Trong doanh nghiệp Bưu chính, công tác vận chuyển đường thư được xác định là công tác trọng tâm, giữ vai trò là "mạch máu thông tin liên lạc của Đảng, nhà nước, là hệ thống thần kinh quốc gia“. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và ở đâu, kể cả biên giới, hải đảo... đều phải tổ chức đường thư để hệ thống khai thác bưu điện được hoạt động nhịp nhàng. Chất lượng dịch vụ vận chuyển quyết định phần lớn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bưu chính trên thị trường.
Theo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), hiện nay, mạng đường thư cấp 1 vận chuyển liên tỉnh gồm 53 đường thư chuyên ngành, hàng ngày tổ chức 99 chuyến thư, 22 đường thư máy bay, giao nhận với 7 sân bay trong nước. Mạng đường thư cấp 2 từ tỉnh xuống huyện gồm 362 tuyến đường thư, giao nhận với 1.594 bưu cục. Mạng đường thư cấp 3 từ huyện đến xã gồm 4.540 tuyến đường thư. Như vậy, một bưu gửi liên tỉnh thông thường được trải qua 3 tuyến đường thư cấp 1, 2, 3 mới đến được tay bưu tá để đi phát cho người nhận. Với chỉ tiêu được công bố hiện nay, thời gian toàn trình đối với thư nội tỉnh là J 2, liên tỉnh là J 6 (J là ngày nhận gửi), thời gian phát hành báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân từ Đảng bộ tỉnh xuất bản đến UBND, HĐND xã là 24h. Điều đó cho thấy công tác vận chuyển hết sức khẩn trương và phải đảm bảo an toàn.
Trong khi ngành Bưu chính đang đổi mới từng ngày, từng giờ để cải tiến phương thức hoạt động, phát triển dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ thì đội ngũ giao thông viên cấp 3 vẫn cần mẫn xếp từng lá thư, từng tờ báo, mang bưu gửi từ chuyển phát nhanh đến bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện. vào chiếc túi bạt vắt ngang trên xe, hối hả hòa vào dòng người để đến với các xã vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Công việc thầm lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa cao cả.
Các tuyến đường đi xã hầu hết được đánh giá là khó khăn cho dù đã có nhiều tuyến đường được rải nhựa nhưng còn rất nhiều con đường xuống cấp, lầy lội, quanh co, nhiều đoạn cua tay áo, diện tích mặt đường hẹp, trật tự giao thông trên đường khá lộn xộn. Địa hình đã khó đi như vậy, các nhân viên vận chuyển lại thường phải làm việc trong điều kiện thời tiết thất thường như mưa, nước suối dâng cao làm hỏng cầu, đường. Phương tiện vận chuyển hầu hết là xe máy cá nhân, không ít trường hợp hỏng xe và rủi ro giữa đường... Mặc dù vậy, họ vẫn luôn cố gắng hoàn thành việc chuyển, phát báo, tạp chí đến với người dân trong thời gian sớm nhất. Hầu hết các tuyến đường thư cấp 3 vẫn bảo đảm hành trình ngày 1 chuyến. Tuy nhiên, với các khu vực quá khó khăn thì 1 chuyến phải cần đến 2 ngày.
Dưới đây xin trình bày một số đề xuất đầu tư nâng cấp mạng đường thư cấp 3:
1.Vận chuyển thư, báo chí, bưu phẩm, bưu kiện bảo đảm thời gian, an toàn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành bưu điện. Các Bưu điện tỉnh nên chủ động nâng cao chất lượng vận chuyển, quan tâm rà soát, sắp xếp lại các tuyến, tần suất thu gom, phát. Đồng thời, tổ chức hệ thống bưu cục và tuyến đường thư một cách khoa học; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc xây dựng quy trình, quản lý, khai thác dịch vụ hiệu quả, hiện đại; đặc biệt chú ý đến chất lượng dịch vụ mạng đường thư cấp 3, tăng cường tự kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong quá trình vận chuyển.
2.Mặc dù phương tiện vận chuyển là xe máy cá nhân nhưng cũng nên đề xuất sử dụng cùng loại xe, màu sơn, gắn lô gô để đảm bảo nhận diện thương hiệu và phục vụ khách hàng, giảm thiểu sự cố xảy ra trên đường vận chuyển. Các tuyến đường thư cấp 3được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vật phẩm, đặc biệt ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có như vậy mới bảo đảm rút ngắn thời gian vận chuyển, truyền đưa thông tin kịp thời để thư báo, tạp chí đến với nhân dân trong niềm tin tưởng và cả sự hài lòng.
3.Tăng thêm phụ cấp cho giao thông viên ở các vùng có địa hình đi lại khó khăn, thường xuyên vận chuyển và thu gom khối lượng bưu gửi lớn. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát và có khen thưởng hàng quý, năm cho các nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thường xuyên biểu dương kịp thời những thành tích đột xuất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để động viên, giúp đỡ, hỗ trợ bưu tá. Qua đó khích lệ lòng nhiệt tình, tạo sự gắn bó và nâng cao trách nhiệm cho toàn lực lượng vận chuyển. Gắn nghĩa vụ đảm bảo chất lượng vận chuyển với lợi ích có được từ việc nâng cao hiệu quả lao động là một trong những định hướng phát triển bển vững và giữ chân những người tận tụy với công việc.
4.Bố trí cho nhân viên phát đường thư cấp 3 được học tập nâng cao nghiệp vụ, đạo đức của người cán bộ bưu điện qua các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyển phát, chăm sóc khách hàng, văn hóa doanh nghiệp. Muốn giỏi nghề trước hết phải hiểu nghề và yêu nghề, được qua các khóa đào tạo ngắn hạn các anh mới thấy hết sự lao động vất vả của nhiều người, những bưu phẩm hay báo chí mới đến được tay các anh. Từ đó, công việc các anh làm góp phần vào một quy trình khép kín của một hệ thống lớn lao mà Đảng, Nhà nước và Ngành giao phó. Cũng thông qua các khóa đào tạo mà các anh hiểu thêm về dịch vụ mới và chính các anh cũng là một lực lượng không nhỏ phát triển thị trường, mang dịch vụ bưu điện đến với người dân.
5.Đơn vị có biện pháp hỗ trợ chia chọn, phân hướng thư báo các dịp lễ, tết vì số lượng thư báo nhiều và trọng lượng lớn, đảm bảo giờ xuất hành cho giao thông viên. Hỗ trợ vận chuyển khi có nhiều kiện hàng lớn, địa hình thời tiết khó khăn, khắc nghiệt thông qua tăng cường lực lượng và phương tiện như ô tô chuyên dùng hoặc phương tiện xã hội để đảm bảo lưu thoát hết khối lượng và an toàn cho người vận chuyển. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn giao thông viên thực hiện quy định của pháp luật về bưu chính. Khi có sự cố xảy ra cần phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trong việc quản lý hoạt động bưu chính tại cơ sở để có những biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
(Nguồn www.vnpost.vn)
Trương Thanh Tuân, Nguyễn Thị Bích Hảo