Khuyến cáo việc sử dụng Chứng thư số của tổ chức không được cấp phép
Khi cá nhân và các tổ chức, đơn vị tích cực sử dụng các dịch vụ chứng thư số trên môi trường mạng có kết nối Internet chính là một xu hướng phù hợp với sự phát triển của xã hội số hiện nay.
Tuy nhiên, để tăng hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị khi sử dụng các dịch vụ này, thời gian qua, các quan quản lý nhà nước đã luôn tích cực hoàn thiện, xây dựng, ban hành, chính sách, còn đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ cho hoạt động lĩnh vực này
Thời gian gần đây, qua theo dõi, giám sát, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT cho biết, Công ty CP Công nghệ VINCA (VINCA), mặc dù chưa được Bộ TT&TT cấp giấy phép để hoạt động, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng, thế nhưng đơn vị này đang tự ý thực hiện, làm sai các quy định pháp luật về giao dịch điện tử (GDĐT).
Đặc biệt, hiện nay, VINCA đang thực hiện cung cấp các dịch vụ về nghiệp vụ chứng thực trong thuế điện tử, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử và hóa đơn điện tử…
Việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ chưa được cấp phép tiềm ẩn nhiều rủi ro thiệt hại về mặt vật chất và pháp lý. Do đó, NEAC khuyến cáo: "Các cá nhân, tổ chức lưu ý, thận trọng khi lựa chọn sử dụng dịch vụ chứng thực CKS công cộng, tránh sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) chưa được cấp phép để hạn chế tối đa các nguy cơ rủi ro có thể gặp phải”.
Cũng theo NEAC, hiện nay, việc cá nhân hoặc tổ chức khi sử dụng dịch vụ này, các lợi ích mang lại là to lớn, bởi công nghệ đảm bảo an toàn tuyệt đối các dữ liệu, đồng thời, xác định tính pháp lý của tài liệu điện tử.
Việc sử dụng CKS trong GDĐT được coi là cơ sở để khẳng định giá trị pháp lý của những văn bản điện tử có giá trị tương đương với tài liệu giấy. Vì thế, CKS được đánh giá là phương thức duy nhất để xác định tính pháp lý của văn bản điện tử hiện nay. “Vì vậy, cá nhân hay doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ này, cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng loại CKS và nhà cung cấp CKS có năng lực, được các cơ quan pháp luật cấp phép, đảm bảo mọi lợi ích trong trường hợp có phát sinh xảy ra…”, NEAC nhấn mạnh.
Thông tin thêm về quy định pháp luật đối với dịch vụ này, NEAC cho biết, hiện nay, theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ, dịch vụ chứng thực CKS công cộng là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Để được kinh doanh, DN phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 13 của Nghị định này và được Bộ TT&TT thẩm định, cấp phép. Và tính đến thời điểm hiện tại, có 25 tổ chức, DN được cấp phép cung cấp dịch vụ này và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của NEAC tại địa chỉ https://neac.gov.vn/vi/ca-cong-cong/./.