Lý Thường Kiệt là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước Việt trong thế kỷ XI. Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Sau vì có công, được triều đình ban quốc tính, ghép họ được ban với tên tự thành Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông, hưởng thọ 86 tuổi.
Trong chính trị, Lý Thường Kiệt là đấng đại danh thần, chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhà Lý, nhất là dưới thời trị vì của Hoàng Đế Lý Nhân Tông (1072-1127), ông hiện thân cho tinh thần và bản lĩnh dân tộc, tên tuổi Lý Thường Kiệt gắn liền với những chiến công vang dội trong công cuộc phò Vua phá Tống, bình Chiêm.
Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Luôn sẵn dã tâm dòm ngó, giặc phương Bắc xem đây là cơ hội tốt và ráo riết tiến hành mưu đồ xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt khi ấy đang ở cương vị Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công, ông nắm toàn quyền cả văn lẫn võ. Gánh vác trách nhiệm to lớn và nặng nề với vận mệnh giang sơn xã tắc, Lý Thường Kiệt nhận sứ mệnh thiêng liêng, trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
Dùng kế sách “Tiên phát chế nhân”, ông chủ động đánh các thành địch để chặn thế mạnh của giặc. Cơ mưu và khéo léo vận dụng nhiều hình thức chiến thuật tập kích, đánh úp, đánh bất ngờ, cường công… Lý Thường Kiệt và quân sĩ đã nhanh chóng hạ hàng loạt căn cứ, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch tiến đánh nước ta.
Sau thắng lợi đó, Lý Thường Kiệt quyết định dựa vào địa thế sông núi, đèo cao hiểm trở để xây dựng các tuyến phòng thủ thủy, bộ và chọn sông Như Nguyệt là tuyến phòng thủy chủ lực. Các trận đánh hào hung trên phòng tuyến Như Nguyệt đã góp phần quan trọng mang lại thắng lợi toàn cục cho quân dân Đại Việt, đẩy lùi hai cuộc “Bắc phạt” của nhà Tống.
Mẫu tem thể hiện hình tượng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, được thể hiện qua bức tượng chân dung của ông ở vị trí trung tâm, phía sau là phòng tuyến sông Như Nguyệt cùng sông núi bờ cõi nước Nam được đồ họa bằng nét, thông qua đó toát lên khí thế quật cường của dân tộc trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Bộ tem có giá mặt 4000 đồng, khuôn khổ 43x32 mm, do họa sĩ Phạm Quang Diệu - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thiết kế. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 01/4/2019 đến 31/12/2020.
Hình ảnh bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 1000 năm sinh Lý Thường Kiệt (1019-2019)”