Nhà công nghệ và nhà báo: Ai đang định hướng thông tin đến độc giả? (P1)

03/11/2015 20:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Bài báo tóm tắt kết quả một nghiên cứu mới đây của NiemanLab [1] về cách xây dựng các ứng dụng tổng hợp tin tức từ công ty công nghệ như Storííy, Zite và Google News... đã cho thấy những điểm giống và khác nhau so với báo chí truyền thống. Từ đó đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ về vai trò của công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí và trách nhiệm đạo đức báo chí của nhà công nghệ.

Thế nào là đạo đức nghề báo trong thiết kế platform (nền tảng kỹ thuật)? Một trong những lý do khiến cho nghiên cứu của Facebook về cảm xúc của người dùng [2]đã gây nên làn sóng phản đối là vì nó đã động chạm đến khía cạnh đạo đức mà chúng ta mong chờ từ những người thiết kế platform. Các nhà báo và nhà thiết kế công nghệ thu thập tin tức ngày càng phát hiện ra rằng họ đang đứng giữa cuộc tranh luận của công chúng muốn có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: "Platform thu thập và mang tin tức đến độc giả nên hoạt động theo cách như thế nào?“

Nhiều người quan tâm đến báo chí đang theo dõi cuộc tranh luận về nghiên cứu thử nghiệm này của Facebook, bởi vì đó là một lĩnh vực mới của vấn đề đạo đức báo chí. Ngày nay, khi công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng mạnh mẽ vào việc thu thập và truyền tin tức đến độc giả, vấn đề trách nhiệm đạo đức báo chí phải do cả hai bên: nhà báo và nhà thiết kế CNTT cùng gánh vác. Các kỹ sư ở Facebook, Twitter, Flipboard, Pulse. và những công ty chuyên tổng hợp nội dung trực tuyến khác đang có một vai trò quan trọng mới trong phương pháp truyền bá nội dung xuất hiện trên màn hình máy tính hay smartphone của độc giả. Chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu một phần trong phương thức mà các thuật toán của những công ty này làm việc như thế nào và vì sao chúng gây ảnh hưởng đến những toan tính của các tòa soạn báo trong cách làm tin tức hiện nay.

Mới đây, NiemanLab [1] đã tiến hành một nghiên cứu đối với các nhà thiết kế ứng dụng đọc tin tức. Khi nhà thiết kế tạo ra một ứng dụng đọc tin tức được cá nhân hóa, họ không chỉ thiết kế phần mềm mà đang tạo ra một platform tham gia vào việc xây dựng nên một ý tưởng về tin tức. Một ứng dụng có thể đưa đến cho độc giả chính xác thể loại nội dung mà họ quan tâm (ví dụ: bóng đá, âm nhạc) hoặc nó có thể gợi ý và hiển thị những nội dung mà thuật toán cho rằng bạn nên đọc. Nếu muốn, độc giả có thể tự thiết kế dịch vụ cá nhân cho mình chỉ xem tin tức tích cực, tránh những thuật ngữ có tính chất tiêu cực. Đó chính là dịch vụ "phòng tin tức thí nghiệm" của Google thực hiện trong giải bóng đá thế giới vừa qua hay tham vọng của CEO Facebook mới tuyên bố trong tháng 11/2014 là muốn tạo ra "tờ báo được cá nhân hóa hoàn hảo cho mọi người trên thế giới" [3].

Trong ngành báo chí truyền thống, các nhà báo phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tòa soạn và đạo đức nghề nghiệp khi lựa chọn viết và đăng tải tin tức tới độc giả. Tương tự vậy, các nhà thiết kế ứng dụng cũng đang tạo ra các lựa chọn ảnh hưởng tới thị hiếu đọc tin tức của độc giả hằng ngày.

Dữ liệu lưu lượng cho thấy, mọi người đang ngày càng đọc nhiều tin tức hơn qua smartphone và máy tính bảng; tin nóng bắt đầu xuất hiện với nội dung phù hợp tùy theo vị trí địa lý của độc giả; các tòa soạn báo trực tuyến đang triển khai chiến lược ưu tiên nhất cho thiết bị di động (mobile-first) để bảo đảm nội dung thông tin và trải nghiệm đọc tin của độc giả được tối ưu trên các thiết bị di động màn hình nhỏ. Những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, các công nghệ di động này không chỉ đáp ứng cho các thiết bị màn hình nhỏ hơn, di động hơn mà còn tạo ra một khái niệm trải nghiệm hấp thụ tin tức kiểu mới "đắm chìm, lan tỏa (immersive, pervasive) và liên tục cập nhật". Ngoài ra, độc giả cũng có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn với dạng tin tức mới "khai phá dữ liệu (data mining) và bị giám sát".

Nhà thiết kế platform di động phải tự đưa ra quyết định xem những yếu tố nào là quan trọng trong việc truyền tải tin tức. Nội dung nào sẽ mang lại giá trị? Trong khi các tòa soạn báo truyền thống đang tự làm ra những ứng dụng đọc tin tức mới của riêng mình thì những công ty khởi nghiệp sản xuất phần mềm thương mại đọc tin tức nhưng họ kế thừa những chuẩn mực và giá trị khác với ngành báo chí truyền thống.

Với cách tiếp cận này, chúng ta dần hiểu được cách các nhà thiết kế ứng dụng này đang "cấu thành" một loại hệ thống đưa tin tạm gọi là "báo chí giới hạn" (liminal press): những con người và hệ thống tồn tại bên ngoài, nhưng song hành cùng các cơ quan báo chí trực tuyến, tạo ra những điều kiện cho tin tức di động đuợc truyền đưa đến độc giả. Để hiểu đuợc các nhà thiết kế công nghệ nhận thức như thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn các lập trình viên, thiết kế viên cao cấp, lãnh đạo của các công ty hàng đầu về thiết kế trải nghiệm tin tức di động gồm: Storify, Zite, Google News, Emporia, AOL Editions, News.Me, Fluent News và Scoopinion. Có 2 câu hỏi chính đuợc nêu ra: (1) định nghĩa của các nhà thiết kế về báo chí như một quy trình và như một nghề nghiệp; (2) các nhà thiết kế tự đánh giá bản thân mình về những điểm giống và khác nhau với lĩnh vực tin tức trực tuyến. Các cuộc phỏng vấn đuợc thực hiện ở Palo Alto, San Francisco, New York, Boston (Mỹ) và Cambridge (Anh). Sau đây là những kết quả chính:

MỐI QUAN HỆ VỚI BÁO CHÍ THEO KHÍA CẠNH NGHỀ NGHIỆP VÀ QUY TRÌNH

Các nhà thiết kế công nghệ nhận ra 4 vấn đề nổi bật trong mối quan hệ giữa công việc của họ với nghề báo:

1) Tổ chức thông tin: Một lãnh đạo cao cấp ở Storify mô tả mục tiêu của công ty là tập trung vào khâu tổ chức thông tin: giúp cho độc giả trích xuất đuợc những gì họ cho là quan trọng và có giá trị lâu dài "từ sự nhiễu loạn của tất cả các mạng xã hội". Một nhà thiết kế hàng đầu của AOL Editions cũng đồng ý với điều này và cho rằng, thách thức chủ yếu mà họ phải giải quyết là vấn đề quá tải thông tin. Các nhà thiết kế không nghĩ rằng họ chỉ làm mỗi việc đơn giản là cung cấp thông tin mà còn hơn thế nữa: hỗ trợ độc giả trở thành "độc giả thông thái" (sense-make): xử lý những nội dung mập mờ, đua ra những lý giải hợp lý và có cảm giác kiểm soát đuợc tình trạng quá tải dữ liệu.

(2)Đáp ứng nhu cầu độc giả:: Một phần của việc tổ chức thông tin là tìm hiểu về độc giả và chỉ truyền tải những nội dung họ muốn nhận. Vi dụ, nhà đồng sáng lập công ty Zite cho biết, những ứng dụng của họ có thể dạy cho các biên tập viên những nội dung gì được xem là tin tức: "Những gì biên tập viên nghĩ là quan trọng đều chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi không bao giờ cho rằng một câu chuyện về Linsay Lohan (diễn viên điện ảnh nổi tiếng các phim dành cho tuổi teen của Holywood, Mỹ) là quan trọng. Tôi không muốn nhìn thấy nội dung này trên bảng tin (newsfeed) của tôi. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, điều này đang làm chuyển đổi báo chí theo hướng dạy cho các phóng viên biết nhiều hơn về những gì mọi người đang quan tâm và họ cần phải viết nội dung nào“. Một nhà quản lý cao cấp của Google News đã nói rằng, sự thành công cho dịch vụ của họ không chỉ từ việc đưa đến cho độc giả những gì họ muốn thấy, mà từ việc "giúp độc giả khám phá những gì họ có thể quan tâm trong tương lai nhưng chưa thể hiện trong xu hướng quan tâm của họ trên các mạng xã hội hiện nay“. Đối với những nhà thiết kế này, việc đáp ứng nhu cầu độc giả không chỉ đơn giản là cung cấp những thông tin họ muốn biết mà phải mang đến những thông tin độc giả sẽ muốn dựa trên hành vi trước đây của độc giả và các mẫu dữ liệu (data pattern) do độc giả tạo ra. Dữ liệu do độc giả tạo ra được đưa vào một mô hình tính toán để xác định xem tin tức nào được xem, thậm chí những dấu hiệu này trái ngược với những gì độc giả yêu cầu hay trái với những đánh giá của các biên tập viên đưa ra.

(3)Thuật toán có minh bạch? Tất cả các nhà  thiết kế trong khảo sát này đều nói rằng họ muốn độc giả biết lý do vì sao họ đưa ra những khuyến nghị về nội dung, trong đó có những cách hiểu khác nhau cho mỗi khuyến nghị. Google News có mục tiêu nhấn mạnh những loại tin tức từ các chuyên gia mà Google News đánh giá có giá trị cao: "Chúng tôi đang bắt đầu sử dụng chú giải về tác giả (authorship) để giúp độc giả biết được ai là tác giả gốc của những nội dung này... nhằm thể hiện được tính chất chuyên gia của nguồn tin. Đó là cách tiếp cận mà chúng tôi rất tin tưởng“. Điều đó không có nghĩa là Google News sẽ nói cho bạn biết thuật toán của họ làm việc như thế nào nhưng thay vào đó, thuật toán này đang chi phối việc đưa những tin tức mà nó đánh giá là mở và rõ ràng.

(4)Khoảng cách với giới báo chí:  Mặc dù tất cả đối tượng trả lời phỏng vấn đều nói họ làm theo những quy tắc thực hành mang tính chuẩn mực của báo chí truyền thống, nhưng nhiều người trong số họ cũng tự tách mình cách xa hoàn toàn với giới báo chí, tuyên bố rằng họ có rất ít hoặc không có quan hệ gì với công việc của ngành báo. Khi được hỏi về những lý tưởng báo chí nào thúc đẩy các nhà thiết kế, một nhà thiết kế cao cấp của AOL trả lời "Tôi không cho rằng, các kỹ sư công nghệ đang làm trong lĩnh vực này đã quen thuộc với các lý tưởng báo chí mà chỉ tiếp cận theo cách lướt qua thôi. Thậm chí ngay cả theo cách này, họ cũng không tin rằng các lý tưởng báo chí là quan trọng. Tôi nghĩ là họ chẳng theo đuổi một lý tưởng báo chí nào cả“. Đồng nghiệp của anh cũng đồng ý: "Bạn biết đấy, tôi đang xây dựng một sản phẩm giải trí. Tôi thậm chí chẳng xem xét đến tất cả những gì mà các nhà báo đang thảo luận“.

Hà Phương

(còn nữa)

(TC TTTT Kỳ 2/12/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà công nghệ và nhà báo: Ai đang định hướng thông tin đến độc giả? (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO