Phát hành bộ tem chủ đề “Tranh lụa Việt Nam”

Hoàng Mạnh Linh| 16/10/2018 10:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Tranh lụa là một chất liệu hội họa độc đáo, mang đậm nét văn hóa Á Đông nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hi vọng chủ đề “Tranh lụa Việt Nam” trong Chương trình phát hành tem bưu chính 2019 là một bộ tem đẹp, đậm chất nghệ thuật, nhằm làm phong phú thêm thị trường tem bưu chính hiện nay.

Lụa, từ lâu đã được các họa sĩ cung đình Việt Nam dùng để vẽ tranh chân dung vua, quan, tranh sơn thủy… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nghệ thuật vẽ lụa đã trải qua các giai đoạn thăng trầm, thậm chí có lúc bị thoái trào với nguy cơ biến mất. Nhưng đến nay, tranh lụa ở giai đoạn hồi sinh bởi gần đây, một số họa sĩ trẻ đã dày công sáng tác, tìm tòi trong nghệ thuật vẽ lụa, đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tranh lụa

Vẻ đẹp của chất liệu có trong lụa khác hẳn với các chất liệu có trong sơn mài, sơn dầu nên trong lĩnh vực hội họa, duy nhất tranh lụa được gọi tên theo đặc tính của chất liệu làm nền tranh chứ không theo chất liệu vẽ lên trên nền đó. Có thể nói, nền lụa là một trong những chất liệu hội họa đặc thù và độc đáo bởi với đặc tính thoáng, nhiều ô trống, sợi dai nhưng mềm và mịn, lụa có độ thấm hút tốt, khó phai và chấp nhận được màu bôi lên nó mà vẫn đem lại cảm giác mềm mại, trong và sâu cho bức tranh.

Theo giới hội họa, có thể xem họa sĩ Nam Sơn là người vẽ tranh lụa màu đầu tiên của Việt Nam với bức tranh "Về chợ" vẽ năm 1927. Sáu mươi năm gắn bó với nghề, ông để lại khoảng 400 tác phẩm trên nhiều chất liệu, trong đó lụa có hơn 20 bức. Tuy nhiên, Nguyễn Phan Chánh được coi là họa sĩ đã khai phá loại hình tranh lụa hiện đại Việt Nam với những bức vẽ mang phong vị rất Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp với quan niệm hội họa hiện đại: những mảng màu đơn giản, ấm áp, nhuần nhị, những đường viền mềm mại, những khoảng trống rất đúng chỗ. Ngoài 2 kiệt tác “Ngừoi bán ốc” và “Em bé cho chim ăn”, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn nổi tiếng với những tác phẩm: "Chơi ô ăn quan", "Vo gạo", "Xem bói", "Lên đồng", "Người bán gạo", "Rửa rau cầu ao", "Cô gái róc mía", "Người đàn bà hái rau muống", "Đi cày", "Hạnh phúc", "Cô hàng xén", "Người hát rong", "Đám rước"…. tựu chung là chủ đề nhân vật và bối cảnh Việt Nam được nghiên cứu đơn giản và cách điệu độc đáo. Thành công của ông đã lôi cuốn các bạn cùng lứa và các họa sĩ thuộc lớp sau đóng góp thêm kỹ thuật vẽ tranh lụa. Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu… là những cái tên góp phần đưa tranh lụa ra toàn cầu, tạo nên tiếng nói độc đáo cho mỹ thuật Việt trên thế giới.

Giới chuyên môn rất đề cao giá trị tranh lụa. Điểm mạnh của tranh lụa là ở sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Đó chính là sức hút khó cưỡng đối với người biết thưởng lãm tranh hội họa. Trên chất liệu lụa truyền thống với sự óng mịn của tơ, những nghệ sĩ đã tìm tòi, sáng tạo nên sắc màu riêng cho lụa; kiệm màu, nhuần nhị mà vẫn bừng sáng vẻ tươi tắn của cảnh sắc và con người, giàu sức lay động.

Dưới đây là một số bức tranh tham dự “Triển lãm Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam” đã diễn ra từ 20-30/9/2017 tại Trung tâm Văn hóa châu Á, thành phố Oakland, Bang California, Hoa Kỳ. Triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, Trung tâm Văn hóa châu Á, thành phố Oakland tổ chức.

Thiếu nữ 2 – Lâm Thanh

Ngày đơm hoa – Trần Xuân Bình

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát hành bộ tem chủ đề “Tranh lụa Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO