Truyền thông

Khoa học công nghệ - điểm tựa để các làng nghề bứt phá

Đỗ Thêu 11:01 08/08/2023

Việc áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất đã mang lại những thay đổi tích cực và mới mẻ cho hệ thống làng nghề Thủ đô, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

anh-38.1.jpg
Các làng nghề ở Hà Nội ứng dụng tiến bộ KHCN vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thích ứng để phát triển

Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Theo Sở Công Thương Hà Nội, với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, cùng các bộ, ngành, nhiều làng nghề trên địa bàn đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị để bứt phá, phát triển, thích ứng với thời đại 4.0.

Điển hình như làng nghề rèn Đa Sỹ (thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội).

Ông Trịnh Quốc Ân, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng chia sẻ: “Trong bất cứ lĩnh vực nào, KHCN luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển. Nhận thức được điều đó, những năm qua, UBND phường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội quận luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân vay vốn, tập trung đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chú trong xây dựng thương hiệu nghề rèn Đa Sỹ. Trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19, nhưng các nghệ nhân, người thợ vẫn duy trì tốt hoạt động làng nghề, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Hay theo các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, trước đây, người dân quen nung sản phẩm gốm từ lò than gây ô nhiễm không khí nặng nề, về đến đầu làng đã thấy ngột ngạt, khó thở, đường xá lúc nào cũng trong tình trạng bẩn thỉu gây mất mỹ quan và sinh ra nhiều bệnh tật về đường hô hấp.

Nhưng từ khi bà con chuyển sang nung gốm bằng lò gas hiện đại đã tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận từ đó cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần so với công nghệ cũ.

Đặc biệt, công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 95 - 98% so với mức từ 60 - 70% như trước kia.

Vì vậy, các hộ sản xuất gốm Bát Tràng sẵn sàng vay vốn ngân hàng hơn 800 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi công nghệ và chỉ sau 3 năm đầu tư, các hộ sản xuất đã có thể thu hồi vốn.

Còn tại làng nghề tăm hương Quảng Nguyên (huyện Ứng Hòa) sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu, đó là "Lò sấy nguyên liệu công nghệ cao bằng hơi nước". Ước tính, công nghệ lò sấy hơi nước giúp tăng hiệu quả kinh tế khoảng 4 triệu đồng/mẻ so với lò sấy thủ công.

Bên cạnh đó, tăm hương được sấy trong lò hơi nước có hình thức đẹp hơn, chất lượng tốt hơn những sản phẩm tăm hương sấy trong lò đốt. Công nghệ này được đưa vào áp dụng giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu đốt lò, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cần có chính sách đặc thù để phát triển làng nghề

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghề và Làng nghề Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi, các làng nghề Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời kỳ nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Các sản phẩm trong nước phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nước trong khu vực, chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao. Vì vậy, đòi hỏi các làng nghề phải thường xuyên đầu tư, thay đổi máy móc, ứng dụng KHCN mới để phục vụ sản xuất.

anh-38.2.jpg
Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để hệ thống làng nghề phát triển bền vững.

Do đó, bà Hà Thị Vinh kiến nghị, Hà Nội cần xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn như: Vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế... Đặc biệt, nhanh chóng quy hoạch nhiều cụm công nghiệp làng nghề, cho phép được thuê mặt bằng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ sản xuất để các cơ sở sản xuất có cơ hội thuận lợi phát triển mở rộng quy mô sản xuất.

Trong khi đó, về phía Sở NN&PTNN Hà Nội, đơn vị đã tích cực, thường xuyên tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và xa hơn.

Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Cùng với Sở NN&PTNT, các sở, ngành của thành phố cũng có kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển làng nghề. Theo Sở Du lịch Hà Nội, sở đã đẩy mạnh việc nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề, hệ thống biển chỉ dẫn du lịch và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội để triển khai sâu rộng. Liên minh Hợp tác xã thành phố cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã tại các làng nghề và hỗ trợ vay vốn với hợp tác xã, thành viên hợp tác xã các làng nghề.

Với giải pháp thiết thực từ các sở, ngành, địa phương, hy vọng sẽ tạo thêm động lực giúp các làng nghề Hà Nội vượt qua khó khăn để phát triển, đồng thời bổ sung nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khoa học công nghệ - điểm tựa để các làng nghề bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO