Lần đầu được “làm quen” với Minsk-22
Vào những năm 1960, nước ta bắt đầu xây dựng ngành MTĐT. Khoảng cuối năm 1968, đầu 1969, Liên Xô (cũ) tặng MTĐT Minsk-22 (Электронно-Вычислительной Машине Минск-22) và chở về nước ta theo đường sắt liên vận và “trú ẩn” tránh bom Mỹ tại tầng hầm tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo, UBKHKTNN. Máy Minsk-22 thuộc thế hệ hai, dòng máy tính lớn (Macro Computer), dùng linh kiện bán dẫn, kết hợp kỹ thuật cơ khí chính xác. Những người đầu tiên phụ trách Minsk-22 là GS. Nguyễn Lãm và các kỹ sư của Phòng Toán học Tính toán.
Thời điểm đó, Minsk-22 là một trong những MTĐT hiện đại nhất của Liên Xô và các nước Đông Âu. Diện tích đặt máy khoảng 80m². Hệ thống Minsk-22 gồm một đơn vị trung tâm, dung tích bộ nhớ trong là 4096 ô, mỗi ô có 37 ngăn (Bit), khoảng 19KB, là một ma trận xuyến ferit từ, tốc độ xấp xỉ từ 5 đến 6 ngàn phép tính/giây sử dụng hệ nhị phân, không có hệ điều hành (OS).
Bàn điều khiển Minsk-22 (bên trái là máy đục lỗ, bên phải là hai tủ băng từ)
Thiết bị vào/ra gồm máy đọc/máy đục băng giấy đục lỗ, máy đọc/máy đục bìa giấy đục lỗ và teletip (dạng máy đánh chữ). Thực tế chỉ dùng băng giấy đục lỗ 5 kênh theo mã điện tín quốc tế M-2 để đưa chương trình và số liệu vào máy. Thiết bị đưa ra chủ yếu là máy in khổ hẹp (16 cột), máy in khổ rộng (128 cột). Thiết bị nhớ ngoài là băng từ có dung tích 400 ngàn ô (~15MB), băng giấy (35 ngàn ký tự), hay bìa giấy (vô hạn).
Các tủ linh kiện máy tính Minsk-22
Ngày đó, 14 sinh viên năm ba lớp K19 Toán-Tính đều háo hức, hồi hộp khi được thực hành lập trình trên Minsk-22 trong phòng lạnh ở 39 Trần Hưng Đạo. Bài tập là giải hệ phương trình, tính toán ma trận, tính gần đúng hàm số… của môn “Phương pháp tính”. Sau khi đục lỗ, mỗi người nhận cuộn băng giấy đục lỗ và một mẩu giấy in chương trình, số liệu để kiểm tra.
Đoạn băng giấy đục lỗ 5 kênh mã M-2
Phải thuộc lòng mã M-2 và dò băng giấy trước khi đến phòng máy. Nóng đổ mồ hôi để dò tương ứng các lỗ theo hệ 2 với các chữ số hệ 8 và hệ 2-10 quy ước. Khi phát hiện sai sót, máy đục thiếu lỗ, cán bộ kỹ thuật đục sai, lại phải dùng lưỡi dao cạo (phải là lưỡi CROMA của CHDC Đức, rất hiếm hồi đó) để cố gắng khoét tròn lỗ bị thiếu hay lỗ chưa thủng (đường kính cỡ 1,5 mm), hoặc dán che lỗ lại. Hồi hộp xem kỹ thuật viên lắp giấy vào máy đọc. Chưa kịp định thần thì máy đã đọc xong rồi. Chỉ trong tích tắc, đoạn băng (3 - 5m) đã chạy vèo qua dãy tế bào quang điện. Ngay lập tức trên bảng điều khiển, đèn báo lỗi (Останов) sáng lên, chương trình sai, hoặc do lỗi đục lỗ. Thất vọng, hụt hẫng. Lại phải cuộn vội băng giấy mang về nhà chuẩn bị lại từ đầu. Nhìn nhau, mệt mỏi, nhưng ai cũng rất vui và có vẻ tự hào.
Số hiệu của lệnh | Mã phép tính | Địa chỉ ô chỉ số a | Địa chỉ | Giải thích | ||
Dấu | q | a1 | a2 | |||
Giấy mẫu viết chương trình | ||||||
Minsk-22 đến Đà Nẵng
Có thể những năm 1980-1981, khi Minsk-22 đã trải qua thời kỳ vẻ vang, trở nên cũ kỹ hơn so với máy EC-1022 thế hệ sau đứng bên cạnh, trường ĐHBK Hà Nội đã tặng lại máy tính MinsK-22 cho trường ĐHBK Đà Nẵng. Đến nay, không ai nhớ những ngày tháng đó.
Cuối năm 1981, PGS. Lý Ngọc Sáng, Hiệu trưởng ĐHBK Đà Nẵng và GS. Hà Học Trạc, Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội, gặp nhau và quyết định chuyển Minsk-22 về ĐHBK Đà Nẵng. Khoảng tháng 3/1982, đoàn gồm 5 ô tô “Zin Khơ” 5 tấn chạy ra ĐHBK Hà Nội nhận máy. Anh Huỳnh Đốc, trưởng phòng Thiết bị làm trưởng đoàn (anh đã mất năm 2010), anh Doãn Văn Tân làm quản lý.
Minsk-22 có khoảng 10 tủ sắt và rất nhiều thùng sắt, hòm gỗ đựng máy móc, thiết bị, linh kiện, tài liệu… Một cần cẩu lớn được thuê cẩu từ lầu 2 nhà C1 xuống 5 thùng xe tải. Để giảm xóc và tránh va đập, chúng tôi phải mua mấy xe rơm khô chở từ ngoại thành Hà Nội vào để chèn giữa các tủ, các thùng. Mỗi tủ máy lại được trùm bọc kín một lớp chăn chiên. Dịp đó, Bộ môn Mác-Lênin ĐHBK Hà Nội gửi nhờ xe chở vào Đà Nẵng mấy thùng gỗ lớn chứa sách “Tuyển tập V. I. Lênin” được Liên Xô tặng, bìa cứng, in giấy trắng rất đẹp. Do thiếu chỗ, chúng tôi quyết định tháo các thùng sách ra và chèn vào các chỗ trống trong các tủ máy. Chúng tôi bảo nhau vậy là gặp điều may mắn rồi. Có Lênin trên xe, thế nào cũng thượng lộ bình an trên cả quãng đường gần 800 cây số vào Đà Nẵng. Sáng hôm đó, trời lạnh cóng. Cán bộ, sinh viên ĐHBK Hà Nội tò mò nhìn đoàn xe phủ bạt kín mít chạy lầm lũi qua cổng parabol. Miền Bắc vừa trải qua chiến tranh, bị bom đạn cày xới, phố xá, làng quê đói nghèo xơ xác. Quốc lộ 1 rất hẹp, nhiều đoạn như đường làng, quanh co, khúc khuỷu, đầy ổ voi, ổ gà, nước đọng vũng… Xe đánh võng, gầm rú trên đường xuống phương Nam.
Sau một ngày một đêm, rạng sáng hôm sau Minsk-22 đến Đà Nẵng. Dỡ bạt ra, hầu như các tủ máy đều bị cong vênh, trầy xước. Cửa kính một tủ băng từ bị vỡ. Nhiều linh kiện bị đứt chân, bong tróc cả mối hàn… Phòng Thiết bị lại thuê cần cẩu để cẩu toàn bộ thiết bị, linh kiện lên hai phòng kề nhau ở lầu 1, nằm giữa Khu A, vốn là phòng khách, nay là phòng Truyền thống của trường. Xúm xít, hò hè, nâng, đỡ, kê, bẩy, đẩy qua, vật lại, cuối cùng, cả hệ thống máy móc Minsk-22 cũng vào hết trong phòng. Những ngày sau đó, tôi có cảm giác cả trường đều biết đến sự kiện này với sự tò mò và ngạc nhiên. Phòng Thiết bị vừa phải tu sửa phòng đặt máy vừa đục tường lắp điều hoà (6 điều hoà Westinghouse loại cũ đã sử dụng) và lắp đặt máy. Trừ khi cắt điện, gần như phòng được làm lạnh ngày đêm, suốt tuần. Về sau, vì phòng máy tính tiêu tốn nhiều điện quá, điều hoà lại hư hỏng thường xuyên, nên trường đã đề nghị tắt Minsk-22, chỉ khi nào sử dụng mới cho bật máy lên. Nhờ “thành tích” chuyên chở, lắp đặt, và cũng đúng vào dịp đang diễn ra Đại hội Đảng CSVN lần thứ V ở Hà Nội, chúng tôi vinh dự được trường tặng ngay cho mỗi người một chiếc “Huy hiệu Đại hội Đảng V”.
Mấy ngày sau, trường ĐHBK Hà Nội cử hai cán bộ của TTMT là Trần Quốc Hưng (thầy giáo cũ của tôi) và Lê Minh Tân vào Đà Nẵng để trợ giúp lắp đặt, chạy thử trong hơn 1 tuần trước khi bàn giao chính thức cho trường. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên đến quan sát, thăm hỏi và động viên. Sau khi bàn giao vài tuần, máy lại hỏng. Anh Trần Quốc Hưng lại bay vào Đà Nẵng để hỗ trợ. Khi phát hiện do hỏng bộ nhớ trong (Мозу), ai cũng mừng, vì may mắn là vẫn còn dự trữ một thiết bị nhớ mới tinh. Đó là một ma trận 64×64 xuyến sắt từ, tròn nhỏ cỡ hạt gạo. Xuyên qua nó là 16 sợi dây đồng vàng rất mảnh. Cầm nâng niu thiết bị nhớ trên tay, thấy cả mảng xuyến rung rinh, cứ có cảm giác lo sợ bị đứt dây. Sau đó thì máy cũng chạy được. Khi có Minsk-22 rồi, trường thành lập Bộ môn Máy tính, do anh Huỳnh Đốc làm Tổ trưởng Bộ môn, vừa làm trưởng Phòng Thiết bị.
Sau này, được trang bị nhiều máy tính để bàn mới, và với những tính năng ưu việt của thế hệ máy tính này, hầu hết mọi hoạt động khai thác máy của bộ môn đều chỉ tập trung vào các máy để bàn (đều được lắp đặt cùng chỗ trong phòng Minsk-22). Từ đó trở đi, gần như Minsk-22 bị lãng quên. Năm 1987, tôi đi làm NCS. Cuối năm 1993, tôi về lại bộ môn thì không còn máy Minsk-22 nữa (thanh lý). Nhiều năm sau đó, ở bộ môn (từ 1995 thành Khoa CNTT), vẫn còn 2-3 tủ sắt đã bỏ hết linh kiện bên trong, dùng đựng đồ lặt vặt, đứng chơ chỏng ở góc phòng, chung số phận với các máy Apple IIe.
Năm 2004, tại Hội thảo Quốc gia lần thứ VII “Một số vấn đề chọn lọc của CNTT & Truyền thông" diễn ra tại ĐH Đà Nẵng, GS. Bạch Hưng Khang đã hỏi tôi về máy Minsk-22, nếu còn thì Viện sẽ mua lại. Tôi nghĩ có thể anh Khang hỏi đùa cho vui. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu bây giờ mà vẫn còn hệ thống máy Minsk-22 như ngày nào thì thật là một bảo tàng quý giá về một thế hệ MTĐT dùng bán dẫn. Có thể tìm thấy ở đó thật sống động kiến trúc và nguyên lý Von Neumann phát triển từ mô hình Turing, cấu trúc phần cứng, cơ chế biểu diễn thông tin, sử dụng các thiết bị vào/ra, lập trình bằng ngôn ngữ máy 2 địa chỉ, v.v… Tất cả những kiến thức có được từ hiểu và khai thác Minsk-22 giúp chuyên sâu về Tin học. Ngày nay, với thế giới vi tính đa dạng, hiện đại nhưng cũng nên nhớ rằng, tất cả đều là MTĐT ở thế hệ 4, sử dụng mạch tổ hợp lớn CMOS (Complementary Metal-Oxide-Semi-conductor), hoạt động theo kiến trúc cơ sở và nguyên lý tuần tự Von Neumann.
Phan Huy Khánh
Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng
phkhanh@dut.udn.vn, khanhph29@gmail.com