Loạn giá cước viễn thông di động 3G

26/10/2015 19:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Phiền lòng vì chất lượng chập chờn của dịch vụ viễn thông di động 3G, nhiều người dùng di động còn nghi ngờ các nhà mạng sử dụng “bẫy” cước phí để móc túi khách hàng. Nhiều trường hợp người sử dụng bỗng dưng bị “dính” các dịch vụ đăng ký tự động, mất tiền oan trong thời gian dài mà không hay biết.

Việc buông lỏng quản lý dịch vụ 3G đang tạo kẽ hở cho các nhà mạng tính cước viễn thông thiếu minh bạch, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Không dùng vẫn mất tiền

Gọi điện bàn việc làm ăn với một đối tác quan trọng, anh H, trú tại Hà Đông (Hà Nội) mới giật mình nhận ra, thuê bao di động số 0983.202.xxx của mình đã bị nhà mạng Viettel cắt dịch vụ. Liên hệ với tổng đài Viettel, cô nhân viên cho anh biết, do sử dụng quá định mức một triệu đồng/tháng, thuê bao của anh bị khóa chiều gọi đi, nếu muốn sử dụng trở lại, anh phải nạp tối thiểu 100 nghìn đồng vào tài khoản. Bực mình vì “sự cố” ngoài ý muốn này (anh H không hề đăng ký định mức), nhưng cần liên lạc gấp cho nên anh đành nạp tiền theo hướng dẫn. Tuy nhiên, kể cả khi đã nạp tiền, chỉ vài giờ sau, thuê bao của anh tiếp tục bị khóa. “Lúc ấy đêm khuya, muốn mua thẻ nạp thêm cũng không được”, anh H bức xúc kể. Đến Trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel, anh H mới được biết, gói cước 3G Mimax không giới hạn anh vẫn đăng ký hằng tháng không hiểu sao lại bị hủy từ 5 tháng trước. Anh đang sử dụng dịch vụ 3G với giá hơn 1.500 đồng/Mb, khiến cước 3G tháng 9 bị đội lên hơn 700 nghìn đồng. Theo anh H, công việc của anh rất cần sử dụng mạng in-tơ-nét cho nên anh không hủy dịch vụ và bản thân cũng không biết cách làm. “Không ai dại gì hủy gói dịch vụ tiết kiệm để đổi lấy mức chi phí đắt gấp hơn mười lần, nhưng nhà mạng vẫn khăng khăng là tôi tự gửi tin để hủy gói Mimax, trên hệ thống có lưu lại. Họ cố tình giải thích như vậy nên tôi đành chịu” – anh H khẳng định. Không chỉ vậy, khi xem bảng tính cước, anh H phát hiện mình còn phải trả thêm 20 nghìn đồng/tháng cho loại cước có tên là “dịch vụ khác”. Hỏi ra mới biết, thuê bao của anh đã được đăng ký dịch vụ Avideo của Viettel với cước phí năm nghìn đồng/tuần. “Nhà mạng cứ tự động đăng ký mà không hề xin phép hay thông báo cho chủ thuê bao, còn tôi tuy không dùng dịch vụ vẫn phải trả tiền hằng tháng mà chẳng hay biết. Khi thắc mắc thì họ đổ lỗi cho khách hàng", anh H nói.

Không riêng gì anh H, chị Hoàng Xuân, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng rất bức xúc về cách “chặt chém” cước của nhà mạng: “Vừa nạp thẻ 100 nghìn đồng, lên mạng kiểm tra thư, quay đi quay lại đã thấy báo mình chỉ còn 70 nghìn đồng, đúng là "bó tay" với cách tính tiền 3G của nhà mạng”. Rõ ràng, ngày càng có nhiều người sử dụng di động phàn nàn về việc các nhà mạng đang thu cước “vô tội vạ”. Nhiều trường hợp còn bị tính cước tăng đột biến đến vài triệu đồng, nhưng khi khiếu nại, nhà mạng có nhiều lý do, chứng cứ để khẳng định họ đúng. Theo các chuyên gia, do chưa có bộ tiêu chuẩn, lại thiếu cơ sở pháp lý nên khó có thể kiểm tra việc tính cước 3G của nhà mạng đúng hay sai. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa đưa ra được một quy trình giám sát, kiểm tra rõ ràng nên các nhà mạng vẫn có thể “ăn gian” cước của khách hàng. TS Ngô Trí Long cho rằng: Nhà mạng “loạn” thu cước là do vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sử dụng 3G. Mỗi hóa đơn cước phí hằng tháng hoàn toàn không được kiểm chứng. Một số tổ chức như Hội Bảo vệ người tiêu dùng hay các cơ quan chức năng mặc dù có kiểm tra nhưng không đưa ra được kết luận; sự bất hợp lý vẫn tồn tại và phần thiệt vẫn do người tiêu dùng gánh chịu.

Cần cơ chế giám sát chuyên biệt

Thực tế, với cách tính cước thiếu minh bạch như hiện nay, số tiền mà các nhà mạng thu của khách hàng rất lớn. Luật sư Trần Minh Sinh (Đoàn Luật sư Hà Nội) khuyến cáo: Người tiêu dùng khi thấy quyền lợi của mình bị nhà mạng xâm phạm nên có phản ánh tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Cục Viễn thông hay Thanh tra thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Trong trường hợp mong muốn được bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng có thể trực tiếp gửi đơn kiện lên tòa án hoặc tiến hành thông qua Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế không mấy người chỉ vì thiệt hại vài trăm nghìn đồng mà sẵn sàng bỏ công sức “đâm đơn” kiện nhà mạng, nên thường tặc lưỡi bỏ qua.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Cách tính cước, dịch vụ viễn thông của các nhà mạng hiện nay thiếu công khai, minh bạch. Cơ quan quản lý cần phải xây dựng được các tiêu chí, quy định để quản lý tốt hơn việc tính lưu lượng cước 3G; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán thường xuyên. TS Ngô Trí Long cũng cho rằng: 3G là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cần có cơ chế quản lý đặc biệt. Để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà mạng loạn thu cước viễn thông di động như hiện nay và để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, cần có một cơ quan kiểm toán chuyên biệt về chi phí và giá cả của các dịch vụ viễn thông. Đơn vị này không chỉ có chuyên môn về kinh tế mà còn phải nắm vững lĩnh vực viễn thông chuyên môn, đồng thời phải hết sức khách quan và trung thực.

Sắp tới, các nhà mạng sẽ đồng loạt triển khai công nghệ viễn thông di động mới 4G, dự kiến có tốc độ lên tới 400 Mb/giây. Vì thế, các cơ quan quản lý cần đưa ra được một cơ chế quản lý, giám sát rõ ràng, tránh tiếp tục tạo kẽ hở cho các nhà mạng loạn thu cước như hiện nay.

Văn Việt/NDĐT

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Loạn giá cước viễn thông di động 3G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO