Kinh tế

Nguồn nhân lực công nghệ cao nền tảng để Việt Nam hội nhập toàn cầu

PV 13/10/2024 11:08

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Cơ sở đạt mục tiêu 50.000 nhân lực bán dẫn

Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Theo Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt kỷ lục 588,36 tỷ USD và sẽ tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030.

Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc” theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chia sẻ: Việt Nam đang có nhiều lợi thế với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp bán dẫn, trong đó có hơn 40 công ty thiết kế, khoảng 20 doanh nghiệp lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị ngành bán dẫn. Việt Nam có những đối tác lớn về thiết kế bán dẫn với số lượng kỹ sư tham gia lớn. Thị trường bán dẫn toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự tính trở thành nền công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng, quy mô thị trường lớn khiến nhu cầu nhân sự bùng nổ.

picture2(1).jpg
Nhật Bản đang đề xuất phối hợp với Việt Nam và ASEAN đào tạo 100.000 kỹ sư
ngành công nghệ số trong đó có bán dẫn.

Theo WSTS, đến năm 2030 thị trường cần khoảng 1 triệu lao động cho các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Dự báo ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ sẽ thiếu hụt từ 70.000– 90.000 lao động trong những năm tới. Nhật Bản dự đoán trong thập kỷ tới, mỗi năm ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực chất lượng cao từ đó thúc đẩy nhu cầu nhân sự ở một số thị trường hiện nay cũng đang rất lớn.

Được biết Nhật Bản đang đề xuất phối hợp với Việt Nam và ASEAN đào tạo 100.000 kỹ sư ngành công nghệ số trong đó có bán dẫn. Hiện nay các đoàn của Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai.

Tại Đài Loan, ông Đặng Thành Chung, Trưởng bộ phận thị trường Việt Nam FCC Partners và Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á, cho biết vào thời kỳ cao điểm sau Covid-19, thị trường thiếu gần 23.000 người trong các lĩnh vực bán dẫn. Nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, ở Đài Loan, các trường đại học và các đơn vị đang công bố kế hoạch đào tạo, thu hút nhân tài đến từ nước ngoài, đặc biệt là Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới, ngành bán dẫn cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện mới chỉ có khoảng 5.000 người.

Khẳng định Việt Nam đang có cơ hội ngàn năm có một, ông Hoài cho biết tại các hội nghị gần đây, Chính phủ và các chuyên gia đều nhấn mạnh tới cơ hội này. Tuy nhiên, nếu không tận dụng nhanh, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị xúc tiến đầu tư, khu công nghệ cao, Việt Nam sẽ tuột mất cơ hội này trong thời gian tới.

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế nguồn nhân lực với số lượng lớn, tỷ lệ dân số vàng, yêu thích các ngành STEM. Việt Nam hiện có 160 trường chuyên ngành đào tạo kỹ thuật công nghệ và 134.000 sinh viên đầu vào mỗi năm tham gia ngành công nghệ, trong đó có 1.400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành vi mạch bán dẫn hàng năm. Đây là những lợi thế ban đầu về nhân lực cho bán dẫn.

Chính sách trong phát triển nguồn nhân lực

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để thu hút đầu tư, phát triển vi mạch bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu được Việt Nam khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, để đón cơ hội này, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó có phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được coi là một trong những yếu tố then chốt.

Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024.

Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn, trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

picture3.jpg
Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu được Việt Nam
khuyến khích phát triển.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân. Trong đó có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh và đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt tập trung đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Để hiện thực hoá được mục tiêu đề ra quyết định cũng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hợp tác các bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, với một số định hướng chính sách gồm. Các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và các tổ chức có liên quan chủ động bố trí hoặc huy động nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển phòng thí nghiệm bán dẫn bảo đảm phục vụ cho nhu cầu đào tạo, nghiên cứu của đơn vị. Đồng thời ưu tiên học bổng cho người học theo học các chương trình đào tạo tài năng, cho người học chương trình đào tạo về công nghiệp bán dẫn theo quy định của cơ sở giáo dục đại học. Ngoài nguồn ngân sách trung ương, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định còn tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ươm tạo doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực lao động, tài chính và công nghệ bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ sau đại học với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Bên cạnh đó công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Chương trình, của ngành công nghiệp bán dẫn và khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các nội dung của chương trình. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn. Khuyến khích các cơ sở giáo dục của Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, học viên với các cơ sở giáo dục, nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn có uy tín trên thế giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực công nghệ cao nền tảng để Việt Nam hội nhập toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO