Theo đó, danh mục 467 DVC TT mức 3, 4 tỉnh Lâm Đồng năm 2020 và danh mục 148 dịch vụ công (DVC) của Lâm Đồng tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) trong năm nay vừa được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.
Trong danh mục 467 DVC TT mức 3, 4 tỉnh Lâm Đồng năm 2020, có 396 dịch vụ cấp tỉnh, 65 dịch vụ cấp huyện và 6 dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.
Tổng số DVC TT mức 4 sẽ được Lâm Đồng cung cấp trong năm 2020 là 188
Tổng số DVC TT mức 4 sẽ được Lâm Đồng cung cấp trong năm 2020 là 188, trong đó có các dịch vụ: Đề nghị miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; Xét tuyển sinh vào trường PTTH dân tộc nội trú; Đặc cách tốt nghiệp THPT; Công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông do cơ sở nước ngoài cấp; Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) tư nhân; Giải thể DN…
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với danh mục 148 DVC của tỉnh, có 3 TTHC trực tuyến đã được kết nối với Cổng DVCQG, 145 thủ tục dự kiến sẽ được kết nối trong năm nay.
3 TTHC trực tuyến của tỉnh đã được kết nối với Cổng DVCQG gồm: Thông báo thực hiện khuyến mại; Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp; Thủ tục đăng ký khai sinh. Cả 03 DVC TT mức 4 này đều đang được cung cấp trên Cổng DVCQG.
Cũng theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 145 TTHC trực tuyến dự kiến sẽ được kết nối với Cổng DVCQG trong năm 2020, có 14 thủ tục chạy trên hệ thống của các Bộ, ngành trung ương và 131 thủ tục chạy trên hệ thống iGate của tỉnh.
Tái cấu trúc quy trình các DVC TT trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã triển khai tái cấu trúc quy trình các DVC TT trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Đồng thời, thực hiện tích hợp, cung cấp DVC TT trên Cổng DVCQG đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh cũng được chỉ đạo căn cứ danh mục DVC TT được phê duyệt để triển khai vận hành các DVC TT thuộc thẩm quyền đảm bảo: 50% số TTHC trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ; ít nhất 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh của các TTHC mức độ 3, 4.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở TT&TT tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân và DN về dịch vụ công của tỉnh. Trung tâm phục vụ hành chính công có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các đơn vị và định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh.
Năm 2019, công tác ứng dụng CNTT tại địa phương đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2019, trong tổng số 1.975 TTHC, Lâm Đồng đã cung cấp 297 DVC TT mức 4, đạt tỷ lệ 15,04%.
Trước đó, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2019, công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, đối với việc ứng dụng CNTT để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết TTHC. Tại Cổng thông tin điện tử của tỉnh (địa chỉ: https://lamdong.gov.vn) có trang tiếng Anh và tiếng Việt; có 60 trang thành viên của các sở, ban, ngành, địa phương; đã xây dựng chuyên mục công khai thủ tục TTHC, công bố danh sách bộ TTHC, mức độ của từng DVC, các DVC được phân loại theo ngành, lĩnh vực để thuận tiện khai thác, sử dụng.
Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh tích hợp hệ thống một cửa hiện đại và DVC TT của tỉnh. Toàn bộ TTHC của tỉnh được công khai thông tin và kết quả giải quyết tại địa chỉ http://motcua.lamdong.gov.vn.
Hệ thống một cửa điện tử và DVC TT của tỉnh đã triển khai thống nhất đến 20/20 cơ quan cấp tỉnh, 12/12 UBND cấp huyện, 147/147 UBND cấp xã, đã kết nối liên thông, tích hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn) tại chuyên trang "Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của địa phương" từ tháng 12/2015. Đến tháng 9/2019 các đơn vị cấp tỉnh, huyện đã cung cấp 1.892 DVC TT (mức độ 1 và 2: 1.101 dịch vụ, mức độ 3: 524 dịch vụ, mức độ 4: 267 dịch vụ).
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, cùng với các bộ, ngành, địa phương khác trong cả nước, năm 2020, Lâm Đồng cần phải đưa tỷ lệ DVC được cung cấp trực tuyến mức 4 đạt tối thiểu 30%; tỷ lệ DVC TT mức 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các DVC TT đến hết năm 2020 phải tăng gấp đôi so với năm 2019.