Ở thời điểm hiện tại, khi toàn bộ các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc ở nhà, đa phần mọi giao tiếp giữa đồng nghiệp với nhau được tiến hành trực tuyến, thông qua ứng dụng gọi điện. Việc giao tiếp trực tuyến vốn có nhiều lợi điểm, giúp nhân viên công sở có thể trao đổi công việc với nhau mà không cần gặp mặt trực tiếp, tiết kiệm được thời gian cũng như đảm bảo yếu tố giãn cách xã hội theo chỉ thị của nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi điểm, việc giao tiếp thông ứng dụng cũng ẩn chứa vô vàn những nguy cơ tiềm tàng đến từ sự không hiểu ý, câu chữ không diễn tả được hết thông điệp mà người nói muốn truyền tải, cảm xúc không được thể hiện một cách trọn vẹn thông qua và dòng tin nhắn…
Những vấn đề này gây ra không ít những bất lợi cũng như hiểu lầm giữa những người đồng nghiệp với nhau, từ đó khiến những rắc rối có dịp nảy sinh hoặc thậm chí trầm trọng hơn chính là những mâu thuẫn, rạn nứt trong mối quan hệ.
Cho nên, để có thể giao tiếp trực tuyến tốt hơn với những người đồng nghiệp, dân công sở có thể áp dụng cho mình những quy tắc dưới đây:
1. Căng thẳng là tình trạng chung
Những người nghiên cứu khoa học hay truyền miệng nhau một câu chuyện như thế này: Một ấn bản khoa học, trước khi được xuất bản luôn được gửi đến 3 nhà phê bình ẩn danh. Và theo thường lệ, trong rất nhiều những bình luận tích cực, chúng ta sẽ luôn nhận về những bình luận khắt khe, những ý kiến chỉ trích, những đóng góp rất khó nghe từ 1 trong 3 nhà phê bình đó.
Trong đời sống thực tế cũng vậy, ai cũng đang cố gắng sống cuộc đời của mình và làm tốt phần việc của mình để phát triển. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi tình hình đang rối ren và chúng ta có quá nhiều thứ để lo lắng bên cạnh công việc, sự căng thẳng càng được nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, ai cũng đang cố hoàn thành công việc của bản thân mình một cách tốt nhất.
Cho nên, nếu có mâu thuẫn, hoặc nhận thấy thái độ hơi tiêu cực của đồng nghiệp trong quá trình giao tiếp thì câu chuyện đó vốn có nguyên nhân và chúng ta có thể thông cảm cho nhau được. Những sai sót nếu có cũng có thể bắt nguồn từ những căng thẳng, áp lực của thực tại chứ chẳng phải đồng nghiệp của chúng ta muốn điều đó xảy ra. Do đó, nếu những yêu cầu chưa được hồi đáp, hãy hỏi lại, hãy hiểu cho nhau và trân quý nhau, sánh vai nhau vượt qua mùa dịch bệnh.
2. Đừng “chuyện bé xé ra to”
Ngày thường, dân công sở vốn đã phải đối mặt với vô vàn căng thẳng, trong mùa dịch, những căng thẳng mùa dịch lại có cơ hội leo thang mạnh mẽ hơn. Ở thời điểm hiện tại, khi các doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động leo lét đợi khó khăn qua đi, những nhân viên còn lại buộc phải đảm trách phần việc của những người khác, những phần việc trước kia vốn không thuộc về mình. Điều này dễ khiến những tranh chấp, so bì, bực dọc nổ ra.
Đảm nhận công việc của người khác buộc chúng ta phải có thêm thời gian để thích nghi và việc đặt câu hỏi liên tục để cập nhật tình hình là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đừng cáu giận hay có thái độ tiêu cực khi đồng nghiệp liên tục làm phiền chúng ta bằng những câu hỏi. Hãy dùng thái độ tích cực và nhã nhặn nhất có thể để xử lý tình huống. Và khi mâu thuẫn xảy ra, đừng khiến những căng thẳng có dịp leo thang. Hãy nghĩ rằng, khó khăn là cái chúng và thứ chúng ta cần làm ở thời điểm hiện tại là hỗ trợ nhau hết sức có thể để cùng nhau vượt qua.
3. Chưa rõ thì cần hỏi ngay
Một trong những khó khăn lớn nhất mà dân công sở phải đối mặt khi làm việc trực tuyến đó chính là việc không hiểu hết ý mà đồng nghiệp muốn truyền tải. Bởi lẽ, câu chữ thì không có cảm xúc mà cảm xúc đôi khi lại là yếu tố quyết định thông điệp có được truyền tải trọn vẹn hay không.
Do đó, khi có khúc mắt cũng như những nghi vấn nảy sinh, hãy ngay lập tức làm rõ vấn đề bằng cách hỏi. Hỏi đến khi nào bản thân thật sự rõ và không còn nghi hoặc nữa mới thôi. Có như vậy những thông điệp mới được truyền đi một cách rõ ràng và tiến độ công việc cũng vì thế mà được đẩy mạnh.