Nhà khuyến học Hoa Cương: sứ mệnh đời người của một nhà giáo

Phượng| 20/11/2022 08:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà khuyến học Hoa Cương được mở tại xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Thầy giáo Nguyễn Quang Cương, người tạo lập công trình, khi ấy đang dạy tại Đại học Quy Nhơn. Ông lập nghiệp ở đó từ khi tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh. Thầy Cương tự nhận làng mình, xa xưa có mỹ danh là làng Lộc Nguyên, là “một vùng quê cuối đất, cuối trời văn minh, nhạt nhoà sự sống!”.

Đền đáp tình làng...

"Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó. Cuộc tồn sinh vắt qua xoáy lốc chiến tranh và bỏng rát thời bao cấp! Chúng tôi, bươn bả sống, bằng suất phần lao động từ Hợp tác xã và cây củ quả, rau lá nơi làng nghèo, xóm khó. Vì thế, tôi gắn bó với làng, biết ơn làng, đậm sâu tình làng!

Khi trưởng thành, hễ có dịp là tôi đáp lại tình làng, giúp làng, bằng chính tâm sức của mình.

Nửa thế kỷ trước, những người vượt thoát được như tôi, quá đỗi hiếm hoi. Đến mức, năm 1974, tôi đỗ đại học chính quy, thì mãi đến năm 1990, mới có thêm em trai tôi, tiếp bước. Vậy nên, tôi cứ luôn đau đáu về làng, tâm nguyện giúp làng, khi có thể!" - tâm tư của thầy Cương.

Năm 2004, cả tỷ đồng là số tiền rất lớn, gia đình thầy giáo Cương đã bỏ ra để xây dựng nhà khuyến học, đặt tên là Hoa Cương, ghép tên thầy và tên cô con gái đầu lòng. Nhà khuyến học Hoa Cương tọa lạc trên khu đất gần 500m2. Khoảng 2 vạn đầu sách đều là ông tự mua, tự sưu tầm. Thỏa cơn khát sách ngày ông còn là một cậu học trò nghèo và những đứa trẻ làng ông ở thời điểm những năm đầu thiên nhiên kỷ thứ hai.

"Tháng 9/1971, chúng tôi, một nhóm trẻ (hầu hết từ dân quê), bao gồm những học sinh xuất sắc, qua các kỳ thi học sinh giỏi cuối cấp 2; được gọi lên tỉnh, học "lớp đặc biệt văn" cấp 3. Chiến tranh, sơ tán, chúng tôi ở trọ nhà dân. Ăn bếp tập thể. Khẩu phần là một nắm mì luộc hoặc non bát cơm gạo dẻo Triều Tiên, thi thoảng có suất cơm gạo ta làm ví dụ! Vượt lên cái đói nhoè mắt chữ, là sự học như cơn khát. Nếu ai đó tìm được cuốn sách, chung nhau rau ráu đọc, đến rạc rời trang chữ!" - thầy Cương nhớ lại.

Cứ mỗi lần từ Quy Nhơn về quê, chiếc xe của thầy Cương chở theo hàng tạ sách, cây giống. Sách vào nhà khuyến học. Cây tạo bóng mát. Giờ thì ở vùng quê Bình An xanh um bóng dừa, như xứ sở Bình Định mà gia đình thầy Cương đã sống phần lớn cuộc đời.

Để gìn giữ 2 vạn cuốn sách, chủ yếu là sách thiếu nhi và sách phục vụ nhu cầu học tập của học sinh như sách giáo khoa, tiếng anh, vi tính…, thầy Cương thuê người trông coi. Những người ấy thường xuyên có mặt ở phòng sách, coi sóc sách và sự đọc của độc giả. Khu nhà khuyến học có hẳn phòng dành cho người coi thư viện ở lại. Suốt 15 năm (2004-2019), thầy Cương trả lương cho nhân viên phục vụ nhà khuyến học, thường từ 2-3 người.

Phòng đọc đủ chỗ cho cả trăm người đọc, được trang bị đầy đủ bàn ghế, tủ sách, máy tính kết nối mạng internet. Không chỉ học sinh, người dân xã Bình An, mà những người cần sách ở các xã lân cận Bình Lộc, Thịnh Lộc… cũng tìm đến thư viện Hoa Cương để trau dồi tri thức từ sách vở, lên mạng tìm thông tin.

Độc giả tại Nhà khuyến học Hoa Cương

Độc giả tại Nhà khuyến học Hoa Cương

Để giữ bền sách, phục vụ được nhiều độc giả, thư viện Hoa Cương chỉ cho học sinh đọc tại chỗ; còn người lớn, không phải ai cũng được mượn sách mang về nhà đọc, mà phải là những người uy tín.

Thư viện lớn mở ngay tại làng đã tác động trực tiếp đến ý thức chữ nghĩa của người dân trong vùng. Vì vậy, một phong trào đọc sách, học tập được dấy lên rộn ràng, rộng khắp... Nhiều học sinh đam mê đọc sách đã trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; đỗ vào trường chuyên, lớp chọn; đạt giải quốc gia, quốc tế về sáng tạo, kỹ thuật...

Đưa sách đến độc giả khó hơn xây thư viện

Hoạt động của Nhà khuyến học Hoa Cương trở thành điển hình khuyến học độc đáo, hiệu quả. Các cấp hội khuyến học, từ Trung ương đến địa phương, đánh giá Nhà khuyến học Hoa Cương là điển hình của cách làm khuyến học trí tuệ. Nhà khuyến học Hoa Cương nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, năm 2014, Hoa Cương được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng. Bộ đánh giá thư viện của Nhà khuyến học Hoa Cương tốt nhất trong số 47 thư viện tư nhân của cả nước thời điểm đó.

Có nhà khuyến học, có thư viện, có nhiều sách hay, thì không chỉ một Nhà khuyến học Hoa Cương có. Làm sao để thư viện có nhiều độc giả, có độc giả thường xuyên, thì lại là câu chuyện khác. Bí quyết thành công của Nhà khuyến học Hoa Cương là khen thưởng độc giả. Ví dụ: Trong tuần, học sinh nào đọc nhiều được thưởng sách vở; trong tháng, học sinh nào đọc nhiều được tặng cặp sách; người đọc nhiều trong năm được tặng xe đạp… Nhà khuyến học Hoa Cương trở thành không gian văn hoá cho cả vùng quê. Nhiệm vụ chính của nhà khuyến học là tổ chức đọc sách, học tập cho học sinh; đồng thời, là trụ sở khuyến học, nơi giúp đỡ đồ dùng, phương tiện học tập, phát thưởng - khích lệ học sinh nghèo vượt khó.

Với thầy Cương "dạy học vừa để mưu sinh, vừa là hành đạo. Sứ mệnh của nhà giáo là phải dấy lên đạo học ở những nơi mình có thể. Tôi lập nhà khuyến học làm cơ sở để dấy lên sự học, đạo học ở làng quê. Nhằm cuốn hút con trẻ vào guồng quay sách vở, học hành. Thức tỉnh người lớn đồng hành với việc học của con trẻ".

Rời bục giảng, PGS.TS. Nguyễn Quang Cương trở về quê, lập Bảo tàng Hoa Cương. Sau gần 50 năm tầm tìm, lưu giữ hiện vật và 3 năm gấp rút xây dựng, năm 2020, Bảo tàng đã thành hình. Bảo tàng trưng bày những hiện vật, cổ vật phản ánh khá đa diện về truyền thống người Việt, phục vụ học tập, du lịch. Hiện tại, Bảo tàng trưng bày 4.000 hiện vật và 3.900 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh quý hiếm, bao quát nhiều phương diện của đời sống người Việt, theo dọc chiều lịch sử, nhất là từ thời nhà Nguyễn đến nay.

Một góc Bảo tàng Hoa Cương. Ảnh: LĐO

Một góc Bảo tàng Hoa Cương. Ảnh: LĐO

Từ khi Bảo tàng Hoa Cương ra đời, Nhà khuyến học Hoa Cương (nằm trên cùng một khu đất), được tích hợp vào bảo tàng thành một phòng tư liệu. "Thư viện Hoa Cương" thành phòng đọc hoạt động vào dịp hè, phục vụ học sinh đọc sách tại chỗ. PGS.TS. Nguyễn Quang Cương tâm niệm: "Với tôi, thư viện tư nhân hay phòng đọc sách cộng đồng, thực chất là một nhà khuyến học. Nơi tạo dưỡng, duy trì thói quen đọc sách cho học sinh, cho cộng đồng. Sâu xa hơn, là nơi góp phần dấy lên đạo học, ở một vùng quê hay một vùng dân cư! Thực tế, từ tâm niệm này, đã hơn hai mươi năm qua, tôi dấy lên được sự học, đạo học ở một vùng quê rộng lớn, thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà khuyến học Hoa Cương đã đáp ứng được cơn đói sách, khát chữ của số đông con trẻ một thời đã qua"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà khuyến học Hoa Cương: sứ mệnh đời người của một nhà giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO