Ngành Hải quan từng bước xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh
“Hải quan số, Hải quan thông minh” là mục tiêu quan trọng Ngành Hải quan từng bước xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới.
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tích cực chuyển đổi số (CĐS) nhằm đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực hải quan.
Ngành Hải quan đã tập trung đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa và luôn là đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng CNTT. Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa hải quan đã có những phát triển vượt bậc, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Ứng dụng CNTT của Ngành đã có những đóng góp quan trọng trong quản lý hải quan và phục vụ đắc lực cho tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam. Việc thực hiện ứng dụng CNTT, số hóa quy trình nghiệp vụ, triển khai hệ thống CNTT mới và chủ động nghiên cứu các công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong từng bài toán nghiệp vụ Hải quan cụ thể như: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), phân tích thông minh (BI), di động (Mobility), chuỗi khối (Blockchain), ảo hóa (Cloud) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Đặc biệt, công tác CĐS được Tổng cục Hải quan thực hiện quyết liệt bằng việc ban hành Kế hoạch CĐS của Tổng cục Hải quan năm 2023 nhằm tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong công tác nghiệp vụ hải quan thông qua việc triển khai xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số. Trong đó, năm 2023, ngành tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Cũng trong năm 2023, Tổng cục Hải quan cũng sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các văn bản pháp lý, đề án và triển khai các giải pháp kỹ thuật tạo nền tảng cho việc CĐS trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và xây dựng và triển khai các nền tảng ban đầu đáp ứng yêu cầu CĐS trong công tác quản trị nội ngành; trong đó tập trung hoàn thành việc rà soát, chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ làm cơ sở cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý nội ngành.
Theo thống kê trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã được triển khai đến 100% chi cục hải quan trên cả nước. Đến thời điểm hiện tại, 100% thủ tục hải quan đã thực hiện điện tử, chiếm 99% kim ngạch xuất nhập khẩu. 65% số lượng tờ khai được hệ thống hải quan phân luồng xanh với thời gian thông quan chỉ 1-3 giây, 30% luồng vàng.
Để tạo thuận lợi cho người dân, DN thực hiện thủ tục hải quan, ngành Hải quan đã chú trọng triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 162/224 DVCTT toàn trình, chiếm 72% tổng số TTHC do cơ quan hải quan thực hiện và 62/224 DVCTT một phần. Trong số 62 DVCTT một phần có 04 TTHC mới và 28 TTHC vừa được sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ và thúc đẩy CĐS của DN và các bên có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình CĐS của ngành Hải quan. Trong đó, đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu với hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan đáp ứng yêu cầu QLNN về hải quan và tạo thuận lợi cho người dân và DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trước xu thế quốc tế, tính tất yếu trong chu trình hiện đại hóa và thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, CĐS và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch CĐS của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022. Trong đó, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số và đặt ra 3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: đẩy mạnh CĐS trong công tác nghiệp vụ hải quan; đẩy mạnh CĐS trong công tác triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan.
Tổng Cục trưởng cũng cho biết thêm Ngành Hải quan đầu tiên là xây dựng mô hình Hải quan thông minh, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý DN, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN thông qua cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực để thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan, trong đó rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ CNTT và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0./.