nhiều máy bay đỗ trên ở khu vực cửa lên và thậm chí là cả đường băng. Cảnh tượng này thực sự đáng buồn và chưa từng có, tạo ra một thách thức đối với không gian đỗ máy bay. Hơn nữa, Schiphol cũng đang bắt đầu tính phí đỗ máy bay."
Ảnh chụp sân bay Hồng Kông hôm 16/3.
Chi phí đỗ máy bay ở mỗi sân bay đều khác nhau. Ở Ấn Độ, chi phí đỗ 1 máy bay có thể lên tới 1.000 USD/ngày cho máy bay lớn, theo Mark Martin – nhà sáng lập Martin Consulting. Đối với một hãng hàng không có đội bay hơn 250 máy bay phản lực, kể cả khi nhận được chiết khấu cao thì chi phí vẫn lên tới 12,5 triệu USD/6 tháng, chưa kể phí bảo trì.
Trên tạp chí trực tuyến, IATA cho biết họ đã yêu cầu các chính phủ giảm mức phí đỗ máy bay – thường chiếm khoảng 2% doanh thu của sân bay mỗi năm. Cơ quan này cho hay, với tình hình hiện tại, việc giảm bớt phí có thể tạo ra khác biệt lớn đối với một số hãng hàng không.
Qantas cho biết hãng có hơn 200 máy bay đỗ tại các sân bay trên khắp nước Úc. Khí hậu của quốc gia này giúp việc lưu trữ phù hợp hơn, đặc biệt là so với phần lớn các khu vực ở châu Á thường có khí hậu nóng ẩm. Gần khu vực Alice Springs ở Lãnh thổ phía Bắc, Kho Lưu trữ máy bay châu Á Thái Bình Dương (APAS) đang quản lý các máy bay cho Singapore Airlines và Fiji Airways.
Một nửa số máy bay của British Airways, bao gồm 12 máy bay Airbus A380 cỡ siêu lớn, đã đỗ tại Chateauroux (Pháp) để được bảo trì lâu hơn. Tarmac Aerosave – có các kho lưu trữ ở Pháp và Tây Ban Nha, đang nỗ lực xử lý khối lượng đơn đặt chỗ ngày càng lớn, trong khi ComAv cũng chứng kiến nhu cầu tăng vọt đối với Sân bay logistics Nam Carolina.
Hiện tại, các sân bay đông đúc như ở New Delhi – vốn không có chỗ đỗ, một đường băng đã trở thành khu vực lưu trữ tạm thời, như ở Schiphol. Trong khi đó, United Airlines dự kiến sẽ đỗ khoảng 400 máy bay, chủ yếu tại các trung tâm của hãng như Newark và Chicago. Delta Air Lines gửi máy bay tới Pinal Airpark, gần Tucson (Arizona), còn American Airlines đang sử dụng cơ sở bảo trì ở Tulsa (Oklahoma) và những cơ sở khác.
Đội ngũ nhân sự thường xuyên lau dọn, bảo trì
Etihad Airwayscho biết các kỹ sư của họ đang làm việc ngày đêm để duy trì các máy bay đang đỗ, đây là một quá trình bao gồm chạy động cơ, nạp năng lượng cho máy bay, kiểm tra hệ thống kiểm soát bay và che chắn hệ thống cảm biến và động cơ để không bộ phận bên trong không dính cát hoặc bụi. Theo một video của hãng đăng tải trên Twitter, mỗi ca làm việc có khoảng 200 nhân viên, họ lau dọn sạch sẽ các khoang máy bay, từ thay bọc ghế cho cho tới lau chùi thảm.
Các máy bay A380 của British Airways tại Chateauroux, Pháp hôm 7/4.
Trưởng bộ phận điều hành kỹ thuật của Etihad - Gary Byrne, cho biết: "Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như vậy kể từ khi bắt đầu làm việc trong ngành hàng không." Ông nói thêm rằng máy bay là một bộ máy cực kỳ phức tạp, mọi việc không giống như đỗ ô tô."
Ngoài ra, lốp máy bay cũng là bộ phận cần nhiều sự chú ý. Qantas Airways cho biết toàn bộ máy bay từ Boeing 737 cho đến Airbus A380 của họ đều cần phải quay bánh xe, bằng cách kéo trên đường băng hoặc mỗi 1-2 tuần được nâng lên cao để quay thủ công, trong khi đó chất lỏng thuỷ lực được đưa vào thiết bị hạ cánh chống gỉ. Gót hút ẩm silicon lớn cũng được đặt bên trong động cơ để giữ khô ráo, còn tất cả những lỗ hổng bên ngoài đều được che kín, không cho côn trùng hoặc chim làm tổ.
Một thách thức lớn đối với các máy bay đang ngừng hoạt động là các miếng phanh - có thể bị mòn trong vòng 24 giờ, theo Phó chủ tịch của Finnair – Jukka Glader, Mỗi bánh xe của máy bay phản lực cần đến 10 đến 12 thiết bị chống đỡ phía sau các bánh xe để máy bay không di chuyển. Khi có rất nhiều máy bay đang đõ, thì Finnair đã phải đặt mua 500 "thiết bị chống đỡ corona" từ một cửa hàng mộc địa phương.
Tham khảo Bloomberg