Với sức viết đều đặn và dồi dào, Trương Quý là một cái tên rất quen thuộc trên văn đàn Việt Nam những năm gần đây. Anh chia sẻ với độc giả về đọc sách và sự quan tâm đến sách ở Việt Nam.
Nhu cầu đọc sách ở Việt Nam đang trở nên chuyên biệt hoá
PV: Thưa nhà văn Nguyễn Trương Quý, từ góc nhìn của một người viết, một nhà nghiên cứu, anh có thể chia sẻ những cảm nhận cá nhân về việc đọc sách, sự quan tâm đến sách ở Việt Nam hiện nay?
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Dưới góc độ của một người viết quan sát việc đọc của đại chúng, tôi cảm thấy việc đọc sách và quan tâm đến sách ở Việt Nam vẫn ổn định như thế. Trong những trải nghiệm khi đã từng làm biên tập viên của nhà xuất bản, tôi thấy việc đọc trải rộng trên nhiều thể loại khác nhau.
Theo tôi sự quan tâm đến sách ở ta, tôi tạm gọi là liên quan đến việc bồi bổ kiến thức, tri thức phổ thông (có thể gồm cả văn chương lẫn sách về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội..), có lẽ chúng ta đang kỳ vọng vào câu chuyện liên quan đến việc cung cấp kiến thức tiên tiến, hiện đại của thế giới đối với thế giới quan của người Việt hiện nay. Mọi người rất quan tâm đến việc đọc cái gì có lợi cho bản thân, cho mục đích tương lai như mục đích "thành người", mục đích cho sự phát triển trí tuệ cũng như hành trang đi vào đời, với người trẻ thêm những kỹ năng làm việc hay phát huy những kỹ năng cá nhân vv..
Đấy là khu vực mà tôi nghĩ người đọc đại chúng tập trung quan tâm nhiều hơn, thậm chí cả những sách lịch sử, sách khảo cứu, sách nói về Việt Nam thời Đông Dương, thời chiến tranh hoặc quá trình lịch sử xây dựng đất nước. Đó cũng vẫn là cách thức nhìn nhận lại giá trị để khẳng định bản sắc của cộng đồng. Tôi thấy đấy là điểm rõ nhất.
Việc đó có sôi động cũng sẽ nhiều phần do truyền thông tiếp sức nữa. Doanh số bán sách vẫn duy trì ổn định. Hiện nay, kênh phân phối sách thuận lợi hơn rất nhiều. Đấy là một đặc điểm khác biệt so với cách đây 20- 30 năm. Sự chuyên sâu, nhiều tầng nấc của các thể loại sách cũng khác biệt hơn rất nhiều. Việc đọc sách cũng đòi hỏi nhiều kênh đa dạng hơn. Và các nhà làm sách cũng phải đối diện thách thức là họ hoặc làm sách chuyên khảo về một phần thể loại, chủ đề, đề tài; hoặc là ôm trọn tất cả các lĩnh vực. Điều đấy phụ thuộc vào sức làm việc, sức chạy đường dài của mỗi bên.
Xuất hiện những người tâm huyết lan toả việc đọc sách
Trong mấy năm vừa qua, có thể thấy là công cuộc chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam được nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện. Anh có dõi theo và thấy những hoạt động nào đáng chú ý hoặc hấp dẫn hoặc anh tin là sẽ hiệu quả? Và vì sao?
- Vì nhu cầu của việc đọc trở nên chuyên biệt hóa, phục vụ cho mục đích trước mắt rồi mục đích lâu dài, rất nhiều đơn vị đã đứng ra cổ động, tập hợp mọi người đọc sách, lập những nhóm, hội câu lạc bộ đọc sách, các trung tâm độc lập, ngay cả các nhà sách, đơn vị thực hiện sách như nhà xuất bản cũng có những kênh để truyền bá cho việc đọc. Có nhiều mô hình khác nhau, mỗi nơi có một cách, hiệu quả mức độ rất khác.
Có một số đơn vị, tổ chức dân sự làm việc cổ vũ, khuyến khích văn hóa đọc hết sức hiệu quả. Như CLB Đọc sách cùng con của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, tôi được theo dõi khá gần gũi. Việc đọc ở đây bắt nguồn từ quan điểm mấu chốt là đọc trong gia đình, bố mẹ đọc, ông bà đọc, các con đọc cùng nhau. Khái niệm "đọc sách cùng con" hay ở chỗ, tạo thói quen đọc ngay từ lúc còn nhỏ song song với việc học sinh đọc trên trường, vì trong quá trình giáo dục thì nhận thức lúc vào đời rất quan trọng. Việc đọc không thể nào để đến tầm 30 - 40 tuổi mới bắt đầu bập vào đọc được, khi bị chi phối bởi rất nhiều vấn đề như thời gian biểu lao động, nghỉ ngơi, nhu cầu đọc, một số người bị rào cản về tư duy đã bị định hình.
Một số hoạt động khác như các nhóm đọc sách, không gian đọc ở các địa phương, một số tỉnh thành cũng rất mạnh. Từ những chương trình lớn như Sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, cho đến những không gian đọc nhỏ như ở Thái Bình chẳng hạn. Thái Bình tôi biết có một tủ sách của thầy giáo ở Văn Khánh, huyện Hưng Hà có hẳn bộ sưu tập truyện Kiều với các ấn bản từ thời cổ nhất cho đến thời hiện đại. Tình yêu sách của thầy đã lan tỏa rất nhiều những thế hệ học sinh. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ từng là học sinh của thầy giáo đó, đã lên Hà Nội và các bạn cũng tiếp tục làm những việc rất đáng kể liên quan đến sách.
Kể những ví dụ đó, tôi nghĩ quan trọng nhất ở tâm huyết của người đứng ra làm. Từ phụ huynh đến trẻ em, học sinh khi đã nhận thấy được hình mẫu qua đó, thì thường mô hình khuyến đọc rất thành công. Còn nếu đơn thuần mượn những chương trình quảng bá rầm rộ có tính chất khoa trương, thì khó có đủ nguồn lực lâu dài để chạy, nếu không có người chuyên trách. Với việc đọc, chúng ta nghĩ đơn giản: cần là thói quen từ lúc nhỏ và duy trì suốt đời.
Khơi nguồn để đọc sách thực sự thấm sâu chứ không phải chỉ là phong trào
Vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm để hình thành một xã hội tôn vinh văn hóa đọc. Nhưng làm thế nào để sự khơi nguồn thực sự thấm sâu chứ không chỉ là phong trào?
- Như trên đã nói, việc đọc phải bắt nguồn từ lúc tuổi còn thơ, lúc mới vào đời có một thói quen đọc. Và trẻ nhỏ thấy xung quanh cũng có môi trường đọc, mọi người đều đọc thì các em, các cháu mới có động lực và cảm hứng với việc đọc. Sẽ rất khó cho một bạn nhỏ thích đọc mà xung quanh không có các thiết chế như thư viện, tủ sách, không có nơi chia sẻ với nhau, đọc một cuốn sách không biết trao đổi với ai.
Trong thời buổi cạnh tranh dữ dội bởi các mạng xã hội, các tiện ích công nghệ ngắn hạn - các sản phẩm nghe nhìn rất ngắn, trong khi thời gian ngồi đọc cuốn sách đòi hỏi lâu dài; thì việc đọc, tôn vinh văn hóa đọc phải có một sự hiệp đồng rất sâu rộng, từ chủ trương của Nhà nước, đến sự quan tâm của xã hội. Rõ ràng những cá nhân hay những cộng đồng nhỏ lẻ không thể nào làm được hết được.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trương Quý!
Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cao học Truyền thông (University of Stirling, UK). Hiện đang viết và vẽ tự do, là giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học Văn hóa; trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca
Các sách đã xuất bản: Tự nhiên người Hà Nội (2004); Ăn phở rất khó thấy ngon (2008); Hà Nội là Hà Nội (2010); Xe máy tiếu ngạo (2011); Còn ai hát về Hà Nội (2013); Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013); Mỗi góc phố một người đang sống (2015); Ăn quà xuyên Việt & Lê la quà vặt (cùng Đặng Hồng Quân, 2017); Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018); Kể chuyện Tết Nguyên đán (cùng Kim Duẩn, 2019); Hà Nội bảo thế là thường (2020); Triệu dấu chân qua những cửa ô (2022)...