Lãi “khủng” nhờ buôn phụ kiện “nhái”

04/11/2015 07:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngược lại với cảnh đìu hiu của chợ iPhone, iPad đang mùa kinh tế suy thoái thì các phụ kiện ăn theo sản phẩm này vẫn “bán đắt như tôm tươi” giúp dân buôn thu lãi hàng chục triệu.

Vốn ít, lời nhiều hơn... bán điện thoại

Chị Thuý Anh, chủ một shop phụ kiện iPhone hồ hởi cho biết: "Một cái iPhone 4S 16GB quốc tế nhập Hong Kong về cũng đã hơn 13 triệu. Bán ra sau khi trừ các chi phí cửa hàng, vận chuyển thì chắc chỉ lãi được 300-400 ngàn đồng/máy. Trong khi đó, bán một miếng dán màn hình iPhone 100 ngàn thì đã lãi hơn nửa rồi".

Cũng theo chủ cửa hàng này, từ đầu tháng 6 tới nay, thị trường phần cứng Apple khá ảm đạm. iPhone 4S, New iPad đều đứng giá ở mức sàn nhưng sức mua thì rất kém, khiến gần như không có đột biến ở lượng hàng xuất, nhập. Tuy nhiên, thị phần phụ kiện thì ngược lại. Các mặt hàng phụ kiện Apple chủ lực như miếng dán màn hình hai mặt, bao viền bumper hay các loại miếng ốp vẫn bán rất chạy cũng như tính đa dạng cao.

Anh Quang Hải, đầu nậu chuyên doanh phụ kiện cho biết: "Phụ kiện cao cấp thì có Capdase, ROCK, OtterBox, VIVA... nhưng mức giá thì thường từ 500 ngàn lên đến cả 2 triệu một bộ phụ kiện ốp. Trong khi đó, giá mỗi bộ phụ kiện không thương hiệu, xuất xứ từ Trung Quốc thì lại chỉ từ 100 đến 300 ngàn đồngvà quan trọng nhất là mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, dễ mua. Chính vì thế, mặt hàng này bán rất chạy, cả bán buôn lẫn bán lẻ. Có ngày tôi mua về 200 bộ vỏ ốp lưng và bán hết trong một buổi chiều, trung bình mỗi bộ lãi 80 ngàn nên lãi gần chục triệu".

Giá của các phụ kiện ốp lưng, dán màn hình hay bao đựng “nhái” dao động từ 100 đến 400 ngàn đối với iPhone và 200 đến 700 ngàn với iPad được xem là mức giá hợp lý. Chị Hồng Hạnh, khách hàng vừa mua bao đựng iPad cho biết: “Tại cửa hàng shop Apple trên Hàng Bài, giá một bao đựng thường hơn 1 triệu trong khi tôi mua ở đây chỉ 500 ngàn mà nhiều màu hơn. Đành rằng là chất liệu không xịn bằng và hơi nặng, nhưng dù sao cũng rẻ hơn khá nhiều và mẫu mã, màu mè hợp mắt hơn hàng xịn”.

Không chỉ dừng lại ở phụ kiện trang trí và bảo vệ, nhiều loại tai nghe nhái cũng được các dân buôn nhập về phân phối và bán phá giá thị trường với đủ chủng loại khác nhau.

Được phân phối nhiều nhất là tai nghe fake của Beats – thương hiệu vốn đang khá được ưa chuộng trong giới khách hàng trẻ. Với mức giá chỉ từ hơn 100 ngàn tới 4 triệu đồng/bộ tai nghe, các loại Beats nhái là mặt hàng tiêu thụ chủ lực của giới dân buôn.

Duy Anh, dân buôn online tai nghe Beats fake cho biết: “Trước đây thì có Sennheiser nhưng bây giờ dân tình chuộng Beats hơn anh ạ, mặc dù thì chất âm vẫn thế, có khi cùng 1 nhà máy nhái sản xuất. Trung bình chỉ khoảng 200-300 ngàn/tai là nghe được, cao cấp hơn thì trên 1 triệu loại chụp tai, đảm bảo giống 99.99%”.

Giá nhập các loại tai nghe nhái thường rất thấp, nhưng khi đưa về Việt Nam thì cứ thuận… “gà” mà chém. Với những dòng tai nghe in-ear cơ bản thì hầu như mức giá không chênh lệch nhiều so với tai xịn nhưng với các dòng headphone, giá một bộ Beats Studio nhái có thể chênh gần 5 triệu so với hàng xịn và điều đáng nói là hình thức từ bao bì, vỏ hộp không mấy khác biệt.

Chính vì không có mức giá chung cho các dòng tai nghe fake loại 1, loại 2 này nên các chủ hàng nhái bán ra với mức giá… tuỳ tâm, gặp người quen thì bán sát giá, gặp người lạ thì tâng lên, thậm chí còn lừa đó là hàng xịn và số tiền lãi thu lại hàng ngày vài triệu là bình thường.

Nhập nhằng chất lượng phụ kiện nhái

Phần đông khách hàng khi mua các phụ kiện nhái loại này thường đã xác định sẵn tâm lý về độ bền và chất lượng hư hao qua quá trình sử dụng. Ngoài ra, các chế độ về bảo hành cũng như đổi trả theo cam kết cũng là một vấn đề khá nhiêu khê mà không phải người bán nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh.

Anh Trần Thuỷ, khách hàng mua tai nghe Beats in-ear than thở: “Mua về được vài ngày thì tai rớt đằng tai, doăng rớt đằng doăng, chán chẳng buồn dùng”.

Bi đát hơn, chị Minh Hằng, chơi sang mua hẳn tai nghe Beats dòng Studio với giá gần 3 triệu đồng mà người bán luôn mồm khẳng định hàng xịn, giá rẻ do xách tay về. Nghe thử thì âm thanh lồm bộp tiếng bass, chủ hàng thanh minh ra vẻ kiểu hiểu biết: “Chị phải burn-in bằng cách cắm vào máy phát nhạc liên tục trong 50 tiếng là âm sẽ trong, màng loa sẽ thông, như xe máy chạy rốt đa ấy, lúc ấy nghe đã tai”.

Vậy mà burn-in gần 100 tiếng, âm thanh vẫn lụp bụp tạp âm khi nghe, chị Hằng đem lại cửa hàng đòi bảo hành thì chủ hàng phán 1 câu xanh rờn: “Hàng chị mua test kỹ rồi, mở niêm phong hộp, giờ em chỉ nhận gửi bảo hành sang hãng thôi chứ không đổi mới cho chị được”.

Không ngậm quả đắng như chị Hằng nhưng anh Hùng, khách mua vỏ bao đựng iPad cũng từ bỏ ý định mua bao nhái vì sau một thời gian sử dụng, vỏ bao tuột hết đường chỉ, lớp keo dán ở các mép tróc ra, dính cả vào màn hình máy, phải dùng xăng tẩy mới hết.

Tuy nhiên, theo anh Tiến Dương, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực phân phối sản phẩm Apple và phụ kiện cho biết: “Hàng phụ kiện giá rẻ thì cũng nhiều loại và người mua phải chấp nhận chất lượng tương đồng với giá thành. Tuy nhiên cũng nhiều cửa hàng làm ăn bất chính bằng cách trộn hàng để bán tâng giá nên phát sinh các sự cố về lỗi, hỏng mà không thể bảo hành cho khách”.

Cũng có một số ít khách hàng như anh Anh Tuấn, nhà ở Bà Triệu thì vô tư: “Rẻ mà, mua chục cái vỏ iPhone dùng dần mỗi ngày 1 mầu, bằng tiền 1 cái vỏ xịn của Moshi, Capdase nhưng lại thoải mái quăng quật”.

Mai Anh

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lãi “khủng” nhờ buôn phụ kiện “nhái”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO