Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức

Thu Hiền| 18/03/2021 09:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 17/3/2021, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2021. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đã tới dự và chủ trì Hội nghị.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xuất bản vượt qua khó khăn thách thức

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, so với năm 2019, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm.

Tuy vậy nhưng một số nhà xuất bản vượt qua khó khăn, thách thức, có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt như: Nhà xuất bản Tư pháp, Nhà xuất bản Thông tấn, Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Nhà xuất bản Kim Đồng.

Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các nhà xuất bản đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm có nhiều sự kiện lớn, như: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng, như: sách có nội dung đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; sách tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo; sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; sách kỹ năng, dạy nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp.

Đặc biệt, để chung tay đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi bệnh dịch Covid-19, một số nhà xuất bản đã chủ động, tổ chức xuất bản sách cung cấp hệ thống kiến thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng; nêu cao tinh thần đoàn kết, kết nối yêu thương, "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong những ngày chống dịch Covid-19.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh. Năm 2020, số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên thành 9 nhà xuất bản (tăng 50%).

Cơ quan chủ quản cần quan tâm tạo điều kiện để hỗ trợ các nhà xuất bản

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 2.

Ông Lê Mạnh Hùng- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Năm 2021, ngành xuất bản cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh làm sao để xã hội ngày càng có nhiều người đọc sách hơn. Muốn như vậy thì tư duy của cơ quan chủ quản phải đổi mới và thích ứng với quy luật của thị trường để có thể phát hành sách một cách có hiệu quả tới người dân.

Ông Hùng cũng đề nghị cơ quan chủ quản cần quan tâm tạo điều kiện để hỗ trợ các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách phải quan tâm khai thác, bám sát đời sống thực tế, chủ trương của Đảng, Nhà nước, và nhu cầu của người dân để giới thiệu sách đúng đối tượng, hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề nghị với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách đặt hàng. Các nhà xuất bản phải đề nghị cơ quan chủ quản đặt hàng trong lĩnh vực, ngành của mình, giao nhiệm vụ xuất bản cho nhà xuất bản của mình.

Mặt khác, theo ông, các nhà xuất bản phải quan tâm xây dựng cụ thể phương thức hoạt động, kinh doanh, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực. Thông qua thống kê của các đơn vị, ông đánh giá nguồn nhân lực còn rất mỏng.

Một điều quan trọng được ông Hùng nhấn mạnh là các đơn vị phải chú trọng khắc phục tình trạng in lậu, sách có nội dung chưa tốt, thận trọng khi làm sách với các đối tác liên kết.

Cần sự liên kết giữa nhà xuất bản, nhà phát hành, nhà in và đặc biệt là các nhà làm công nghệ

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 3.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo-Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, bày tỏ sự lạc quan trước sự phát triển của ngành xuất bản.

Ông cho rằng trong khó khăn, ngành xuất bản đã có sự bứt phá như thích ứng nhanh hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn. 

Đơn cử như việc triển khai hội sách trực tuyến năm 2020, bước đầu triển khai có thể khó khăn vì ứng dụng công nghệ của các đơn vị quản lý, nhà xuất bản công nghệ rất hạn chế. Nhưng ngành đã thực hiện được, qua đó rút ra bài học đã đến lúc chúng ta cần sự liên kết giữa nhà xuất bản, nhà phát hành, nhà in và đặc biệt là các nhà làm công nghệ.

"Rõ ràng, khó khăn đã là cơ hội. Chưa bao giờ lĩnh vực xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện quá trình tiếp cận độc giả mạnh mẽ đến vậy", thứ trưởng nhấn mạnh.

Bước vào năm 2021, hậu quả của dịch bệnh vẫn còn, diễn biến vẫn khó lường, mục tiêu của ngành xuất bản vẫn là tiếp tục tuyên truyền, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhưng đồng thời cũng triển khai nhiệm vụ rất quan trọng là tuyên truyền hoạt động bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà lĩnh vực xuất bản không thể bỏ qua.

Đi liền với nhiệm vụ đó, ngành xuất bản vẫn phải tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng liên quan đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, mà các nhà xuất bản, phần lớn là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng đồng thời cũng là cơ hội. Việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có đơn vị xuất bản, là cơ hội nhìn lại, đánh giá trong một ngành, địa phương, quy mô nhà xuất bản như thế đã hợp lý chưa. Các nhà xuất bản cần tồn tại hay sáp nhập, đi theo hướng nào, cơ chế ra sao?

Ông cho rằng các nhà xuất bản phải làm tốt nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời cũng xác định lại hướng đi, cách thức, bản sắc, đi liền với đó là phát triển đội ngũ công nghệ.

Một vấn đề khác được đặt ra tại hội nghị là mối quan hệ giữa nhà xuất bản với cơ quan chủ quản. Vai trò của cơ quan chủ quản đối với các nhà xuất bản, theo ông Bảo nhận xét là còn rất hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm.

"Vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta cũng phải nhìn lại từ phía các nhà xuất bản. Nếu các nhà xuất bản tích cực đề xuất, tham mưu, tôi tin các đơn vị chủ quản sẽ tạo điều kiện. Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng là cơ hội để các nhà xuất bản đề xuất cơ chế, mô hình, trách nhiệm của đơn vị chủ quản", ông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị.

Mặt khác, ông cho rằng các nhà xuất bản phải thể hiện được vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường sách theo hướng tích cực, nhân văn, không chỉ trông chờ vào sự định hướng của Đảng, Nhà nước và không thể chạy theo sau thị trường. Xã hội đọc sách gì, tìm sách gì thì phải do các nhà xuất bản định hướng. Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ.

Nhân dịp này, ông Chu Văn Hòa, nguyên Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước. Đồng thời, nhiều đơn vị, cá nhân trong ngành xuất bản đã nhận được bằng khen, cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 4.

Ông Chu Văn Hòa, nguyên Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành đón nhận Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 5.

Các đơn vị nhận cờ thi đua của Bộ TT&TT

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 6.

Các cá nhân nhận bằng khen của Bộ TT&TT

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức - Ảnh 7.

Các đơn vị nhận bằng khen của Bộ TT&TT

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO