Nâng cao truyền thông pháp luật nhằm thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng

P. Thanh - Cục Công tác phía Nam- Bộ TT&TT| 04/12/2015 16:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng 3/12, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức “Hội nghị tập huấn nâng cao công tác truyền thông và nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã tới dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Tham dự còn có các báo cáo viên của Bộ Y tế, đại diện Văn phòng Healthbridge Canada tại Việt Nam; đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài trung ương và địa phương, đại diện một số Sở Thông tin và Truyền thông khu vực phía Nam và sinh viên, cán bộ Đoàn Học viện Công nghệ Bưu chính, Viễn thông cơ sở TP.HCM.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, sau khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã lần lượt ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (2012) và các văn bản hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Để các quy định pháp luật này được đảm bảo thực thi, cần đẩy mạnh và nâng cao công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng cường nhận thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao việc tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông vào hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá thời gian qua; Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế như một số cơ quan báo chí chưa thực sự xem đây là nhiệm vụ của cơ quan mình, nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc; Thậm chí, một số tờ báo còn vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá.

Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Hội nghị nhằm giúp cho mỗi phóng viên, biên tập viên, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cán bộ Đoàn cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích về phòng, chống tác hại thuốc lá, để từ đó có các tác phẩm báo chí nhằm truyền thông sâu sắc hơn, thông điệp lan tỏa mạnh mẽ.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ HealthBridge, trong khói thuốc lá có 7.000 chất hóa học, 70 chất gây ung thư và nhiều chất độc hại khác. Mỗi năm thuốc lá giết khoảng 6 triệu người trên thế giới, trong đó 5 triệu là do sử dụng thuốc lá và khoảng 600.000 do tác hại của hút thuốc thụ động. Riêng Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo đến năm 2030 có thể tăng lên 70.000 người/năm. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, lên đến 15 triệu người, cứ hai nam giới thì có một người hút thuốc; hơn 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hút thuốc thụ động; 47,7% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà; 66,5% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại địa điểm công cộng.

Đối với hoạt động truyền thông, một bộ phận phóng viên còn thiếu hiểu biết đầy đủ về hệ lụy của thuốc lá và thiếu niềm tin vào tính hiệu quả và tính khả thi của một số biện pháp kiểm soát thuốc lá, vì thế phản ánh vấn đề còn mang tính tiêu cực, thiên về ủng hộ tiếng nói của ngành thuốc lá. Nội dung truyền thông không đều đặn, thường theo chiến dịch rồi lại chìm. Một số báo còn vi phạm trong việc đăng tải trực tiếp các chương trình tài trợ của các công ty thuốc lá hoặc đăng tải thông tin tài trợ lồng ghép với nội dung hoạt động ngành thuốc lá, góp phần quảng cáo cho các công ty thuốc lá. Trong năm 2014 có 10 báo vi phạm, năm 2015 có 9 báo có tin bài vi phạm bị phát hiện và nhắc nhở.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao truyền thông pháp luật nhằm thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO