Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thường xuyên sử dụng máy tính trong trường học làm cho kết quả học tập giảm sút. Ông Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục của OECD cho biết, công nghệ trong trường học đã đưa ra quá nhiều kỳ vọng giả tạo. Còn theo Tom Bennett, một chuyên gia của chính phủ về ứng xử của học sinh, giáo viên đã bị "lóa mắt" bởi máy tính trường học.
Báo cáo của OECD nghiên cứu tác động của công nghệ trong trường học lên kết quả kiểm tra, đơn cử là bài kiểm tra Pisa, được thực hiện tại hơn 70 quốc gia nhằm đo lường kỹ năng kỹ thuật số. Nhưng kết quả các bài kiểm tra Pisa cho môn đọc, toán hay khoa học đều cho thấy việc đầu tư nhiều vào công nghệ thông tin – truyền thông trong giáo dục không có tiến triển đáng kể.
Ông Schleicher so sánh kết quả này với các hệ thống giáo dục ở Đông Nam Á, nơi thận trọng trong việc sử dụng công nghệ trong lớp học. "Những sinh viên thường xuyên sử dụng máy tính bảng và máy tính có xu hướng làm bài tồi tệ hơn những người sử dụng vừa phải", ông nói.
Ông Schleicher đưa ra cảnh báo học sinh có thể cắt dán câu trả lời từ internet.
Báo cáo cho biết, học sinh sử dụng máy tính thường xuyên ở trường có kết quả học tập tồi tệ hơn. Học sinh sử dụng máy tính vừa phải ở trường, tức khoảng một đến hai lần mỗi tuần, có kết quả học tập tốt hơn một chút so với những sinh viên hiếm khi sử dụng máy tính.
Không có sự cải thiện đáng kể trong các môn đọc, toán hay khoa học ở những nước đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin. Những hệ thống trường học đạt chuẩn ở Hàn Quốc và Thượng Hải (Trung Quốc) có mức độ sử dụng máy tính trong trường học thấp hơn. Singapore, nơi công nghệ trong trường học được sử dụng vừa phải thì học sinh lại đứng đầu trong các kỹ năng kỹ thuật số.
Công nghệ trong trường học không thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Theo các nhà phân tích công nghệ Gartner, mỗi năm thế giới chi tiêu khoảng 17,5 tỷ bảng cho công nghệ giáo dục trong các trường học. Tại Anh, chi tiêu về công nghệ trong các trường học hằng năm hết khoảng 900 triệu bảng.
"Một trong những kết quả đáng thất vọng nhất của báo cáo là khoảng cách phân chia kinh tế - xã hội giữa các học sinh không được thu hẹp bởi công nghệ, thậm chí còn nới rộng hơn," ông Schleicher cho biết.
Ông cho biết việc bảo đảm tất cả các trẻ em học tốt môn đọc và toán là cách hiệu quả để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hơn so với việc bảo đảm quyền truy cập vào các thiết bị hi-tech.
Ông cảnh báo công nghệ trong lớp học có thể gây mất tập trung và dẫn đến việc các em cắt dán câu trả lời từ internet.
Nghiên cứu cho thấy, không có quốc gia nào cho học sinh sử dụng internet thường xuyên trong trường học mà cải thiện được kỹ năng của học sinh cả.
Trong số bảy nước có mức sử dụng internet trong trường học cao nhất, thì có ba nước Australia, New Zealand và Thụy Điển khả năng đọc của học sinh giảm đáng kể, và ba nước khác là Tây Ban Nha, Na Uy và Đan Mạch khả năng đó cũng bị “đình trệ”.
Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng internet trong trường học thấp như Hàn Quốc; Thượng Hải, Hồng Công (Trung Quốc) và Nhật Bản lại có những thí sinh đứng đầu trong các kỳ thi quốc tế.
Tuy nhiên, ông Schleicher cho rằng, không nên sử dụng những kết quả của báo cáo này như một "cái cớ" để không sử dụng công nghệ, nhưng cần tìm cách tiếp cận công nghệ hiệu quả hơn. Ông đưa ra thí dụ, sách giáo khoa kỹ thuật số có thể cập nhật trực tuyến sẽ tốt hơn so với phương pháp truyền thống.
LÂM THẢO
(Theo BBC)