Nhà báo, người dân không được dùng thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật?

Vũ Hạnh| 12/04/2017 08:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Dự thảo qui định này của Bộ Công an ngay lập tức nhận được phản hồi dư luận, nhiều ý kiến phản đối cho rằng điều này là vi hiến.

nhung ai khong duoc dung thiet bi ghi hinh ghi am bi mat hinh 1Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định này đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Liên quan nội dung này, ông Phan Hữu Minh- Trưởng Ban Kiểm tra, Uỷ viên Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- cho rằng, đây mới là tham vấn ý kiến, chứ chưa phải văn bản chính thức. Các ý kiến mang tính đóng góp, xây dựng, vì cái chung. Văn bản đang lấy ý kiến liên quan đến việc quản lý, điều tiết việc mua bán mặt hàng, thiết bị ghi âm, ghi hình. Hiện tại, các loại này bán trôi nổi trên thị trường nên cần thiết phải quản lý.

Theo ông Phan Hữu Minh,  báo chí có dự cảm với qui định có liên quan đến mình là “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm”.

Nếu cấm thật thì có ảnh hưởng tới tác nghiệp, điều tra bí mật của phóng viên trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng hay không? Theo ông Minh, từ trước tới nay, báo chí chống tiêu cực, ô nhiễm môi trường, cát tặc… đều bằng biện pháp báo chí và có sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật. Nếu cấm thật thì rất khó khăn cho việc tác nghiệp của nhà báo.

“Ban soạn thảo nên cân nhắc đến hiệu quả, hiệu lực và tính khả thi của Nghị định. Luật Báo chí mới thực hiện được 4 tháng 11 ngày. Luật Báo chí có 6 chương,  61 điều, thì có 13 điều cấm nhà báo làm theo qui định của pháp luật. Thế nhưng trong tất cả các điều cấm ấy không có điều nào nói rằng cấm dùng phương tiện quay phim, ghi hình” – ông Minh phân tích thêm.

Theo quan điểm của ông Minh, Nghị định này có liên quan đến phương tiện tác nghiệp của nhà báo, của phóng viên, của những người làm báo chí trong điều kiện phát triển của CNTT, công nghệ số. Trong điều kiện các phương tiện CNTT phát triển như hiện nay thì tất cả các sản phẩm đều có thể hàm chứa được chức năng ghi âm, ghi hình (kể cả máy điện thoại), thì e rằng việc cấm này không khả thi.  Tuy nhiên, nếu cấm sử dụng nó thì cũng phải tạo điều kiện cho những ngành liên quan trực tiếp có hữu ích cho quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ Đảng, Nhà nước, trong đó có báo chí, thì cần phải có ưu tiên.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo, người dân không được dùng thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO