Phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số đa nền tảng

Trí Tâm| 17/11/2019 08:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của Internet, hệ thống mạng xã hội, hệ thống truyền thông số. Điều này đã tác động và làm thay đổi mạnh mẽ đến ngành phát thanh – truyền hình (PT-TH).

Những năm trước đây truyền hình chỉ phân phối qua các nền tảng truyền thống như: Hệ thống vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình mặt đất. Đến nay, Internet, mạng xã hội là những kênh phân phối không thể thiếu của truyền hình. Thậm chí với Internet, thông qua YouTube hay Facebook, từng cá nhân riêng lẻ cũng có thể làm được truyền hình.

Theo các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Cambridge của Anh thì phát thanh, truyền hình công (của Nhà nước) đang đứng giữa ngã tư đường - hoặc chí ít cũng là ngã ba đường, trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vấn đề không phải là chọn con đường nào mà là làm thế nào để xác định đúng vị trí, cách tồn tại và phát triển của mình. Hay nói cách khác là phải xác định vai trò, tác dụng, hiệu quả hoạt động của các đài PT-TH công trong kỷ nguyên số hóa.

Hiện nay, con người ngày càng gắn chặt vào các thiết bị và ứng dụng công nghệ.

Sự phát triển của công nghệ Internet, số hóa đã thay đổi công chúng PT-TH. Hiện nay, một phần không nhỏ người dùng không còn muốn xem truyền hình theo cách truyền thống. Trước đây, các đài PT-TH quyết định cho thính giả, khán giả nghe gì, xem cái gì; nghe, xem khi nào và như thế nào, thì đến nay, công chúng PT-TH đã chuyển sang vai trò chủ động, kiểm soát, lựa chọn cái mình muốn nghe, xem theo nhu cầu (thời gian, kênh, không gian). Họ có thể lựa chọn không chỉ nội dung theo sở thích của mình mà còn có thể lựa chọn cách thức truyền nhận thông tin. Như với mảng truyền hình thì đó là sự xuất hiện của mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất hiện nay - YouTube (năm 2005). Đến nay, đã có hơn 1 tỷ người dùng, tương đương 1/7 dân số thế giới. Mạng xã hội chia sẻ video này, tạo xu hướng thông tin, giải trí mới, với các kênh YouTube phổ biến nhất, thu hút người xem còn đông hơn cả lượng khán giả của nhiều kênh truyền hình lớn, có thể tạo nên những ngôi sao trên mạng không kém gì các kênh truyền hình lớn.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão hệ thống mạng xã hội.

Với mạng xã hội YouTube, ai cũng có thể lập cho mình một kênh riêng và dễ dàng đem sản phẩm của mình đến với công chúng mà không phải cần đến một hệ thống cồng kềnh như một kênh truyền hình truyền thống.

Và có một thực tế rằng trong những năm vừa qua khi công nghệ phát triển, người đọc báo in, người nghe đài, người xem truyền hình giảm số lượng lớn; trong khi đó công chúng nghe, xem, đọc trên Internet tăng cả về số lượng lẫn dung lượng thông tin.

Do đó, các đài PT-TH cần thay đổi để bắt kịp xu thế truyền thông hiện đại. Và để thực hiện được điều đó thì trước hết các đài phải nắm được nhu cầu, sở thích, hành vi của khán, thính giả, sự đa dạng về đối tượng sử dụng sản phẩm truyền thông, các phương thức khán, thính giả tiếp cận và “tiêu dùng” sản phẩm truyền thông thì mới có thể cạnh tranh được với các loại dịch vụ truyền thông mới.

Ngày nay, hành vi và xu hướng tiếp cận thông tin của khán, thính giả đã thay đổi rất nhiều. Họ muốn tìm kiếm thông tin bất cứ khi nào họ muốn, lựa chọn bất kỳ loại hình truyền thông (cách tiếp cận thông tin) nào mà họ thấy thuận tiện nhất và khai thác những nội dung, chủ đề mà họ quan tâm nhất. Do đó, những nội dung mà các nhà đài khai thác và cung cấp phải đa dạng và đánh trúng nhu cầu của công chúng, dưới nhiều dạng thức, gồm: video, audio, văn bản, phát trực tiếp liên tục 24//7, tin vắn, Internet, podcast, mobile để tạo ra ảnh hưởng lớn nhất và rộng rãi nhất.

Trong lĩnh vực phát thanh, xu hướng của người nghe trên thế giới không còn bó buộc vào các kênh radio phát qua sóng FM hay AM truyền thống/cổ điển. Tháng 1/2017, Na Uy trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức bỏ phát sóng phát thanh qua sóng FM mà hướng tới chuyển 100% sang công nghệ số.

Sau Na Uy, dự kiến sẽ có nhiều nước trên thế giới sẽ từng bước thực nghiệm và tiến tới từ bỏ sóng FM để chuyển hoàn toàn sang phát sóng bằng công nghệ số. Trong kỷ nguyên số, việc theo đuổi các công cụ và kỹ năng tác nghiệp bằng công nghệ không phải là điều kiện tiên quyết mang lại thành công cho báo chí, PT-TH. Đầu tư lớn cho công nghệ là cần thiết nhưng với báo chí, PT-TH chính thống, nội dung vẫn luôn là ưu tiên số 1, có tính chất sống còn.

Ngoài việc sản xuất ra những nội dung hay phù hợp, chúng ta cũng cần thay đổi cách quản lý nội dung, quản lý bản quyền để có thể phân phối một cách hiệu quả nhất trên nhiều nền tảng, trên nhiều hệ thống như mạng xã hội, hệ thống internet OTP…; áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chương trình. Bên cạnh đó, các phóng viên, biên tập viên cũng phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất, tin, bài, hình ảnh phải phục vụ tối đa cho mọi nền tảng công nghệ của tòa soạn, từ báo giấy, báo điện tử, video cho truyền hình và audio cho phát thanh.

Tác động của công nghệ, mạng xã hội đối với ngành PT-TH và công chúng ngày càng lớn, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội không nhỏ đối với các đài PT-TH trên cả nước. Để tận dụng được những cơ hội và lợi thế để bứt phá có lẽ vẫn đang là một bài toán khó đối với các nhà đài.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số đa nền tảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO