Khu vực Tây nguyên khẩn trương triển khai lộ trình số hóa truyền hình mặt đất

PV| 10/12/2019 10:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Đăk Nông là một tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên, có địa hình phức tạp, dân số xấp xỉ khoảng 640.000 người với gần 50 dân tộc anh em; là địa phương thuộc nhóm 4 của lộ trình số hóa truyền hình mặt đất theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Truyền hình tương tự mặt đất tại tỉnh Đăk Nông sẽ kết thúc và chuyển sang truyền hình mặt đất kỹ thuật số vào thời điểm 31/12/2020.

Theo chương trình công tác của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam, ngày 06/12/2019, tại Đắk Nông, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị tập huấn công tác triển khai số hóa truyền hình mặt đất, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, cán bộ thông tin cơ sở cấp huyện, xã, phóng viên Đài PTTH Đăk Nông và 1 số cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo kinh nghiệm đã triển khai tại các tỉnh, thành phố từ năm 2013 đến nay, truyền thông luôn phải đi trước một bước để đảm bảo thành công của hoạt động số hóa truyền hình mặt đất tại địa phương. Vì vậy, mặc dù còn hơn 1 năm nữa tỉnh Đăk Nông mới đến thời điểm hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất, nhưng công tác tập huấn cho các cán bộ thông tin cơ sở - cầu nối của các cơ quan quản lý đến người dân - đã được triển khai khẩn trương, nghiêm túc.

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu từ các địa bàn cơ sở trên toàn tỉnh Đăk Nông đã được các báo cáo viên cung cấp những thông tin hết sức thiết thực về lợi ích số hóa, hiện trạng triển khai trong nước và trên thế giới, các kỹ năng làm truyền thông cơ sở và đặc biệt là nêu bật vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp số hóa truyền hình mặt đất.

Các đại biểu nghe ông Nguyễn Hồng Tuấn – Thành viên Ban chỉ đạoĐề án Số hóa truyền hình mặt đất trình bày báo cáo tham luận

Tại phiên trao đổi, thảo luận, có gần 20 ý kiến, kiến nghị của các đại biểu xoay quanh một số vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại địa bàn tỉnh Đăk Nông, như: cơ cấu nhân sự quản lý truyền dẫn phát sóng của Đài PTTH tỉnh; vai trò của trạm phát lại truyền hình trong việc duy trì vùng phủ sóng truyền hình mặt đất kỹ thuật số; vấn đề hỗ trợ đầu thu cho người dân, đối tượng được hỗ trợ, phương thức hỗ trợ; giải pháp kết hợp truyền hình số vệ tinh và các vấn đề mang tính địa phương như đặc điểm địa lý, dân trí, tập quán… Ban tổ chức Hội nghị tập huấn đã giành thời gian đáng kể để giải đáp đầy đủ các kiến nghị của các đại biểu.

Đại biểu chăm chú lắng nghe các báo cáo tham luận tại hội nghị.

Đáng chú ý, đối với băn khoăn của đại diện Lãnh đạo Đài PTTH Đăk Nông liên quan đến vấn đề quản lý hệ thống truyền dẫn phát sóng (TDPS), đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã làm rõ một số điểm chính như: “Số hóa truyền hình mặt đất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động TDPS truyền hình của Đài PTTH Đăk Nông. Từ trước đến nay, Đài vừa sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, vừa quản lý hệ thống máy phát sóng phát thanh, phát sóng truyền hình vô tuyến mặt đất công nghệ tương tự. Khi hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất, Đài PTTH Đăk Nông không thực hiện việc quản lý hệ thống TDPS truyền hình nữa, kênh truyền hình của Đăk Nông sẽ được phát sóng trên hệ thống TDPS kỹ thuật số của doanh nghiệp (DN) TDPS có giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Ví dụ như, tại địa bàn tỉnh Đăk Nông, có 02 DN có thể thực hiện việc này, gồm: 01 doanh nghiệp cấp khu vực là Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số Miền Nam - SDTV, 01 doanh nghiệp toàn quốc là Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu - AVG. Ngoài ra, tại tỉnh Đăk Nông, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV cũng có hệ thống TDPS riêng tại tỉnh phục vụ phát sóng các kênh truyền hình do Đài VTV sản xuất. Về mặt kỹ thuật, hệ thống TDPS này có thể thực hiện TDPS kênh truyền hình Đăk Nông trên địa bàn tỉnh”.

Về phương án lựa chọn DN TDPS kênh truyền hình của tỉnh Đăk Nông, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết thêm: “Ở một số tỉnh, khi thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, các Đài PTTH tỉnh có 2 lựa chọn để thực hiện việc TDPS kênh truyền hình của tỉnh. Một là, một số Đài tỉnh trước đây đã có sử dụng chung cơ sở hạ tầng về cột, máy phát sóng, hỗ trợ quản lý phát sóng một số kênh truyền hình của Đài VTV, khi số hóa truyền hình mặt đất, các Đài này sẽ tiếp tục dùng chung hệ thống TDPS số của Đài VTV để truyền dẫn kênh truyền hình của tỉnh. Hoạt động hợp tác này được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa Đài tỉnh và Đài VTV. Hai là, các Đài tỉnh thực hiện thuê DN TDPS. Theo đó, Đài tỉnh căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật TDPS để xây dựng dự toán thuê TDPS kênh truyền hình của Đài tỉnh và thực hiện thủ tục chọn đơn vị TDPS theo quy định hiện hành”.

Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử lưu ý thêm, ngoài việc có giải pháp thích ứng với thay đổi về quản lý phát sóng cho kênh truyền hình, Đài PTTH Đăk nông cần đặc biệt quan tâm quản lý tốt hệ thống trang thiết bị sản xuất chương trình và phát sóng phát thanh tại tỉnh. Cho đến thời điểm hiện nay, Đài PTTH Đăk nông vẫn là đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất các chương trình phát thanh và quản lý hệ thống TDPS phát thanh trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam và Sở Thông tin và truyền thông Đăk Nông hướng dẫn và giải đáp kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị tập huấn đã trang bị cho các phóng viên báo, đài địa phương, các cán bộ thông tin cơ sở những kiến thức tổng quan về lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất cũng như lợi ích của việc số hóa truyền hình. Trong cả năm 2020, mỗi cán bộ thông tin cơ sở tại tỉnh Đăk Nông sẽ là một kênh thông tin, tuyên truyền trực tiếp, hiệu quả đến người dân, hộ gia đình về chủ trương số hóa truyền hình của Chính phủ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cán bộ quản lý tại địa phương trong quá trình triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất.

Đến hết tháng 10/2019, trên toàn quốc đã có 36 tỉnh, thành phố hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất; 12 tỉnh, thành phố hoàn thành tắt sóng các máy phát truyền hình tương tự trạm chính tại trung tâm tỉnh, thành phố; hơn 1,4 triệu đầu thu truyền hình mặt đất kỹ thuật số đã được hỗ trợ cho các hộ nghèo; trên 65% dân số cả nước đã được tiếp cận truyền hình số.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Tây nguyên khẩn trương triển khai lộ trình số hóa truyền hình mặt đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO