Một số đề xuất về sát hạch, cấp chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT ở Việt Nam (P1)

03/11/2015 20:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Để Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT (gọi tắt là Chuẩn) thực sự đi vào thực tế, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các quy đính liên quan đến việc tổ chức đánh giá trình độ sử dụng CNTT theo Chuẩn, thể hiện ở chứng chỉ công nhận năng lực sử dụng CNTT.

Ngày 11/3/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã ban hành Thông tư03/2014/TT-BTTTT quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin (CNTT), có hiệu lực từ ngày 28/4/2014. Đây là bước quan trọng đầu tiên trong tiến trình thúc đẩy nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT trong toàn xã hội. Để Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT (gọi tắt là Chuẩn) thực sự đi vào thực tế, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các quy đính liên quan đến việc tổ chức đánh giá trình độ sử dụng CNTT theo Chuẩn, thể hiện ở chứng chỉ công nhận năng lực sử dụng CNTT. Tiếp theo bài "Sẽ ban hành Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT vào năm 2014", đăng trên Tạp chí CNTT-TT kỳ 2 tháng 01/2014, bài báo này thảo luận một số nội dung xung quanh bản chất của Chuẩn gắn với việc đề xuất xây dựng các tổ chức quản lý sát hạch, cấp chứng chỉ đạt Chuẩn tại Việt Nam.

PHÂN TÍCH MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA CHUẨN

Chuẩn xác định rõ các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng cụ thể đối với mỗi người sử dụng để có thể ứng dụng CNTT phục vụ cho công việc và bao gồm 2 thành phần: Chuẩn cơ bản gồm 6 mô-đun và Chuẩn nâng cao gồm 9 mô-đun. Chuẩn nâng cao dành cho các đối tượng đã đáp ứng yêu cầu của tất cả 6 mô-đun thuộc Chuẩn cơ bản. Chuẩn được xây dựng đảm bảo tính trung lập, không có các nội dung đặc thù của bất kỳ sản phẩm hay công nghệ cụ thể nào, trong đó lưu ý cả các nội dung về ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM). Các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong mỗi mô đun tương đối phù hợp, vừa đảm bảo tính khái quát nhưng vẫn đảm bảo đủ chi tiết, nội dung mỗi mô-đun trung bình chỉ vào khoảng 4-5 trang A4.

Các mô-đun được phân chia theo mức cơ bản và nâng cao giúp người dùng linh hoạt lựa chọn học và thi theo nhu cầu cụ thể. Ví dụ, khi đánh giá trình độ sử dụng CNTT của cán bộ công chức (CBCC), hoàn toàn có thể sử dụng các mô-đun khác nhau cho CBCC ở các lĩnh vực khác nhau, công việc khác nhau. CBCC ở đơn vị triển khai dự án có thể lựa chọn mô-đun Sử dụng phần mềm dự án, trong khi CBCC làm công tác kế toán có thể lựa chọn mô-đun Sử dụng bảng tính.

Đối với các mô-đun của Chuẩn cơ bản nói chung, mặc dù các yêu cầu không cao nhưng lại khá rộng về kiến thức, kỹ năng, bắt đầu từ những điều hết  sức đơn giản nhưng hữu ích cho hết thảy mọi người sử dụng. Ví dụ, mã IU01.3.1.1 yêu cầu phải biết một số bệnh, tật có thể xảy ra khi làm việc với thiết bị CNTT không đúng cách. Thoạt nhìn, yêu cầu này có vẻ không hợp lý. Thực tế hiện nay, số người sử dụng máy tính ngày càng nhiều nhưng vì thiếu hiểu biết mà nhiều cá nhân (đặc biệt là trẻ em) ngồi nhiều giờ sử dụng máy tính mà không để ý đến tác hại tiềm ẩn có thể xảy ra đối với sức khỏe của bản thân và do đó, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản. Môn tin học hiện đã được đưa vào giảng dạy từ trong các trường phổ thông (cả cơ sở và trung học), đại học/cao đẳng, thậm chí ở một số đô thị lớn, trẻ em đã được làm quen với máy tính từ rất nhỏ. Do đó, so với cách đây hơn 10 năm thì yêu cầu đạt Chuẩn cần phải được nâng lên để vừa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực CNTT vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Để đạt Chuẩn cơ bản phải đáp ứng yêu cầu của tất cả 6 mô-đun là phù hợp và không phải là yêu cầu quá cao, đặc biệt với lớp trẻ. Đối chiếu với Chuẩn cơ bản, nhiều người sử dụng CNTT hiện nay, bao gồm cả CBCC làm việc trong các CQNN, hiện đang không đạt Chuẩn. Đây chính là hậu quả của thực tế không ít người chưa từng học một cách nghiêm túc, bài bản đầy đủ (theo lớp hay tự học) về sử dụng CNTT (ví dụ, soạn thảo văn bản) mà chủ yếu là tự mày mò hoặc hỏi từ những người xung quanh mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, cách làm này chưa chắc đã "chuẩn“, dẫn đến tác hại rất nguy hiểm là cái không "chuẩn“ có thể bị nhân lên từ người này sang người khác.

Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao gồm 9 mô-đun dành cho những người sử dụng tương đối đặc thù trong công việc. Ví dụ, giảng viên, báo cáo viên luôn phải thuyết trình sẽ có nhu cầu cao hơn về sử dụng trình chiếu so với những người sử dụng bình thường khác để nâng cao hiệu quả công việc. Chuẩn nâng cao đã đáp ứng hầu hết các công việc phổ biến trong thực tế.

Để phát huy vai trò của Chuẩn trong thực tế, việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ một cách chặt chẽ, khoa học, phản ánh chính xác trình độ của người sử dụng CNTT cần được cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng cẩn thận, khoa học và khả thi, tốn ít nguồn lực nhất (cả về tài chính và nhân sự trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất sẵn có).

Trên thế giới đã có mô hình Trung tâm sát hạch kỹ sư CNTT JITEC (Japan Information Technology Engineers Examination Center) của Nhật Bản tổ chức trong phạm vi của IPA (rr Promotion Agency) với kỳ thi ITEE (rr Engineers Exam) trên cơ sở chuẩn kỹ năng CNTT (ITSS- rr Skill Standard); Hệ thống sát hạch chứng chỉ ICDL (International Computer Driving Licence) và EUCIP (European Certification of Informatics Professionals) của châu Âu; Tổ chức sát hạch CNTT ITPEC (IT Professionals Examination Council) hoạt động tại 7 quốc gia châu Á; Tổ chức sát hạch Prometric của Mỹ với hơn 10.000 trung tâm đặt tại trên 160 quốc gia; Tổ chức Pearson VUE nổi tiếng với sát hạch điện tử tại 175 quốc gia với hơn 5.100 trung tâm sát hạch.

Trong nước đã có mô hình sát hạch cấp chứng chỉ tin học ABC của Bộ GD&ĐT với các trung tâm Tin học-Ngoại ngữ, hoạt động theo các quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 và Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28/01/2011; Mô hình của VITEC (Bộ KHCN) theo hệ thống sát hạch và cấp chứng chỉ của JTEC trong khuôn khổ hợp tác với IPA; Các trung tâm thi ủy quyền lấy chứng chỉ quốc tế như Cisco, IBM, Microsoft, Oracle, SAP... Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của hệ thống sát hạch CNTT trong và ngoài nước nói trên, ưu nhược điểm của mỗi mô hình, phần tiếp theo đề xuất một số nội dung liên quan đến việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ đạt Chuẩn xung quanh 3 vấn đề cốt lõi là: tổ chức bộ máy sát hạch, xây dựng quy trình sát hạch và quy định về chứng chỉ đạt Chuẩn.

ĐỀ XUẤT TỔ CHỨC CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA QUẢN LÝ, TỔ CHỨC SÁT HẠCH

Cơ cấu tổ chức của các đơn vị tham gia vào việc sát hạch, quản lý và phương pháp tổ chức triển khai là cơ sở quan trọng đảm bảo việc sát hạch được thực hiện khách quan, nghiêm túc, công bằng. Trong đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của 4 đơn vị tham gia chính bao gồm: cơ quan QLNN ở Trung ương (Bộ TTTT), cơ quan QLNN các địa phương (Sở TTTT), các trung tâm sát hạch và Hội đồng ra đề thi quốc gia (Hình 1). Sau đây là nội dung đề xuất chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của Bộ TTTT, Sở TTTT và Trung tâm sát hạch:

a)Bộ TTTT giao trách nhiệm quản lý sát hạch cho  một đơn vị thuộc Bộ với nhiệm vụ:

-Tham mưu việc sửa đổi, cập nhật các chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cho phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn.

-Tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến việc tổ chức sát hạch, cấp chứng chỉ trong phạm vi cả nước, bao gồm: (i) Quy định điều kiện, năng lực của trung tâm sát hạch về cơ sở vật chất và nhân lực (ví dụ: phòng thi, an toàn, vệ sinh, ánh sáng, máy móc, trang thiết bị, máy tính kết nối mạng, website, cơ sở dữ liệu; bộ phận kỹ thuật, số lượng sát hạch viên cơ hữu); (ii) Quy định các nội dung liên quan đến quy chế sát hạch như đề thi, coi thi, giám thị, chấm thi; (iii) Quy định về thời hạn của chứng chỉ.

-Xem xét hồ sơ và phê duyệt danh sách các trung tâm sát hạch đủ điều kiện do các Sở TTTT gửi đến; cấp chứng nhận cho các trung tâm đủ điều kiện hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận đối với các trung tâm không đạt yêu cầu.

-Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sát hạch trên phạm vi cả nước.

-Phê duyệt thời gian tổ chức thi thống nhất trên cả nước, theo quý hoặc tháng, tùy tình hình cụ thể.

Kế hoạch các kỳ sát hạch cần được ban hành từ đầu năm để thí sinh, các đơn vị liên quan có kế hoạch chuẩn bị.

-Thành lập Hội đồng ra đề có sự tham gia của các chuyên gia, ra đề dùng chung trong các kỳ sát hạch để đảm bảo công bằng. Hội đồng có thể xây dựng ngân hàng đề thi dùng cho nhiều năm. Đề thi có thể được gửi qua email có bảo mật đến các Sở TTTT. Sau đó, Sở TTTT chuyển đến Chủ tịch Hội đồng sát hạch của các trung tâm ngay trước kỳ thi.

b)Sở TTTT là cơ quan quản lý tổ chức sát hạch trực tiếp tại địa phương, có nhiệm vụ:

-Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ yêu cầu cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của các trung tâm sát hạch để trình Bộ TTTT phê duyệt.

-Thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất các trung tâm đảm bảo duy trì đúng các điều kiện hoạt động theo quy định. Kiểm tra, giám sát hoạt động sát hạch của các trung tâm.. Đề xuất Bộ TTTT thu hồi giấy chứng nhận của các trung tâm không đạt yêu cầu.

-Điều phối hoạt động giữa các trung tâm sát hạch. Ví dụ, có thể tập trung thí sinh về 1-2 trung tâm để đảm bảo tiết kiệm.

-Phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện dự sát hạch, Hội đồng sát hạch, Hội đồng giám khảo mỗi kỳ thi do các trung tâm trình lên.

-Quản lý và phân phối đề thi tới các Trung tâm theo hướng dẫn của Bộ TTTT.

-Phê duyệt kết quả sát hạch và thực hiện cấp chứng chỉ đạt Chuẩn cho các thí sinh.

-Công bố thông tin về các kỳ sát hạch (ví dụ: thời gian, địa điểm, lệ phí) và các chứng chỉ đã được cấp trên trang tin điện tử của Sở.

-Định kỳ báo cáo Bộ TTTT tình hình sát hạch, cấp chứng chỉ trên địa bàn.

c)Các trung tâm sát hạch là cơ sở trực tiếp thực hiện hoạt động sát hạch, phải được Bộ TTTT cấp chứng nhận đủ điều kiện và nên độc lập với trung tâm đào tạo. Các trung tâm sát hạch có nhiệm vụ, trách nhiệm sau:

-Cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các kỳ sát hạch.

-Hướng dẫn thí sinh đăng ký, tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ đăng ký sát hạch.

-Trình Sở TTTT phê duyệt trước mỗi kỳ sát hạch: danh sách thí sinh đủ điều kiện, hội đồng sát hạch, hội đồng giám khảm, tổ giám sát.

-Trực tiếp tổ chức thí sinh dự sát hạch theo hồ sơ đăng ký, gồm: quản lý đề thi, phát đề, coi thi, lưu trữ bài thi, chấm thi, phúc tra.

-Thông báo kết quả sát hạch rộng rãi trên website của mình và thông báo tới thí sinh.

-Trực tiếp phân phối chứng chỉ do Sở TTTT cấp đến các thí sinh khi đạt.

-Lưu trữ, quản lý hồ sơ dự sát hạch của thí sinh, biên bản thành lập các hội đồng và các tài liệu liên quan đến mỗi kỳ sát hạch.

-Các trung tâm thu phí dự thi, thực hiện chi tiêu theo quy định.

ThS. Tô Hồng Nam

(còn nữa)

(TCTTTT Kỳ 2/4/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Một số đề xuất về sát hạch, cấp chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT ở Việt Nam (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO