Phát triển văn hoá đọc ở nông thôn

Mai Thiên| 08/11/2022 09:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là làm cho văn hóa thâm nhập và thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống nông thôn, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn, hình thành các cộng đồng nông thôn văn hóa. Theo ThS. Võ Công Nam (trường ĐH Văn hoá TP. HCM), một cộng đồng văn hóa trước tiên và trên hết phải là một cộng đồng đọc.

Văn hoá đọc có khả năng tạo dựng một cộng đồng đủ điều kiện học tập suốt đời

Đọc sách là phương thức cho phép tiếp cận với nguồn tri thức phong phú nhất, chất lượng nhất và dễ dàng tiếp cận nhất. Vì vậy, đọc được xem là hoạt động văn hóa tầm cao của con người.

Bởi vậy, ThS. Võ Công Nam cho rằng: Văn hóa đọc cho phép mỗi cá nhân có thể làm giàu vốn kiến thức của mình, bồi bổ trí thông minh và năng lực tư duy, phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo; giúp rèn luyện khả năng diễn đạt bằng lời nói và chữ viết, giúp tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Vì vậy, một con người có thể thành đạt mà không nhất thiết phải qua trường lớp, nhưng một con người không thể thành đạt nếu không đọc.

Đối với cộng đồng, văn hóa đọc có khả năng tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, trong đó có chính sách xã hội tiến bộ, dư luận xã hội ca ngợi những điều tốt đẹp và lên án những gì là xấu xa. Một môi trường xã hội có điều kiện để cái tốt, cái cao thượng phát triển, cô lập và loại trừ những cái xấu xa.

Theo ThS. Võ Công Nam: Văn hóa đọc có khả năng tạo dựng một cộng đồng có đầy đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người; giúp mọi người được tiếp cận một cách không hạn chế và trung thực đến mọi nguồn thông tin của xã hội. Văn hóa đọc cho phép việc bảo tồn bản sắc văn hóa và giao lưu giữa các nền văn hóa. Văn hóa đọc có khả năng khuấy động các phong trào hoạt động vì sự tiến bộ của cộng đồng và nhân loại. Một cộng đồng tốt đẹp, trước hết và trên hết phải là một cộng đồng đọc.

Dân tộc Việt Nam ta vốn là dân tộc đã có văn hóa đọc từ 4000 năm trước, đã xây dựng được một truyền thống quý sách và thích đọc sách… Thế nhưng, những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, truyền thống tốt đẹp ấy đã có nhiều phai nhạt, nhất là ở nông thôn: tính tích cực đọc không cao, thói quen đọc chưa bền vững, mục đích đọc chưa tốt, phương pháp đọc chưa hợp lý dẫn đến kỹ năng đọc kém hiệu quả. Thái độ đối với sách, với tri thức và những người làm sách chưa thỏa đáng.

"Chấn chỉnh những lệch lạc và phát triển văn hóa đọc ở nông thôn hiện nay là cấp bách và cần thiết. Việc phát triển văn hóa đọc đảm bảo cho mọi người dân ở nông thôn có được một trình độ học vấn đầy đủ, được tiếp cận một cách trung thực và không hạn chế đến mọi nguồn thông tin của xã hội để làm thay đổi diện mạo của các cộng đồng dân cư ở nông thôn văn minh và tiến bộ hơn" - ThS. Võ Công Nam nhấn mạnh.

Thư viện là nhân tố chủ lực hình thành các cộng đồng đọc ở nông thôn

Thư viện, theo quan điểm của UNESCO, với tư cách là một thiết chế quan trọng hàng đầu trong việc "đảm bảo cho mọi cá nhân có được một trình độ học vấn đầy đủ, được tiếp cận đầy đủ thông tin, để tự mình có thể ra được những quyết định đúng đắn cho mình và cho cộng đồng. Thực hiện những quyền thiêng liêng của con người, tự do phồn vinh và phát triển", phải là đội quân chủ lực trong việc hình thành các cộng đồng đọc ở nông thôn hiện nay.

Thư viện cộng đồng của chú Ba Tấn ở xã Tân Qui Tây, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp. Ảnh minh họa

Thư viện cộng đồng của chú Ba Tấn ở xã Tân Qui Tây, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp. Ảnh minh họa

Theo ông Nam, từ trước đến nay, tổ chức phát triển văn hóa đọc ở nông thôn trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như được khoán trắng cho hệ thống thư viện công cộng. Tuy nhiên, đầu tư của nhà nước cho thư viện công cộng chỉ mới đến được với thư viện cấp huyện. Số phận và hoạt động của các thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cấp dưới huyện tùy thuộc vào lòng "hảo tâm" của các tổ chức đoàn thể xã hội, các mạnh thường quân hoặc sự năng động của thư viện công cộng cấp tỉnh và huyện.

Trong khi đó, những người dân ở cơ sở mới thật sự là người cần và xứng đáng nhất để được hưởng các hoạt động công ích như hoạt động thư viện. Những năm gần đây, chương trình tài trợ sách cho vùng sâu, vùng xa được nhà nước thực hiện. Tuy nhiên chương trình này vẫn còn mang tính thời vụ nên qui mô, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Theo nhà nghiên cứu này, phát triển văn hóa đọc phải là một nội dung quan trọng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phải được đảm bảo bởi pháp luật về tổ chức và thể chế.

Tổ chức và thể chế về văn hóa đọc ở nông thôn bao gồm một hệ thống thư viện và không gian đọc sách công cộng có nguồn lực thông tin phong phú, có môi trường đọc hấp dẫn và có dịch vụ đa dạng tương thích với điều kiện hoàn cảnh của người dân. Cần phải thiết lập một hệ thống phân phối sách có chất lượng về tư tưởng, học thuật, phù hợp với nông thôn, phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Nhà nước phải đảm bảo được những điều kiện cần thiết để tổ chức và phát triển văn hóa đọc: Phải có cơ quan công quyền đặc trách việc khuyến khích, định hướng, điều chỉnh và điều hành văn hóa đọc; Có nguồn kinh phí chắc chắn và được cấp phát kịp thời; Có đường lối, chính sách ưu tiên cho việc phát triển văn hóa đọc.

Các thư viện ở nông thôn phải trở thành một trung tâm văn hóa, một trung tâm học tập cộng đồng, một đầu cầu để tiếp cận tới mọi nguồn thông tin xã hội, một môi trường nghỉ ngơi, giải trí lành mạnh của cộng đồng. Cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía nhà nước và xã hội để các thư viện vùng nông thôn trở thành địa chỉ hấp dẫn và đáng tin cậy nhất của nhân dân mỗi khi họ cần tri thức, cần thông tin, kể cả mỗi khi họ muốn nghỉ ngơi, thư giãn, muốn hưởng thụ những giá trị tinh thần.

Muốn như vậy, thư viện cần được đầu tư một nguồn lực thông tin hấp dẫn, phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu cuộc sống, thị hiếu của người dân; Một môi trường đọc hấp dẫn với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, trụ sở khang trang và tiện nghi, sự đa dạng về dịch vụ tương thích với thói quen, điều kiện và hoàn cảnh sống của đồng bào nông thôn từng vùng.

Hiện nay, người làm công tác thư viện ở vùng nông thôn nói chung, một số ít theo chế độ bán chuyên trách, phần đông là những "tình nguyện viên", họ đến với thư viện vì yêu thích, vì sự tiến bộ của cộng đồng không biên chế, không lương, không được huấn luyện về mặt chuyên môn. Đây là một điều hết sức nghịch lý. Bởi lẽ, hoạt động thư viện vùng nông thôn, do tính chất phức tạp của nó, đòi hỏi phải có những cán bộ không chỉ có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, mà còn phải hết sức tâm huyết và rất năng động.

Họ phải được đào tạo đầy đủ và chuyên biệt để hoạt động được ở vùng nông thôn, trong đó đòi hỏi nhiều tố chất: Hòa hợp được với môi trường tự nhiên, am hiểu phong tục, tập quán, tính cách của người dân, có khả năng vận động, chịu đựng được gian khổ.

Hoàn thiện không gian học tập, đọc sách khang trang cho các em học sinh Trường Tiểu học Tân Lập, (xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang)

Hoàn thiện không gian học tập, đọc sách khang trang cho các em học sinh Trường Tiểu học Tân Lập, (xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang)

Nhà nước nói chung và ngành thư viện nói riêng cần phải có những chính sách, chế độ để thu hút được những người ưu tú tham gia vào đội ngũ cán bộ thư viện phục vụ nông thôn. Các cơ sở đào tạo về thư viện - thông tin cần có những chương trình huấn luyện riêng đáp ứng được những điều kiện và đòi hỏi của hoạt động thư viện khu vực đặc biệt này.

"Phát triển văn hóa đọc vùng nông thôn là một đạo lý mà toàn xã hội phải thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhà nước phát động trong toàn xã hội. Chương trình này sẽ không có ý nghĩa nếu người nông dân vẫn không thiết tha đến sách vở, đến việc đọc sách, bởi đây là con đường nhanh nhất để thay đổi triệt để lối sống và mức sống của người nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam" -ThS. Võ Công Nam chia sẻ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hoá đọc ở nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO