Luật ATVSLĐ đã 'mở' cho doanh nghiệp?

ĐY| 25/12/2017 17:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 15/12, tại buổi Đối thoại quốc gia ATVSLĐ đã có những ý kiến cho rằng quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) còn làm khó cho DN.

Đối với Điều 14 Luật ATVSLĐ quy định DN được tự huấn luyện nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Theo đó, để thực hiện tốt công tác huấn luyện, DN phải đáp ứng 3 yêu cầu chủ yếu, thứ nhất người huấn luyện phải có chuyên môn, kinh nghiệm về ATVSLĐ, kỹ năng sư phạm. Thứ hai, có tài liệu huấn luyện được biên soạn theo chương trình quy định khung. Thứ ba, phải có cơ sở vật chất, máy, thiết bị phù hợp để người lao động (NLĐ) thực hành các kỹ năng, quy trình làm việc an toàn.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang thực hành tại Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ của trường.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này khắt khe và không khả thi đối với DN. Lại có ý kiến phản ánh quy định điều kiện thực hiện nhiêu khê và rất khó khăn cho DN. Vì thế, DN đề nghị 3 yêu cầu trên chỉ nên áp dụng đối với những ngành sản xuất mà NLĐ có nguy cơ gặp rủi ro cao. Và, để công tác huấn luyện ATVSLĐ đạt chất lượng, người huấn luyện phải có trình độ đại học và 5 năm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn.

Trong khi ấy, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Điều kiện về người huấn luyện ATVSLĐ trong những DN như Canon là rất khó. Bởi số lượng lao động rất đông mà chỉ có một người làm huấn luyện sẽ không thể bảo đảm”. Đại diện cho Hiệp hội này đề nghị nên có sự phân biệt về nội dung huấn luyện đối với từng ngành nghề. Ví dụ, ngành xây dựng, mỏ, dầu khí luôn có rủi ro rình rập, có quy định cụ thể về ATVSLĐ. Các ngành khác, DN được tự lo vì họ hiểu rõ nhất môi trường làm việc ở đơn vị mình.

Lại có ý kiến DN cho rằng thời gian huấn luyện hiện nay quá dài, không phù hợp với thực tế, các DN gặp khó khăn trong việc bố trí NLĐ tham gia huấn luyện. Vì vậy nên thay đổi theo hướng quy định thời gian tối thiểu và thời gian tối đa. Về việc này đại diện Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ không đồng tình, bởi thời gian huấn luyện chỉ bằng 1/4 đến 1/2 các nước trong khu vực, thế giới và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh ở Việt Nam. Trong luật đã quy định thời gian huấn luyện tối thiểu cho từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, không thể quy định thời gian tối đa, mà do DN tự quyết định phù hợp với yêu cầu sản xuất và quy trình công nghệ.

DN cũng có ý kiến phản ánh việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho lao động trong ngành Xây dựng phải đủ về số lượng và thời gian sẽ rất khó khăn. Bởi hiện nay, số người làm trong ngành nay chiếm khoảng 10% tổng số lao động cả nước. Trong đó, lao động trực tiếp thi công xây dựng công trình thuộc công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ là đa số, chiếm tỉ lệ khá cao. Mặt khác, NLĐ ở công trường xây dựng thay đổi liên tục theo tuần, tháng. Tuy nhiên, ông Hà Tất Thắng phản hồi, việc huấn luyện phải được thực hiện trước khi giao việc cho NLĐ để đảm bảo yêu cầu về an toàn cho bản thân họ, bất kể do đặc điểm lao động ngành xây dựng thường xuyên thay đổi. “Đến nay, cả nước có khoảng 400 đơn vị tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, đủ đáp ứng nhu cầu huấn luyện của các DN nên các DN không gặp trở ngại về việc này”, ông Thắng khẳng định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật ATVSLĐ đã 'mở' cho doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO