Nhận diện hành vi tội phạm công nghệ cao và giải pháp phòng ngừa theo quy định mới của pháp luật (P2)

03/11/2015 20:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 7/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Trộm email của doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 25/9/2012, công ty CP Tập đoàn Hoa Sen ký hợp đồng bán cho công ty KHPRoofing (Malaysia) 160 tấn tôm lạnh trị giá khoảng 145.000 USD và đã được thanh toán trước hơn 29.000 USD. Đến ngày 29/10, công ty Hoa Sen dùng email gửi hoá đơn cho đối tác và yêu cầu chuyển số tiền còn lại vào tài khoản công ty. Tuy nhiên, trong quá trình gửi nhận, một số hacker nước ngoài được cho là đã xâm nhập, biết được toàn bộ thông tin này. Từ đây, nhóm "tin tặc“ lập tài khoản gần giống email của Hoa Sen, gửi cho Công ty KHPRoofing. Trong đó, chúng yêu cầu chuyển số tiền còn lại (hơn 115.000 USD) vào tài khoản cá nhân của Dương Anh Nhung. Nhận được email, công ty KHPRoofing đã chuyển số tiền trên vào tài khoản của Nhung. Khi Nhung đến ngân hàng kiểm tra số dư thì bị cảnh sát mời về làm việc, đồng thời phong toả tài khoản này. Làm việc với nhà chức trách, Nhung khai quen với Ugo trên Facebook vào năm 2010 làm nghề kinh doanh quần áo tại nhiều quốc gia. Qua vài lần trò chuyện, Ugo cho biết người nước ngoài không mở được tài khoản ngân hàng tại Việt Nam nên nhờ Nhung đứng tên hộ. Mở xong, Nhung đã gửi số tài khoản cho Ugo giao dịch. Ugo khai rằng anh ta chỉ làm việc theo chỉ dẫn của Chima - người Mỹ và đang ở Hà Nội. Được triệu tập, Chima khai làm theo lời một người tên Cris (đang ở Nigieria). "Ông trùm" này thoả thuận, nếu Chima rút tiền trót lọt sẽ được chia 10% và Ugo hưởng 20%. Cảnh sát xác định, 2 tên này thuộc nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo qua mạng tại nhiều quốc gia. Cũng với cách thức tương tự, Chima cùng đồng bọn đã đột nhập lấy cắp email của nhiều công ty như: công ty cao su Sao Vàng, công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông để chiếm đoạt số tiền hàng chục nghìn USD từ đối tác của họ. Ngày 26/6/2014, TAND TP HCM đã tuyên phạt Cletus Chimaobi Hillary (35 tuổi, quốc tịch Nigeria, tức Chima) mức án 14 năm tù, Okonkwo Mathias Ugochukwu (32 tuổi, quốc tịch Nigeria, còn gọi là Ugo) 12 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Lợi dụng sàn thương mại điện tử để lừa đảo (Vụ công ty MB24)

Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (viết tắt là Công ty MB24) mặc dù không được Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng đã tuyên truyền trên website muaban24.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử và tạo ra các gian hàng ảo nhằm chiếm đoạt tiền. Khi website muaban24.vn mới thành lập chưa có nhiều hội viên tham gia, các đối tượng đã tự động cho vào hệ thống hơn 17.000 hội viên từ công ty Tâm mặt trời (trụ sở tại Nguyễn Đình Chiểu, TP. HCM) sang nhưng không phải nộp tiền với mục đích lừa các thành viên vào hệ thống MB24. Phụ trách về công nghệ thông tin, Nguyễn Mạnh Hà sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền lôi kéo bán gian hàng ảo trên website muaban24.vn cho người khác, lấy tiền của hội viên sau trả tiền cho hội viên trước, tạo ra một tài khoản để đưa tiền ảo vào hệ thống rồi rút tiền thật của các hội viên để chiếm đoạt. Chỉ riêng tại Hà Nội, Công ty MB24 đã phát triển được 5 chi nhánh. Các chi nhánh đăng ký kinh doanh, tự động và hoạch toán độc lập. Chi nhánh chi trả tiền hoa hồng cho công ty MB24 khi có hội viên mới tham gia.

Về cách thức vận hành, để tham gia làm thành viên, khách hàng sẽ phải mua một gian hàng với giá 5,2 triệu đồng, tương ứng với 520 điểm. Sau đó, để trở thành hội viên, khách hàng phải chia toàn bộ số điểm cho hội viên đào tạo (thực chất là phí đào tạo). Mỗi hội viên khi giới thiệu người mua gian hàng sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng, từ người thứ 2 được thêm 320.000 đồng. Hội viên VIP bán được 198 gian hàng được hưởng 80 triệu đồng/tháng. Có nhiều gian hàng VIP sẽ lên cấp VIP lãnh đạo, cấp phó giám đốc toàn quốc, giám đốc toàn quốc. Mỗi cấp lại được hưởng thêm hoa hồng. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, Minh và đồng phạm đã bán được 121.349 gian hàng ảo với số tiền trên 631 tỷ đồng. Sau đó, Minh và đồng bọn rút tiền chiếm đoạt của các hội viên gần 31 tỷ đồng. Số tiền này được các đối tượng tiêu xài vào việc cá nhân.

Ngày 30/6/2014, TAND Tp. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Huy (Giám đốc Công ty MB24)16 năm tù giam; Bị cáo Lê Văn Cường (Phó Giám đốc công ty MB24) 14 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Mạnh Hà (Trưởng phòng kỹ thuật công ty MB24) 14 năm tù giam về tội "Sử dụng mạng, máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

Liên quan đến việc lợi dụng bán hàng đa cấp qua Sàn giao dịch TMĐT để lừa đảo công nghệ cao như vụ án ông ty MB24, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định 42/2014/ NĐ-CP do Chính phủ ban hành (sau đây gọi là Nghị định 42) trực tiếp quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị cấm thực hiện mô hình kim tự tháp kể từ ngày 1-7-2014. Nghị định 42 cũng quy định rõ doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, cũng như không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới. Theo Nghị định 42 (hiệu lực từ ngày 1/7/2014), doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn phải ký quỹ 5% vốn điều lệ, nhưng số tiền tối thiểu đã được nâng lên thành 5 tỷ đồng Việt Nam, đồng thời yêu cầu cụ thể vốn pháp định cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 10 tỉ đồng Việt Nam.

Ngày 7/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Theo đó, để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác đấu tranh chống, phòng ngừa loại tội phạm này, ngoài việc phải tuân thủ các nguyên tắc và chính sách của Nhà nước, các hoạt động sau đây cần được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả để đạt được giải pháp phòng ngừa có hiệu quả nhất cũng như xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm:

-Tăng cường quản lý hành chính về an ninh, trật tự để chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp.

-Tăng cường hoạt động phòng ngừa của Cơ quan chuyên trách qua việc tổ chức, triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan tại các địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhằm phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

-Tăng cường ý thức trách nhiệm cá nhân tự bảo mật thông tin (bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình). Phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

-Tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Nâng cao vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng qua việc đưa tin kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; phản ánh tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; nêu gương các điển hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

-Đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Tài liệu tham khảo

[1].Thông tin về số liệu và các vụ án hình sự về tội phạm công nghệ cao trên các báo điện tử Vietnamnet, Vnexpress, Dân Trí, Báo đầu tư, Lao động.
[2]http://www.mic.gov.vn (Bộ Thông tin và Truyền thông).
[3].http://www.mps.gov.vn (Bộ Công an).
[4].Nghị định 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

ThS. Trần Đoàn Hạnh

(TCTTTT Kỳ 2/7/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện hành vi tội phạm công nghệ cao và giải pháp phòng ngừa theo quy định mới của pháp luật (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO